3.500 tấn vũ khí đã đến tay phe nổi dậy Syria

08:28, 02/07/2013
|

(VnMedia) - Cho đến thời điểm này, đã có tới 3.500 tấn vũ khí được chuyển đến tay phe nổi dậy Syria. Đây là con số do cựu Lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Anh – ông Lord Ashdow vừa đưa ra ngày hôm qua (1/7). Ông Ashdow từ lâu vốn là người phản đối việc trang bị vũ khí cho phe nổi dậy Syria. Ông này đã kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực buộc Qarar và Ả-rập Xê-út ngừng cung cấp vũ khí cho lực lượng chống Tổng thống Assad.
 

 Ảnh minh họa


 Phe nổi dậy Syria


“Phe nổi dậy Syria không cần vũ khí. Không thể bác bỏ rằng 3.500 tấn vũ khí được Qatar và Ả-rập Xê-út chuyển đến cho phe nổi dậy Syria thông qua con đường Croatia và dưới sự giúp đỡ của CIA, hầu hết đều rơi vào tay các nhóm thành chiến”, cựu đại diện quốc tế cấp cao cho Bosnia đã cho biết như vậy trong một cuộc tranh luận nóng bỏng về tình hình cuộc chiến ở đất nước Trung Đông.
 
“Tôi biết những vũ khí đó đến từ đâu. Đó là những vũ khí còn sót lại từ thời chiến tranh Bosnia. Chúng đang được chuyển ra ngoài với số lượng lớn thông qua các cảng biển và sân bay ở Croatia”, ông Ashdow nói thêm. Ông này miêu tả, phe nổi dậy là “một tập hợp những con người không thích hợp và xứng đáng để chúng ta cung cấp vũ khí cho họ”.
 
Anh và Pháp từ lâu đã là hai nước cổ súy mạnh mẽ cho việc cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi đó, Mỹ mới đây mới có sự thay đổi trong chính sách của nước này với Syria khi tuyên bố sẽ cung cấp sự ủng hộ trực tiếp về quân sự cho thành phần đối lập với chính quyền Assad. Washington nhấn mạnh, họ sẽ lựa chọn “các chiến binh nổi dậy theo đường lối ôn hòa” để cung cấp vũ khí. Tuy nhiên, điều này không phải là dễ.
 
Ông Ashdown cho hay, ông biết rõ rằng, “không có cơ hội nào” cho việc tìm kiếm một con đường tiến tới hòa bình thông qua việc cung cấp thêm nhiều vũ khí. Theo nhà cựu lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Anh, Syria đang ở “trên tuyến đầu của một cuộc xung đột lớn hơn” liên quan đến nỗ lực nhằm dựng lên một lực lượng thành chiến cực đoan của người Sunni chống lại người Shitte hay còn gọi là Shia.
 
“Đó là những bước chuẩn bị mà một số người cố tình đang thực hiện để gây ra một cuộc xung đột tôn giáo lớn hơn”, ông Ashdown tố cáo. Ông này khẳng định, thực sự có một “con đường ngoại giao nghiêm túc” để xả “hơi” độc trong cuộc xung đột ở Syria.
 
“Nếu đó là trường hợp Ả-rập Xê-út và Qatar đang cung cấp vũ khí cho những phần tử cực đoan mà chúng ta đang chiến đấu chống lại thì tại sao chúng ta, Mỹ và Liên minh Châu Âu, không dùng áp lực quốc tế để thuyết phục Ả-rập Xê-út cũng như Qatar ngừng làm việc đó lại? Theo tôi, chúng ta không nên mắc sai lầm thông qua việc cung cấp vũ khí khi hoạt động ngoại giao vẫn còn có tác dụng”, ông Ashdown nói thêm.
 
Cuộc chiến thảm khốc ở Syria thông qua những con số
 
Trong khi các cường quốc vẫn tranh cãi nhau về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng ở Syria thì cuộc chiến ở đất nước Trung Đông vẫn diễn ra ngày một đẫm máu và ác liệt. Tính khốc liệt của cuộc chiến này có thể được thấy rõ qua số người chết hơn 100.000 người và hàng triệu người sống không nhà không cửa, tha phương cầu thực.
 
Ngoài tổn thất kinh khủng về con người, cuộc chiến ở Syria còn gây tàn phá nặng nề đến nền kinh tế của Syria – đất nước từng một thời tương đối thịnh vượng.
 
Theo một quan chức chính phủ Syria cho biết, cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua ở Syria đã phá hủy khoảng 9.000 tòa nhà và gây tổn thất cho khu vực nhà nước lên tới 15 tỉ USD.
 
Cuộc chiến Syria đã phá hủy toàn bộ nhiều khu vực trong các thành phố và thị trấn, tàn phá phần lớn cấu trúc hạ tầng và nền tảng sản xuất đồng thời gây ngưng trệ cho các hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ. Tổn thất đối với nguồn nhân lực của quốc gia cũng nghiêm trọng không kém. Hơn một triệu người chạy khỏi đất nước và hàng triệu người sống không nhà không cửa.
 
Trong bài bình luận được đăng tải trên một tờ báo của Syria, Bộ trưởng Chính quyền Địa phương Omar Al Ibrahim Ghalaounji cho hay, 15 tỉ USD tổn thất trong khu vực công là con số tính toán trong khoảng thời gian từ hồi tháng 3 năm 2011, khi cuộc nổi dậy chống Tổng thống Assad bùng lên, đến tháng 3 năm nay. Theo ông này, đây là kết quả của “những cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các toà nhà và cơ sở hạ tầng của chính phủ”.
 
Chính quyền của ông Assad thường dùng cụm từ “khủng bố” khi đề cập đến phe nổi dậy Syria.
 
Cục Bộ trưởng Kế hoạch Syria – ông Abdullah al-Dardari – người dẫn đầu một nhóm gồm 6 thành viên của Liên Hợp Quốc lên kế hoạch tái thiết toàn diện đất nước Syria sau chiến tranh, gần đây cho biết, ước tính tổng tổn thất mà cuộc nội chiến gây ra đối với toàn bộ nền kinh tế Syria là vào khoảng từ 60 đến 80 tỉ USD.
 
Theo ông Dardari, nền kinh tế Syria đã bị thu hẹp lại khoảng 35% so với tốc độ tăng trưởng 6% hàng năm mà Syria được hưởng trong suốt 5 năm trước khi cuộc xung đột nổ ra. Nền kinh tế này đã mất gần 40% GDP và nguồn dự trữ ngoại hối gần như cạn kiệt. Tỉ lệ thất nghiệp tăng từ 500.000 người trước khủng hoảng đến ít nhất 2,5 triệu người trong năm nay.
 
Đồng tiền Syria rớt giá kỷ lục trong tháng này sau khi Mỹ quyết định cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy. 


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc