Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu lặn thăm dò đáy Biển Đông

08:00, 12/06/2013
|

(VnMedia) - Tàu hải dương Hướng Dương Hồng số 9 mang theo tàu lặn biển sâu có người lái Giao Long dự kiến sẽ tới khu vực mà Bắc Kinh gọi là "khu vực đã chỉ định trên Biển Đông" trong vòng 1 tuần tới.

Tàu Giao Long sẽ được thử nghiệm hệ thống định vị trong chuyến hành trình. Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, tàu Hướng Dương Hồng số 9 sẽ phải trải qua đợt thời tiết xấu, phải vượt qua những ngọn sóng cao tới 3 mét, tuy nhiên, thời tiết sẽ không ảnh hưởng tới chuyến hành trình.

Ảnh minh họa
Tàu lặn Giao Long

Tàu lặn có người lái được chở trên tàu hải dương Hướng Dương Hồng 9 đã rời thành phố cảng miền đông Thanh Đảo từ hôm thứ Hai (10/6) để thực hiện chuyến hành trình thực nghiệm đầu tiên trên biển. Đây cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học có mặt trên cuộc thử nghiệm tàu lặn. Tổng cộng 14 nhà khoa học đã đủ điều kiện tham gia chuyến lặn nghiên cứu khoa học này. Mỗi đợt lặn sẽ có hai thủy thủ và một nhà khoa học trên tàu.

Trong 103 ngày thực hiện nhiệm vụ, tàu lặn Giao Long sẽ tiến hành các hoạt động thăm dò, thám hiểm địa chất đáy biển qua 3 giai đoạn tại khu vực Biển Đông và một số khu vực thuộc biển Tây Thái Bình Dương
 
Theo đó, trong giai đoạn đầu tiên kéo dài 43 ngày, tàu Giao Long sẽ tiến hành khảo sát từ Thanh Đảo đến khu vực mà Bắc Kinh gọi là “khu vực đã chỉ định trên Biển Đông”. Dự kiến khu vực hoạt động cách phía Tây Manila 200km và nằm về phía Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
 
Giai đoạn 2 kéo dài 42 ngày, bắt đầu từ trung tuần tháng 7. Khu vực hoạt động chủ yếu tại phía Tây Thái Bình Dương với nhiệm vụ điều tra địa chất đáy biển, khí tượng mặt biển, điều tra đa dạng hóa sinh vật biển. Giai đoạn 3 dài 28 ngày tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương với nhiệm vụ chủ yếu thăm dò nguồn tài nguyên biển.

Được thiết kế với khả năng lặn sâu 7.000m, tàu lặn Giao Long - tên một loài rồng biển thần thoại của Trung Quốc, hồi cuối tháng 6/2012, trong 6 chuyến lặn thử nghiệm của mình tại rãnh Mariana ở Tây bắc Thái Bình Dương, đã đạt đến độ sâu kỷ lục 7.062 mét.

Khi đó, Bắc Kinh đã rầm rộ phô trương thành tựu này, nói rằng nó sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc có thể tiến hành nghiên cứu và thăm dò, khai thác tài nguyên tại 99,8% các đại dương trên thế giới.

Giao Long được sử dụng để khám phá các trữ lượng kim loại và tài nguyên thiên nhiên khác vốn có trữ lượng lớn dưới đáy biển.

Ngoài ra, con tàu này còn có thể được Trung Quốc sử dụng trong các hoạt động quân sự như vẽ bản đồ đáy biển, tăng năng lực hoạt động cho tàu ngầm, thâm nhập cáp thông tin của các nước để do thám..

Bởi vậy, việc Trung Quốc đưa tàu Giao Long tới giám sát đáy Biển Đông không lọai trừ là một động thái muốn bành chướng chủ quyền tại Biển Đông của Trung Quốc.


Đan Khanh - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc