Bước tiến mới trong quan hệ Mỹ - Phi

06:14, 04/07/2013
|

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khép lại chuyến công du châu Phi tuần qua bằng một tuyên bố đầy hoa mỹ: một kỷ nguyên mới của quan hệ Mỹ - Phi đã được mở ra. Nền tảng của kỷ nguyên này là mối quan hệ đối tác, chứ không phải là viện trợ nhân đạo.

 

Tanzania là chặng dừng chân cuối cùng của Tổng thống Obama đến 3 nước châu Phi, gồm cả Senegal và Nam Phi. Trong suốt chuyến thăm, ông chủ Nhà Trắng đã quảng bá một mô hình mới cho quan hệ đối tác giữa Mỹ và châu Phi - một mối quan hệ không chỉ trên cơ sở viện trợ và giúp đỡ mà còn dựa trên thương mại. Trong cuộc gặp giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và châu Phi, ông Obama nói ông coi châu Phi là “câu chuyện về sự thành công lớn tiếp theo trong lĩnh vực kinh tế trên thế giới” và Washington muốn thay đổi cách tiếp cận của Mỹ với châu Phi: “Chúng tôi đang xem xét một mô hình mới, không chỉ dựa trên viện trợ mà còn dựa trên thương mại và quan hệ đối tác”.


Tổng thống Obama cũng đã khởi động quan hệ đối tác thương mại, trước hết tập trung ở các nướcĐông Phi - gồm 130 triệu dân - như Burundi, Kenya, Ruwanda, Tanzania và Uganda. Chương trình này được lập ra để hỗ trợ quan hệ thương mại giữa các nước này với Mỹ. Trong số những rào cản thương mại mà Mỹ dự định giảm bớt có cả việc giải quyết các hạn chế về giao thông vốn cản trở việc vận chuyển hàng hóa và sản phẩm trong khu vực. Ông Obama cũng đã ký một sắc luật nhằm chống lại nạn buôn lậu động vật hoang dã tại châu Phi. Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ đầu tư 10 triệu USD để đào tạo và hỗ trợ các chính quyền châu Phi xử lý nạn săn bắn trộm và buôn bán động vật hoặc các bộ phận của động vật một cách trái phép.

 

Trước Mỹ, Trung Quốc, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Brazil, đã tới châu Phi và hiện đang gặt hái những cơ hội đầu tư mới ở châu lục này. Vì vậy, Mỹ không muốn là kẻ chậm chân. Tuy nhiên, phong cách “làm ăn” và phong cách ngoại giao của ông Obama khiến ít người tin rằng sự quan tâm của ông đối với châu Phi sẽ “bền vững”. Ngoài việc đưa ra những tuyên bố rất hùng hồn, đặt ra những mục tiêu lớn, chính quyền Obama vẫn chưa có một chiến lược rõ ràng nào đối với châu Phi.

 

Địa chính trị là một “trò chơi” lâu dài. Cả cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton - người đã thúc đẩy việc thông qua Đạo luật về tăng trưởng và cơ hội phát triển ở châu Phi (AGOA) tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu châu Phi được miễn thuế khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, và cựu Tổng thống George W. Bush - người đã đưa ra chương trình Pepfar nhằm cứu hàng nghìn nạn nhân HIV/AIDS ở châu Phi, đã thực hiện các chương trình dù khiêm tốn, nhưng khá bền vững, nhằm khai thác tiềm năng và hỗ trợ châu lục này.

Ông Obama được thừa kế cả hai chương trình, song bản thân ông vẫn chưa hề có sáng kiến nào đủ tầm như thế. Tình hình này khó có thể sáng sủa hơn khi trong nhiệm kỳ của ông Obama, châu Phi đã bắt đầu có những bước đột phá để trở thành thị trường mới nổi lớn tiếp theo. Có thể nói 90% thời gian mà ông Obama dành cho châu Phi đã bị chi phối bởi các hoạt động chống khủng bố trên khắp lục địa kéo dài từ Sahel qua Magreb rồi tới khu vực Sừng châu Phi.


Trong khi đó, Trung Quốc đang chơi một trò chơi lâu dài. Theo Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đầu tư của Trung Quốc vào ngành chế tạo ở châu Phi gần ngang bằng với đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hàng hóa. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và châu Phi tăng hơn 10 lần kể từ năm 2000, và lên gần 170 tỷ USD trong năm 2012, gấp đôi so với kim ngạch thương mại giữa Mỹ và châu Phi. Trung Quốc hiện có tới hơn 150 tùy viên thương mại ở tiểu vùng Sahara, trong khi Mỹ chỉ có 6 tùy viên.

 

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào đã tới thăm châu Phi tới 7 lần. Chỉ vài tuần sau khi tiếp nhận chức Chủ tịch nước từ ông Hồ Cẩm Đào, ông Tập Cận Bình cũng đã có chuyến công du tới 3 nước châu Phi trong khi trong cả hai nhiệm kỳ, đây mới là chuyến công du thứ hai của ông Obama. Các quan chức ở các định chế cho vay đa phương cho biết, châu Phi đang có xu hướng bỏ qua những lời tư vấn của họ, mà thay vào đó đón nhận nguồn tiền từ Trung Quốc.

 


Văn Thanh

Ý kiến bạn đọc