(VnMedia) - Biển Đông vốn là vùng biển không chỉ giàu tài nguyên thiên nhiên mà còn có tầm quan trọng chiến lược mang tính sống còn đối với thế giới. Chính vì thế, những cuộc tranh chấp nóng bỏng ở khu vực này thu hút sự chú ý rất lớn của cộng đồng thế giới. Tại hội nghị ASEAN đang diễn ra ở Brunei, người ta chứng kiến các cường quốc hàng đầu thế giới quyết “nhảy” vào Biển Đông để tránh không cho vùng biển này rơi vào “dầu sôi lửa bỏng”.
|
Mỹ có lợi ích trong việc duy trì sự ổn định ở Biển Đông
Mỹ vốn là đồng minh thân thiết của Philippines – một nước có tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời nước này đang thực hiện chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào khu vực Châu Á. Chính vì thế, vai trò của Mỹ trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông không chỉ được các nước có liên quan quan tâm mà còn được giới chuyên gia và dư luận thế giới chú ý.
Trong thời gian qua, dù Mỹ luôn miệng khẳng định đứng trung lập trong các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ở Châu Á nhưng nước này đã có những phát biểu và sự hỗ trợ nhất định cho Philippines và ngầm cảnh báo những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tham dự hội nghị ASEAN ở Brunei lần này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi các bên có liên quan đẩy nhanh tiến trình để đạt được tiến bộ trong việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử có khả năng quản lý và kiểm soát hành động của các nước ở Biển Đông.
Phát biểu tại hội nghị, ông Kerry một lần nữa tái khẳng định, Mỹ có lợi ích trong việc duy trì sự ổn định trong khu vực. Tuyên bố này cũng đã từng được cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đưa ra và nó được xem là lời khẳng định của Mỹ về việc nước này sẵn sàng can thiệp vào các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Ông Kerry đã nói với Ngoại trưởng 10 nước thành viên ASEAN rằng, Mỹ rất mong được chứng kiến những tiến bộ trong việc tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử “thực sự”.
"Chúng tôi có lợi ích lớn theo cách các cuộc tranh chấp ở Biển Đông được giải quyết và trong cách hành xử của các bên ở Biển Đông. Là một cường quốc Thái Bình Dương và cũng là một cường quốc trong khu vực, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và sự ổn định, tôn trọng luật quốc tế, tự do thương mại và hàng hải ở Biển Đông”, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh.
Những phát biểu kiểu này của giới quan chức Mỹ từ lâu đã khiến Trung Quốc khó chịu và cảm thấy bất an. Họ rõ ràng đã hiểu được thông điệp ngầm mà Washington phát đi thông qua phát biểu về việc Mỹ có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông.
Trước đó không lâu, giới thượng nghị sĩ Mỹ từng đưa ra một nghị quyết trong đó thẳng thừng tuyên bố, Mỹ sẽ không để cho bất kỳ nước nào phá vỡ sự nguyên trạng ở Biển Đông.
Ấn Độ giúp ASEAN đàm phán quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc
Ngoài Mỹ, Ấn Độ cũng là một cường quốc có mối quan tâm lớn đối với các cuộc tranh chấp ở Biển Đông hiện nay. Trong thời gian qua, New Delhi đã thể hiện sự ủng hộ nhất định cho các nước Đông Nam Á ở Biển Đông. Theo giới phân tích, Ấn Độ cũng sẽ không để cho Trung Quốc thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông bởi điều đó gây bất lợi cho họ trên nhiều khía cạnh.
Ấn Độ hôm qua (1/7) tuyên bố, nước này sẽ “giúp” ASEAN đàm phán với Trung Quốc về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông nhằm giải tỏa căng thẳng trong khu vực.
Một ngày sau khi Trung Quốc nhất trí tiến hành “các cuộc tham vấn chính thức” với ASEAN về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, Ngoại trưởng Ấn Độ - ông Salman Khurshid đã cho biết, New Delhi sẽ đóng góp vào tiến trình này nhiều nhất có thể. Phát biểu này được ông Khurshid đưa ra trong cuộc gặp gỡ giới báo chí ở Brunei bên lề cuộc họp ngoại trưởng ASEAN-Ấn Độ.
Ngoại trưởng Khurshid nhấn mạnh, Ấn Độ không ủng hộ việc dùng vũ lực để giải quyết bất kỳ cuộc tranh chấp nào, trong đó có cả các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Ông này nhắc lại lời kêu gọi của New Delhi về việc bảo đảm tự do hàng hải và bảo vệ các tuyến đường biển trong khu vực.
Cũng có quan điểm giống như Mỹ và Ấn Độ, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã ca ngợi nỗ lực của các bên nhằm thiết lập một bộ quy tắc ứng xử có tình ràng buộc ở Biển Đông.
Căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông đã leo thang nghiêm trọng trong những năm gần đây sau khi Bắc Kinh áp dụng một lập trường hung hăng, hiếu chiến nhằm giành chủ quyền đối với một loạt lãnh thổ, lãnh hải vốn thuộc chủ quyền của các nước khác.
Nỗ lực nhằm tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông đến nay vẫn chưa thành công. Trung Quốc mới đây đã bất ngờ đồng ý đàm phán với ASEAN về bộ quy tắc này. Tuy nhiên, xem ra con đường tiến tới bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông vẫn còn rất dài.
Bắc Kinh đã đưa ra đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò phi lý, trong đó nước này đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, xâm lấn cả vào các khu vực sát đường bờ biển của các nước. Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nước có liên quan trong khu vực và sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế.
Ý kiến bạn đọc