Biển Hoa Đông: Trung cương, Nhật quyết

06:48, 09/07/2013
|

(VnMedia) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 7/7 đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về việc tìm cách “thay đổi sự nguyên trạng bằng vũ lực” trong mối quan hệ với Nhật Bản và các quốc gia Châu Á khác.
 

 Ảnh minh họa

 Trung Quốc và Nhật Bản trong thời gian qua đã đối đầu quyết liệt với nhau vì tranh chấp ở biển Hoa Đông


Đó là một cách tiếp cận hoàn toàn “sai lầm”, Thủ tướng Abe đã phát biểu thẳng thắn như vậy trong một chương trình của đài truyền hình về chủ đề liên quan đến các cuộc tranh chấp hàng hải căng thẳng giữa Trung Quốc với một loạt nước láng giềng ở Châu Á, trong đó có Nhật Bản.
 
“Nhật Bản và Trung Quốc có những mối quan hệ không thể chia cắt và hai nước cần phải giải quyết vấn đề thông qua đối thoại”, Thủ tướng Abe cho biết trong một nỗ lực nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh phải nới lỏng các điều kiện nhằm tổ chức một hội nghị thượng đỉnh song phương.
 
Trung Quốc được cho là đang đòi hỏi Tokyo phải thừa nhận sự tồn tại của một cuộc tranh chấp giữa hai nước ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc biển Hoa Đông. Chính quyền ở Tokyo luôn khăng khăng khẳng định không có cuộc tranh chấp nào tồn tại ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bởi nhóm đảo đó rõ ràng thuộc chủ quyền của Nhật Bản cả về mặt pháp lý lẫn lịch sử.
 
“Đó là một lập trường ngoại giao sai lầm khi bác bỏ việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh chỉ bởi vì các điều kiện đưa ra không được đáp ứng”, ông Abe cho biết. Ông này kêu gọi Bắc Kinh và các nước khác tôn trọng “pháp quyền” trong việc giải quyết bất kỳ cuộc tranh chấp hàng hải nào.
 
Những phát biểu trên được Nhà lãnh đạo Nhật Bản đưa ra sau khi gần đây có tin một tàu cần trục của Trung Quốc đang xây dựng một cơ sở khoan dầu ở khu vực biển gần đường biên giới mà Nhật Bản tuyên bố thuộc chủ quyền của nước này ở giữa vùng đặc quyền kinh tế của hai nước.
 
Sáng ngày hôm qua, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cũng cho biết, các tàu hải giám Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản ở gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
 
Tàu Haijian số 23, Haijian số 49 và Haijian số 5001 đã bị phát hiện đang đi lại gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư lúc khoảng 9h30 sáng qua theo giờ địa phương, Trụ sở của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển số 11 của Nhật Bản ở Naha, quận Okinawa, cho biết.
 
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã cảnh cáo các tàu Trung Quốc không được đi vào vùng lãnh hải của nước này nhưng tàu Haijian số 5001 đã đáp trả bằng cả tiếng Nhật và tiếng Trung rằng, họ đang “thực hiện một chuyến tuần tra định kỳ theo luật pháp Trung Quốc”, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết.
 
Tranh chấp Trung - Nhật lại sắp “nổi bão”?
 
Các nhà hoạt động ở Hồng Kông đang có kế hoạch đổ bộ lên quần đảo tranh chấp với Nhật Bản vào tháng tới nhằm “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với dãy đảo này. Đây là nhóm đã từng thực hiện một cuộc đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi năm ngoái, gây ra một cơn sóng gió lớn trong cuộc tranh chấp Trung - Nhật.
 
Ông Lo Chau – trưởng nhóm đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 8 năm ngoái, cho biết, lần này, họ sẽ sửa sai bằng cách xin giấy phép để có thể thực hiện một cuộc đổ bộ mới lên quần đảo tranh chấp với Nhật Bản vào ngày 15/8 tới.
 
“Chúng tôi có kế hoạch khởi hành đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư một lần nữa đúng vào dịp kỷ niệm 1 năm lần đổ bộ trước”, ông Lo – Chủ tịch Ủy ban Hành động Bảo vệ Điếu Ngư, cho hay.
 
Tuy nhiên, chính quyền Hồng Kông đã ra lệnh cấm các công dân của họ đi tàu, thuyền ở những vùng lãnh hải cả bên trong và bên ngoài Hồng Kông và lệnh cấm này hiện vẫn đang còn hiệu lực.
 
“Nếu chính quyền cố tình ngăn cản chúng tôi rời lãnh hải Hồng Kông một lần nữa, chúng tôi sẽ phá vỡ lệnh này như đã làm hồi năm ngoái”, ông Lo nói thêm.
 
Hôm 15/8 năm ngoái, nhóm các nhà hoạt động do ông Lo dẫn dắt đã tìm cách “né” lực lượng cảnh sát Hồng Kông và tàu thuyền của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản để đưa tàu của họ đến đủ gần cho một số nhà hoạt động của họ đổ bộ lên Uotsuri – hòn đảo lớn nhất trong 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhóm các nhà hoạt động đã cắm cờ trên đảo Uotsuri trước khi bị Nhật Bản bắt giữ và trục xuất. Vụ việc này đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa hai nước Trung, Nhật. Người ta đã phải chứng kiến những cuộc khẩu chiến gay gắt, những đòn “ăn miếng trả miếng” qua lại gây giật mình giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở vùng biển tranh chấp.
 
Nhiều người lo ngại rằng, một cuộc đổ bộ mới của các nhà hoạt động Hồng Kông có thể sẽ là sự khởi phát cho một cuộc đối đầu mới giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Cuộc đối đầu này có thể leo thang nghiêm trọng hơn nữa và có nguy cơ biến thành xung đột. Trước đó, trong một năm qua, đã không có ít lần, hai cường quốc Châu Á đã tiến sát gần bờ vực của một cuộc xung đột vũ trang trên biển.
 
Trung Quốc cứng rắn một thì Nhật Bản cũng cứng rắn một nếu không nói là hai trong vấn đề tranh chấp ở biển Hoa Đông. Tokyo tuyên bố sẽ không lùi bước trong việc bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nước này đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm đối phó với Trung Quốc. Trong một động thái mới nhất, ngày hôm qua có tin Nhật Bản đang có kế hoạch phóng các vệ tinh nhằm giám sát những vùng đại dương của thế giới. Cụ thể, trong 5 năm tới, Nhật có dự định phóng 9 vệ tinh để chống lại nạn cướp biển và giám sát hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xâm nhập vào vùng lãnh hải của Nhật Bản, tờ nhật báo kinh doanh Nikkei cho biết. Đây rõ ràng là một động thái nhằm vào Trung Quốc trong bối cảnh tàu thuyền nước này thường xuyên bị tố xâm nhập vào vùng lãnh hải của Nhật Bản.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc