(VnMedia) - Sau khi có tin Trung Quốc hồi cuối tuần trước đã bất ngờ rút hết tàu thuyền ra khỏi bãi cạn Scarborough sau một thời gian dài chiếm đóng ở đây, nhiều người tự hỏi, liệu đây có phải là hành động nhượng bộ của Trung Quốc sau những bước đi đầy cứng rắn của Philippines gần đây.
Người Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm đóng bãi cạn Scarborough (Panatag). |
Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km. Bãi cạn này là nơi chứng kiến cuộc đối đầu vô cùng căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc được châm ngòi từ một vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám Trung Quốc hồi tháng 4 năm ngoái.
Sau vụ va chạm trên, hai nước Philippines và Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Trong suốt thời gian hơn một năm qua, tàu Trung Quốc nhất quyết không chịu rút khỏi bãi cạn Scarborough bất chấp nước này có thỏa thuận với Philippines về việc rút toàn bộ tàu thuyền hai bên ra khỏi khu vực nhằm làm dịu căng thẳng. Thậm chí, tàu Trung Quốc còn án ngữ ngay lối ra vào và dựng lên rào chắn để ngăn không cho tàu thuyền Philippines vào bãi cạn tranh chấp này. Vì vậy, trên thực tế, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát khu vực bãi cạn Scarborough suốt hơn một năm qua.
Tờ STAR hồi cuối tuần trước đưa tin, các tàu thuyền của Trung Quốc đã bất ngờ rút khỏi bãi cạn Scarborough. Một quan chức an ninh cấp cao của Philippines cho hay, qua giám sát bằng đường biển và đường không, họ không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tàu thuyền Trung Quốc đang hoạt động ở gần bãi cạn Scarborough cũng như trong phạm vi bán kính 75 hải lý xung quanh bãi cạn này. Tàu thuyền Trung Quốc được cho là đã rút khỏi nơi đây từ hôm thứ Ba tuần trước.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin sau đó cũng xác nhận thông tin trên.
Sự kiện Trung Quốc rút tàu thuyền ra khỏi bãi cạn Scarborough ở Biển Đông khiến một số người đặt câu hỏi, liệu có phải Bắc Kinh đã chịu thoái lui sau những động thái có phần cứng rắn và quyết liệt của Philippines gần đây.
Tuy nhiên, một chuyên gia quân sự Philippines ngày hôm qua (7/7) đã nhận định, bất chấp việc Trung Quốc rút tàu thuyền khỏi bãi cạn Scarborugh thì nước này sẽ không từ bỏ việc đòi chủ quyền đối với khu vực này.
“Trung Quốc sẽ không từ bỏ bãi cạn Scarborough sau khi đã nỗ lực tìm cách thiết lập quyền kiểm soát ở đây bất chấp áp lực quốc tế nhằm vào họ”, ông Rommel Banlaoi – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc của Philippines, cho STAR biết.
Theo ông Banlaoi, việc từ bỏ bãi cạn Scarborough sẽ đi ngược lại với chiến lược hiện nay của Bắc Kinh trong việc duy trì sự kiểm soát và ảnh hưởng ở những khu vực hàng hải mà Trung Quốc đòi là “một phần không thể thiếu trong các vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền” của họ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gazmin phát biểu: “Tôi đoán rằng, nguyên nhân thực sự của việc họ rút tàu thuyền là do thời tiết khắc nghiệt”. Ông Gazmin từ chối không bình luận khi được hỏi liệu chính phủ Philippines có biện pháp gì để ngăn không cho tàu thuyền Trung Quốc quay trở lại xâm nhập và kiểm soát bãi cạn Scarborough.
Tuy nhiên, chuyên gia Banlaoi cho rằng, Manila chỉ có thể giải quyết vấn đề thông qua đàm phán.
“Philippines không thể ngăn cản Trung Quốc thiết lập quyền kiếm soát hoàn toàn bãi cạn Scarborough ngoại trừ thông qua đàm phán song phương và hiểu biết chung lẫn nhau”, ông Banlaoi cho biết.
Các nguồn tin cho hay, tàu thuyền Trung Quốc cũng đã rút khỏi bãi cạn Ayungin sau khi xâm nhập vào đây hồi tháng 5 vừa rồi. Bãi cạn Ayungin nằm trong quần đảo Trường Sa và thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Tên tiếng Việt của bãi cạn Ayungin là Bãi Cỏ Mây, nằm ở phía đông đảo Vành Khăn. Tuy nhiên, từ giữa thập niên 90, thủy quân lục chiến Philippines đã chiếm giữ Bãi Cỏ Mây của Việt Nam.
Trung Quốc bắt đầu chiếm đóng bãi cạn Scarborough từ sau sự kiện ngày 10/4/2012. Sự hiện diện của tàu thuyền Trung Quốc ở khu vực này đã khiến các ngư dân Philippines rơi vào tình trạng khốn đốn vì mất kế sinh nhai. Họ đã không thể tiếp cận ngư trường đánh cá truyền thống của mình trước sự doạ nạt và gây sức ép của tàu thuyền Trung Quốc.
Kiệt Linh -
(theo Philstar)
Ý kiến bạn đọc