Ai Cập: Khi quân đội cho Tổng thống “cơ hội cuối cùng”

15:08, 02/07/2013
|

(VnMedia) - Ai Cập đang ở trong tình trạng chao đảo, sẵn sàng rơi vào vòng xoáy hỗn loạn sau khi quân đội lạnh lùng ra tối hậu thư cho Tổng thống Mohammed Morsi. Trong tối hậu thư này, quân đội cho ông Morsi “cơ hội cuối cùng” để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị với phe đối lập trong vòng 48 giờ đồng hồ. Nếu Tổng thống không thực hiện được điều này, lực lượng vũ trang sẽ can thiệp vào tình hình theo kế hoạch riêng của mình.
 

 Ảnh minh họa

 (Ảnh minh hoạ)


Trong tuyên bố được phát đi ngày hôm qua, quân đội Ai Cập cho biết, họ sẽ “thông báo một lộ trình cho tương lai kèm theo các biện pháp thực hiện lộ trình đó” nếu Tổng thống Morsi và các thành phần đối lập không thể đạt được sự đồng thuận trong vòng 48 giờ tới. Đây là một điều hầu như không thể trong bối cảnh phe đối lập và chính quyền Tổng thống Morsi đối đầu nhau gay gắt.
 
Quân đội cam kết sẽ để tất cả các thành phần “yêu nước và chân thành” tham gia vào lộ trình của họ. Quân đội cũng nhấn mạnh, họ sẽ không “trở thành một bên trong nền chính trị hay bộ máy cầm quyền” của đất nước nhưng có trách nhiệm tìm kiếm một giải pháp bởi an ninh của Ai Cập đang đối mặt với “nguy hiểm nghiêm trọng”.
 
Quân đội Ai Cập không cho biết cụ thể lộ trình của họ nhưng đặc biệt khen ngợi các cuộc biểu tình bùng lên từ hôm Chủ nhật (30/6) đòi ông Morsi phải từ chức và tiến hành bầu cử sớm. Quân đội cho rằng, lời kêu gọi của phe đối lập cần phải được đáp ứng. Theo quân đội Ai Cập, các cuộc biểu tình đã “chiến thắng” và những người tham gia đã thể hiện ý kiến “theo cách hoà bình và văn minh”.
 
Tổng thống Morsi đã có cuộc gặp với người đứng đầu quân đội Ai Cập – ông Abdel-Fattah el-Sissi và Thủ tướng Hesham Kandil, trang Facebook của Tổng thống cho biết. Tuy nhiên, thông tin về nội dung cuộc họp không được công bố.
 
Những người biểu tình tìm cách lật đổ Tổng thống Hồi giáo của Ai Cập đã cắm trại bên ngoài Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo – quê hương của cuộc nổi dậy năm 2011. Cuộc biểu tình hiện tại đã kéo dài sang ngày thứ ba.
 
Trong khi đó, những người Hồi giáo ủng hộ Tổng thống Morsi cũng tụ tập ở một nơi riêng, thề sẽ chống lại cái mà họ miêu tả là nguy cơ của một cuộc đảo chính sắp xảy ra đối với một tổng thống được bầu lên một cách dân chủ.
 
Tối hậu thư của quân đội đã được đọc trên đài truyền hình quốc gia ngày hôm qua (1/7). Tối hậu thư này đã gây áp lực lớn cho Tổng thống Morsi trong khi phe đối lập chống lại ông được dịp vui mừng. Họ đã đổ ra các đường phố ăn mừng điên cuồng, nhảy múa và bắn pháo hoa.
 
Tuy nhiên, việc quân đội ra tối hậu thư cũng gây lo ngại cho cả hai phe về viễn cảnh lực lượng này sẽ lên nắm quyền như hồi năm 2011 sau cuộc nổi dậy lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Diễn biến đó có nguy cơ gây ra phản ứng từ những người Hồi giáo ủng hộ ông Morsi, trong đó có nhóm Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood) có ảnh hưởng lớn và cả những phần tử theo đường lối cứng rắn với một số trong số này thuộc các nhóm chiến binh có vũ trang.
 
Ai Cập lại trên bờ vực của sự hỗn loạn
 
Sau những cuộc biểu tình đầy hỗn loạn năm 2011 với kết quả là sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Mubarak, đất nước Ai Cập lại một lần nữa phải đối diện với viễn cảnh rơi vào tình trạng “đầu rơi máu chảy” vì những cuộc biểu tình ủng hộ và chống đối Tổng thống Morsi.
 
Hàng ngàn người ủng hộ ông Morsi tối qua cũng bắt đầu đổ ra các đường phố ở một loạt thành phố trên khắp đất nước Ai Cập. Và người ta đã chứng kiến một số cuộc đụng độ giữa lực lượng ủng hộ ông Morsi và phe đối lập. Trong một hội nghị được phát trên truyền hình ngày hôm qua, một liên minh của nhóm Anh em Hồi giáo và những người Hồi giáo khác đã kêu gọi người dân Ai Cập đứng lên biểu tình để ngăn cản “bất kỳ nỗ lực nào nhằm lật đổ” Tổng thống Morsi – người được bầu lên cách đây 1 năm.
 
Trước những diễn biến trên, rạng sáng nay (2/7), văn phòng của Tổng thống Morsi đã ra một tuyên bố nói rằng, “xây dựng một quốc gia dân chủ hiện đại” là một trong những thành tựu chính của cuộc nổi dậy chống ông Mubarak, vì thế, “với tất cả sức mạnh của mình, Ai Cập sẽ không cho phép mình bị lôi ngược trở lại”.
 
Mặc dù không thẳng thừng bác bỏ tối hậu thư của quân đội nhưng văn phòng tổng thống cho biết, ông Morsi vẫn đang xem xét tối hậu thư và rằng một số phần trong tối hậu thư đó “có thể gây ra bất ổn trong tình hình đất nước vốn đã rất phức tạp”.
 
Tổng thống Barack Obama cho biết, Mỹ cam kết ủng hộ nền dân chủ ở Ai Cập chứ không phải với bất kỳ nhà lãnh đạo cụ thể nào. Vì thế, ông Obama nhấn mạnh, mặc dù ông Morsi được bầu lên một cách dân chủ nhưng chính phủ vẫn phải tôn trọng các nhóm đối lập và thiểu số.
 
Việc quân đội ra tối hậu thư được phe đối lập hoan nghênh nhưng nó vẫn khiến mọi người lo ngại khi nhớ đến thời kỳ các tướng lĩnh Ai Cập cầm quyền sau khi ông Mubarak bị lật đổ.
 
Trước lo ngại trên, vài giờ sau khi đưa ra tối hậu thư, quân đội đã phát đi một tuyên bố thứ hai trên trang Facebook trong đó phủ nhận việc lực lượng này có ý định thực hiện một cuộc đảo chính. "Tư tưởng và văn hoá của lực lượng vũ trang Ai Cập không cho phép thực hiện chính sách đảo chính quân sự”.
 
Về phần mình, Tổng thống Ai Cập Morsi lại đối mặt với một khó khăn thêm nữa khi 5 bộ trưởng trong nội các của ông này vừa đệ đơn xin từ chức.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc