Assad hoan hỉ khi tổng thống Ai Cập bị lật đổ

07:53, 05/07/2013
|

(VnMedia) - Tổng thống Syria Bashar al-Assad không giấu nổi sự vui mừng trước thông tin người đồng cấp Ai Cập Mohamed Morsi bị lật đổ một cách cay đắng chỉ sau một năm lên cầm quyền. Nhà lãnh đạo Assad ca ngợi sự sụp đổ của ông Morsi là dấu chấm hết cho “nền chính trị Hồi giáo” ở đất nước Ai Cập.
 

 Ảnh minh họa

 Tổng thống Assad


"Những chuyện xảy ra ở Ai Cập là sự sụp đổ của cái mà chúng ta được biết đến là nền chính trị Hồi giáo", Tổng thống Assad đã phát biểu như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn một tờ báo của Syria có tên là Ath Thawra. Nhiều đoạn trích dẫn phát biểu của ông Assad đã được đăng tải lại trên một trang Facebook chính thức.
 
Nhà lãnh đạo Syria khẳng định: "Ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, những người nào sử dụng tôn giáo cho các mục đích chính trị hay làm lợi cho một số người này mà gây bất lợi cho những người khác thì đều sẽ phải đối mặt với sự sụp đổ”.
 
"Các bạn chẳng thể lừa dối người dân mãi được, đó là chưa kể người dân Ai Cập có nền văn minh hàng nghìn năm tuổi và từ lâu đã theo đuổi tư tưởng chủ nghĩa dân tộc Ả-rập rất rõ ràng”.
 
"Sau một năm, thực tế đã phơi bày toàn bộ trước nhân dân Ai Cập. Hoạt động của lực lượng Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood) đã giúp mọi người nhìn thấy rõ chân tướng những lời nói dối mà phong trào này đưa ra ngay ở thời kỳ mở màn cuộc cách mạng nổi tiếng ở đất nước Ai Cập. Kinh nghiệm cầm quyền của lực lượng Anh em Hồi giáo đã thất bại thậm chí ngay trước khi nó bắt đầu bởi họ đã đi ngược lại với bản chất của người dân”, Nhà lãnh đạo Syria chỉ trích gay gắt nhóm Anh em Hồi giáo của Tổng thống Ai Cập vừa bị lật đổ. Ông Assad còn cáo buộc chính quyền của ông Morsi có ý định reo rắc mâu thuẫn và sự chia rẽ khắp thế giới Ả-rập.
 
Tổng thống Morsi vừa bị quân đội truất quyền chỉ sau một năm được bầu lên một cách dân chủ trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên ở đất nước Ai Cập. Trong thời gian qua, ông Morsi đã thể hiện sử ủng hộ mạnh mẽ cho phe nổi dậy chống Tổng thống Assad ở đất nước Syria. Gần đây, ông Morsi còn kêu gọi tiến hành “một cuộc thành chiến” ở Syria khi ông này có cuộc gặp với giới lãnh đạo người Sunni.
 
Cuộc nổi dậy kéo dài hơn 2 năm qua ở Syria đang có xu hướng lan rộng thành một cuộc chiến sắc tộc đáng sợ giữa một bên là người Hồi giáo dòng Shiite, bên kia là người Hồi giáo dòng Sunni. Phe nổi dậy Syria chủ yếu là người Sunni và họ nhận được sự hỗ trợ từ các lực lượng người Sunni ở một số nước trong khu vực. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Assad với thành phần chủ yếu là người của giáo phái Alawite - một chi nhánh con của dòng Hồi giáo Shiite, lại nhận được sự hậu thuẫn của những người Shiite khác trong khu vực.
 
Từ lâu, giữa Damascus và lực lượng Anh em Hồi giáo đã tồn tại sự thù địch sâu sắc. Ông Morsi chính là lãnh đạo của tổ chức Anh em Hồi giáo và thành viên của hội này đã từng bị trừng phạt bằng cái chết ở Syria những năm 1980.
 
Cố Tổng thống Hafez al Assad cũng là cha của ông Assad đã từng dùng quân đội để đàn áp một cuộc nổi dậy có vũ trang nhằm vào chính quyền của ông này do lực lượng Anh em Hồi giáo phát động. Khi đó, hàng ngàn người của tổ chức Anh em Hồi giáo đã bị giết chết ở thành phố Hama. Chính thành phố này đã trở thành trung tâm của các cuộc nổi dậy chống lại Assad trẻ bùng lên hồi tháng 3 năm 2011.
 
Chi nhánh Syria của tổ chức Anh em Hồi giáo hiện nay đang đóng một vai trò then chốt trong Liên minh Quốc gia - lực lượng được hơn 100 quốc gia và tổ chức công nhận là đại diện hợp pháp của nhân dân Syria.
 
Sai lầm chết người
 
Việc ông Morsi nhăm nhe ý định can thiệp vào cuộc nội chiến ở đất nước Syria được cho là sai lầm chết người, khiến ông này phải trả giá bằng việc bị quân đội lật đổ.
 
Quân đội Ai Cập vốn từ lâu đã lo ngại về quan điểm của ông Morsi trước cuộc nổi dậy ở Syria. Nỗi quan ngại này đã leo lên đến đỉnh điểm khi Nhà lãnh đạo Morsi tham dự một cuộc mít tinh có sự tham dự rộng rãi của các phần tử Hồi giáo theo đường lối cứng rắn. Trong cuộc mít tinh diễn ra hồi giữa tháng trước này, ông Morsi đã kêu gọi thực hiện một cuộc thánh chiến ở Syria.
 
Ông Morsi còn kêu gọi sự can thiệp của nước ngoài vào đất nước Syria nhằm chống lại Tổng thống Assad. Hành động này của ông Morsi đã vấp phải sự chỉ trích ngầm của quân đội ngay sau đó. Quân đội Ai Cập đã đưa ra một tuyên bố với lời lẽ nhẹ nhàng nhưng thâm thuý rằng, vai trò của họ chỉ là bảo vệ biên giới Ai Cập. Rõ ràng, lực lượng vũ trang muốn nói với ông Morsi rằng, họ sẽ không theo ông để thực hiện một chiến dịch can thiệp vào Syria.
 
“Quân đội rất lo ngại trước hội nghị Syria có sự tham dự của ông Morsi bởi nó diễn ra đúng thời điểm khi mà bản thân Ai Cập cũng đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị lớn”, một sĩ quan cho biết.
 
Đối với quân đội, cuộc mít tinh về Syria được xem là hành động bước qua “lằn ranh đỏ về an ninh quốc gia” bởi nó đã khuyến khích người dân Ai Cập ra nước ngoài chiến đấu, gây nguy cơ tạo ra một thế hệ chiến binh Hồi giáo mới. Sâu xa trong nỗi quan ngại của lực lượng vũ trang Ai Cập là lịch sử về những chiến binh Hồi giáo ở Ai Cập - quê hương của trùm khủng bố al-Qaeda Ayman al-Zawahri.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc