Vì sao Nga hối hả rút quân khỏi Syria?

18:36, 28/06/2013
|

(VnMedia) - Nga hiện nay đã rút toàn bộ nhân viên quân sự của Bộ Quốc phòng nước này ra khỏi Syria, trong đó có cảng Tartus, một nhà ngoại giao cấp cao Nga mới đây cho biết. Nhiều người tự hỏi, liệu đó có phải là dấu hiệu cho thấy tình hình Syria sắp nguy cấp. 
 

 Ảnh minh họa

 Nga đã rút toàn bộ nhân viên quân sự ra khỏi Syria


“Hiện tại, không có ai thuộc Bộ Quốc phòng Nga còn ở lại Syria”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga - ông Mikhail Bogdanov đã cho tờ Al-Hayat biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn được công bố hồi cuối tuần trước.
 
“Trong bất kỳ thời điểm nào, chúng tôi cũng chưa bao giờ có một căn cứ quân sự thật sự ở Tartus… Trung tâm đó không có ý nghĩa chiến lược hay quân sự gì cả. Nó chưa bao giờ như thế và hiện tại cũng vậy”, ông Bogdanov nói thêm.
 
Trước đó, hôm 26/6, tờ nhật báo Vedomosti của Nga cũng đưa tin, Moscow đã rút toàn bộ các nhân viên của quân đội nước này ra khỏi Syria do mối đe dọa về an ninh ngày một tăng ở quốc gia đầy bất trắc ở khu vực Trung Đông. Bản tin của tờ Vedomosti cho biết, hoạt động rút quân được tiến hành ở cả cảng hải quân Địa Trung Hải của Nga ở Tartus.
 
Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quyết định rút toàn bộ nhân viên quân sự Nga ra khỏi Syria được đưa ra là nhằm để giảm nguy cơ thương vong, cũng như những rắc rối về chính trị có thể gây ra từ cuộc nội chiến  ngày một ác liệt và đẫm máu ở đất nước Syria.
 
Căn cứ hải quân ở Tartus được thiết lập từ thời Xô-viết hiện là căn cứ quân sự cuối cùng của Nga ở bên ngoài nước này. Nga sử dụng căn cứ ở Tartus làm nơi bảo dưỡng và cung cấp hậu cần cho các tàu chiến của nước này hoạt động trong khu vực Địa Trung Hải. Nga có “hàng chục” nhân viên tại đây, Ngoại trưởng Sergei Lavrov hồi tháng 2 cho biết.
 
Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua rằng, căn cứ hải quân của họ ở Tartus hiện tại chỉ có các nhân viên dân sự nhưng Moscow không có kế hoạch từ bỏ căn cứ này.
 
Giới lãnh đạo Nga lo ngại về sự an toàn của các nhân viên ở căn cứ Tartus trong bối cảnh cuộc chiến ở Syria  mỗi lúc một leo thang nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, ngoài lý do này, Moscow còn quan ngại rằng, bất kỳ vụ việc nào xảy ra liên quan đến các quân nhân Nga ở Syria đều có thể gây ra những hệ lụy chính trị không mong muốn. Nga hiện tại là đồng minh mạnh nhất của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, ủng hộ ông này chống lại các áp lực dồn dập từ các cường quốc phương Tây và các nước vùng Vịnh.
 
Hải quân Nga hiện đang triển khai một hạm đội có tới 16 tàu chiến và các tàu hỗ trợ ở khu vực Địa Trung Hải nhưng không có con tàu nào trong số này ghé đến căn cứ ở cảng Tartus trong những tháng gần đây, Bộ Tư lệnh quân đội Nga cho biết.
 
Động thái rút quân của Nga ra khỏi Syria khiến người ta “giật mình” lo ngại. Nhiều người tự hỏi, liệu có phải cuộc chiến ở đất nước Syria đang ở giai đoạn nguy cấp.
 
Sốc số người thiệt mạng trong cuộc chiến ở Syria
 
Tình hình ở đất nước Syria thực sự đáng lo ngại khi mới đây có tin, số người thiệt mạng trong cuộc chiến ở đây đã lên tới con số kinh hoàng là hơn 100.000 người. Trong khi đó, các nỗ lực tìm kiếm biện pháp nhằm chấm dứt cuộc chiến đẫm máu này dường như không đem lại kết quả gì.
 
Một nhóm giám sát đối lập chuyên theo dõi cuộc chiến ở Syria hôm thứ Tư (26/6) đã đưa ra con số hơn 100.000 người chết trong cuộc nội chiến kéo dài 27 tháng qua ở Syria. Theo nhóm này, quân chính phủ thương vong nhiều hơn phe nổi dậy. Tuy nhiên, dân thường chiếm hơn 1/3 số người thiệt mạng và họ chính là nạn nhân chịu thiệt thòi nhất.
 
Nhóm có tên Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria đặt trụ sở tại Anh cho biết, cuộc chiến kéo dài dai dẳng hơn 2 năm qua ở Syria đã cướp đi sinh mạng của 100.191 người. Con số này cao hơn hàng ngàn người so với con số thống kê mới nhất mà Liên Hợp Quốc công bố gần đây. Theo Liên Hợp Quốc, số người chết trong cuộc chiến ở Syria tính đến cuối tháng 4 vừa rồi là gần 93.000.
 
Ông Rami Abdul Rahman – người sáng lập ra Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, cho biết, con số 100.191 được tính ra trên cơ sở cộng số người thiệt mạng hàng ngày mà tổ chức này ghi chép lại kể từ khi bắt đầu cuộc nổi dậy ở đất nước Syria.
 
Những con số thống kê về tình hình thương vong hàng ngày được tính ra dựa trên thông tin từ các nguồn tin gồm các nhà hoạt động có mặt tại chiến trường Syria, luật sư, nhân viên y tế, bác sĩ, bệnh viện quân sự chứ không phải từ những con số do các chiến binh cung cấp.
 
Trong khi tình hình Syria diễn ra nghiêm trọng với số người thiệt mạng khủng khiếp như trên thì người ta vẫn chưa thể nhìn thấy “bất kỳ ánh sáng nào cuối đường hầm”. Cuộc nội chiến ở Syria đang leo thang ngày một ác liệt, đẫm máu và không có lối thoát. Cả quân của ông Assad và phe nổi dậy đều không chịu nhượng bộ. Trong khi đó, những nỗ lực của các cường quốc nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Syria dường như cũng không có kết quả.

Nga và Mỹ đang tìm cách tổ chức một hội nghị hòa bình Syria ở Geneva, nhưng hai nước này vẫn mâu thuẫn sâu sắc với nhau về cách thức xử lý cuộc chiến ở đất nước Trung Đông. Trong cuộc gặp mới nhất gần đây, đại diện của Nga và Mỹ đã không thể thống nhất được với nhau về ngày giờ cũng như thành phần tham dự hội nghị hòa bình Syria được gọi là hội nghị Geneva 2.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc