Trung Quốc lớn tiếng đe dọa các nước ở Biển Đông

06:42, 28/06/2013
|

(VnMedia) - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm qua (27/6) đã lớn tiếng cảnh báo các nước có tranh chấp ở Biển Đông rằng, việc họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên thứ ba sẽ hoàn toàn “vô ích”, và con đường đối đầu với Trung Quốc chắc chắn sẽ “thất bại”.
 

 Ảnh minh họa

 Tàu chiến Trung Quốc tập trận ở Biển Đông


Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ quyết liệt ở Biển Đông với một loạt các nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Với sức mạnh gia tăng, Bắc Kinh đang phơi bày tham vọng độc chiếm khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên. Nước này đưa ra yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò để đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, lấn đến tận gần sát bờ biển của nhiều nước trong khu vực. Để thực hiện được tham vọng này, Trung Quốc đang có nhiều động thái hung hăng, hiếu chiến, khiến Biển Đông trở thành “thùng thuốc súng” đáng ngại nhất trong khu vực Châu Á.
 
Những cuộc đối đầu nguy hiểm giữa tàu thuyền, cả dân sự và quân sự, giữa Trung Quốc với các nước đang có tranh chấp ở Biển Đông đang làm dấy lên quan ngại về khả năng bùng nổ xung đột trong khu vực. Viễn cảnh này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trữ lượng dầu mỏ khổng lồ ở Biển Đông cũng như ngư trường đánh cá dồi dào và các tuyến đường biển có tính sống còn đối với hoạt động giao thương của thế giới.
 
Phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới Tsinghua thường niên diễn ra ngày hôm qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo: “Nếu các nước có tranh chấp ở Biển Đông chọn cách đối đầu với Trung Quốc thì con đường đó chắc chắn sẽ thất bại”.
 
Ông Vương Nghị còn nói: "Nếu các nước có tranh chấp ở Biển Đông tìm cách khẳng định chủ quyền thiếu cơ sở của họ bằng cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ các lực lượng bên ngoài thì điều đó sẽ hoàn toàn vô ích. Các nỗ lực đó cuối cùng sẽ được chứng minh là một tính toán chiến lược sai lầm, không đáng để bỏ công".
 
Ngoại trưởng Trung Quốc không chỉ đích danh tên bất kỳ nước thứ ba hay lực lượng bên ngoài nào. Tuy nhiên, phát biểu của ông Vương Nghị được cho là ám chỉ đến Mỹ, Nhật Bản. Mỹ đang là đồng minh thân thiết của Philippines và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Đồng thời, Mỹ cũng đang củng cố quan hệ với các nước khác đang có tranh chấp ở Biển Đông. Trong khi đó, Nhật Bản gần đây công khai tuyên bố ủng hộ Philippines trong cuộc chiến bảo vệ biển đảo.
 
Những cảnh báo và đe dọa của Ngoại trưởng Vương Nghị được đưa ra trước thềm hội nghị Ngoại trưởng các nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Brunei vào cuối tuần này. Hội nghị sẽ khai mạc vào ngày thứ Bảy (29/6) và kéo dài đến thứ Ba tuần sau (2/7).
 
ASEAN tập trung vào vấn đề tranh chấp Biển Đông
 
Vấn đề tranh chấp Biển Đông được cho là sẽ trở thành một trong 2 chủ đề chính, quan trọng nhất trong cuộc họp giữa ngoại trưởng các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
 
ASEAN hy vọng sẽ đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC) nhằm quản lý cách ứng xử của các bên có tranh chấp trong khu vực. Hiện tại, các bên đang thực thi Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
 
Năm ngoái, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Campuchia, người ta đã chứng kiến lần đầu tiên trong lịch sử hơn 45 của ASEAN, hiệp hội này đã không thể đưa ra được một tuyên bố chung do bất đồng về vấn đề Biển Đông.
 
Năm nay, dưới sự chủ trì của Brunei với tư cách là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, người ta mong chờ vấn đề Biển Đông sẽ được thảo luận sâu hơn và đem lại kết quả nhất định chứ không phải là sự thất bại như hồi năm ngoái.
 
Giới phân tích và quan sát chính trị hy vọng, vấn đề Biển Đông sẽ không trở thành một chướng ngại vật đối với hòa bình trong khu vực.
 
Giáo sư Simon Tay - Chủ tịch Viện Quốc tế Singapore, cho rằng: "Đề xuất của ASEAN về việc thiết lập một Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông là một phần chính ở đây. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trước đó đã từng củng cố thêm các nguyên tắc trong Bộ Quy tắc Ứng xử và Ngoại trưởng Trung Quốc đã từng đến thăm 4 nước trong khu vực để bàn về cách thức thúc đẩy bộ quy tắc này”.
 
Cuộc họp đầu tiên về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông đã được khởi động nhưng tiến bộ của quá trình này vẫn diễn ra chậm chạp.
 
Ông K Shanmugam - Bộ trưởng Ngoại giao và Luật pháp Singapore, cho biết: "Chúng ta đang nói về một tiến trình dài. Đó là Bộ Quy tắc Ứng xử. Nó đòi hỏi các cuộc đàm phán chi tiết và chúng tôi đã khởi động tiến trình này. Nó sẽ mất thời gian và sẽ có lên xuống, sẽ có bất đồng do lợi ích quốc gia gây ra. Chúng ta phải dự đoán trước tình huống rối rắm, hỗn loạn có thể xảy ra và đó là lý do tại sao chúng ta cần phải rõ ràng trong vấn đề xác định lợi ích và kiên trì theo đuổi những lợi ích đó”.
 
Đề cập đến Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, con đường tiến tới bộ quy tắc này sẽ diễn ra từ từ, chậm rãi. Trong quá trình này, các bên vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc và ASEAN đã ký kết với nhau trước đó, ông Vương Nghị cho biết.

Ông này cũng nói thêm rằng: “Cách đúng đắn hiện nay là thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông và trong tiến trình này tiến dần dần từng bước tới Bộ Quy tắc Ứng xử”. Đây cũng chính là điều mà các nước có tranh chấp ở Biển Đông mong muốn. Các nước ASEAN từng nhiều lần lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc