(VnMedia) - Trong một nỗ lực nhằm tăng cường năng lực chiến đấu của quân đội Ấn Độ ở khu vực Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), chính phủ Ấn Độ hôm qua (17/7) đã đồng ý phê chuẩn việc thiết lập một quân đoàn, trong đó sẽ triển khai thêm 50.000 binh lính, đến khu vực dọc biên giới với Trung Quốc.
Uỷ ban nội các về vấn đề an ninh do Thủ tướng Manmohan Singh dẫn đầu đã làm rõ về kế hoạch nói trên tại cuộc họp ngày hôm qua.
Trong kế hoạch được đưa ra, quân đội với 1,3 triệu quân nhân của Ấn Độ được cho là sẽ thiết lập trụ sở của quân đoàn mới tại Panagarh ở Tây Bengal cùng với 2 sư đoàn ở Bihar, Assam và các đơn vị khác từ Ladakh ở Jammu & Kashmir đến Arunachal Pradesh.
Cũng theo kế hoạch, Lực lượng Không quân Ấn Độ sẽ triển khai các tài sản như máy bay tiếp nhiên liệu trên không và máy bay phục vụ chiến dịch đặc biệt - 130J Super Hercules đến Panagarh.
Quân đội Ấn Độ cũng sẽ đưa thêm một số xe bọc thép và các đơn vị pháo binh đến triển khai dọc khu vực đông bắc.
Động thái trên của chính phủ Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh nước này vừa có hai cuộc chạm trán căng thẳng với Trung Quốc ở khu vực biên giới tranh chấp. Hôm 11/7 mới đây, New Delhi thừa nhận, binh lính của họ đã rơi vào một tình huống “mặt đối mặt” đầy nguy hiểm với quân lính Trung Quốc ở khu vực biên giới Chumar trong vụ xâm nhập mới nhất của phía Trung Quốc hôm 17/6 vừa rồi.
Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng một thời gian ngắn, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ có cuộc đối đầu nghẹt thở ở khu vực biên giới tranh chấp. Trước đó, hồi tháng 4, binh lính Trung Quốc đã táo tợn kéo vào khu vực do Ấn Độ kiểm soát và dựng trại lên ở đó. Ngay lập tức phía Ấn Độ cũng dựng trại ở khu vực đối diện, cách nhau khoảng 30m, tạo ra một tình huống “chạm trán” nguy hiểm kéo dài suốt gần 3 tuần ở Daulat Beg Oldi (DBO), phía đông Ladakh.
Giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á - Trung Quốc và Ấn Độ tồn tại một cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài và đã từng leo thang thành một cuộc chiến tranh năm 1962. Bất chấp 15 vòng đàm phán cấp cao đã diễn ra, Trung Quốc và Ấn Độ đến nay vẫn chưa thể giải quyết được cuộc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biên giới giữa hai nước.
Dù nỗ lực cải thiện quan hệ nhưng hai nước Trung, Ấn vẫn có nhiều sự nghi kỵ, kình địch và mâu thuẫn với nhau. Bắc Kinh cảm thấy bất an trước mối quan hệ Ấn-Mỹ, trong khi New Delhi hoài nghi sự gắn bó giữa Trung Quốc và Pakistan. Hai cường quốc hàng đầu Châu Á còn cạnh tranh quyết liệt với nhau về ảnh hưởng chính trị trong khu vực cũng như các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế ở mỗi nước.
Kiệt Linh -
(theo Times of India)
Ý kiến bạn đọc