(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc cuộc họp thượng đỉnh không chính thức kéo dài hai ngày 7 và 8/6. Trong cuộc họp này, hai nhà lãnh đạo đã bàn về một loạt vấn đề nổi cộm, trong đó có vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí với Tổng thống Obama rằng Triều Tiên không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu có phải vì muốn củng cố quan hệ với Mỹ mà Trung Quốc “sẵn sàng” hy sinh đồng minh thân thiết nhất của họ?
Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình vừa đi dạo vừa trò chuyện trong một khu nghỉ ở California. Hai nhà lãnh đạo đang muốn tạo dựng mối quan hệ cá nhân để từ đó khôi phục quan hệ song phương Trung - Mỹ. |
Trong một loạt các chủ đề nóng bỏng, Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đã dành khá nhiều thời gian để bàn thảo về việc làm cách nào kiềm chế Triều Tiên – nước gần đây liên tiếp có những hành động, lời nói khiến nhiều nước “giật mình” và đẩy khu vực vào tình trạng căng thẳng cao độ.
“Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí với nhau rằng, Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa và rằng cả Mỹ cũng như Trung Quốc không chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí hạt nhân. Vì thế, chúng tôi sẽ nỗ lực làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác và tăng cường đối thoại nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng – ông Tom Donilon cho các phóng viên biết.
Trong một cuộc họp báo riêng rẽ khác, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cho hay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Obama rằng, Trung Quốc và Mỹ có “cùng lập trường và mục tiêu” trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Trung Quốc là đồng minh thân thiết của Bình Nhưỡng nhưng gần đây Bắc Kinh đang ngày càng tỏ ra lo ngại về những lời đe dọa chiến tranh hạt nhân của Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc và Mỹ.
Với những phát biểu trên của giới lãnh đạo Trung Quốc, nhiều người đang tự hỏi, liệu có phải Bắc Kinh có ý định “hy sinh” mối quan hệ với đồng minh Triều Tiên để đổi lấy mối quan hệ tốt đẹp hơn với siêu cường số 1 thế giới. Tuy nhiên, câu trả lời có lẽ là không. Dù Bắc Kinh ngày càng mất kiên nhẫn với nước láng giềng “thất thường” của mình nhưng không vì thế mà họ từ bỏ mối quan hệ quan trọng này.
Bắc Kinh đến nay vẫn không hoàn toàn tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên vì sợ một sự sụp đổ của nước láng giềng có thể gây hỗn loạn ở khu vực biên giới nước họ.
Giới phân tích cũng tỏ ra rất thận trọng khi đưa ra đánh giá về quan điểm, lập trường của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng hiện nay. Không rõ và dường như là không thể có chuyện Bắc Kinh thay đổi những tính toán cơ bản của họ về Triều Tiên – nước đang đóng vai trò là vùng đệm an toàn cho Trung Quốc.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên từ lâu đã gắn bó chặt chẽ với nhau. Trung Quốc và Triều Tiên đều cần đến nhau. Bắc Kinh cần Triều Tiên là vùng đệm an toàn, chắn giữa họ với Hàn Quốc – nơi đang cho hàng chục nghìn quân Mỹ đóng. Trong khi đó, Bình Nhưỡng cần chỗ dựa lớn như Trung Quốc cả về viện trợ kinh tế lẫn sự ủng hộ về chính trị.
"Trở lại một thời gian dài trước đây, giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã nảy sinh nhiều vấn đề và hai nước thực sự không thích nhau nhưng họ cần nhau và đến giờ họ vẫn như thế”, ông Alan Romberg, giám đốc chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Stimson ở Washington, nhận định như vậy.
Trên thực tế, tại cuộc gặp với ông Obama, ông Tập Cận Bình đã thể hiện, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ về vấn đề Triều Tiên nhiều hơn so với trong quá khứ. Tuy vậy, Bắc Kinh không hề đưa ra biện pháp cụ thể nào để kiềm chế đồng minh của họ.
Đối đầu vì vấn đề an ninh mạng
Trong khi tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình lại đối đầu nhau vì những cáo buộc về tấn công mạng.
Các quan chức Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại ngày càng tăng về những hoạt động gián điệp mạng từ Trung Quốc.
Washington Post gần đây đưa tin, Trung Quốc đã xâm nhập vào mạng dữ liệu của gần 40 chương trình vũ khí của Lầu Năm Góc.
Tại cuộc họp thượng đỉnh vừa qua, Tổng thống Obama đã gửi một thông điệp cảnh báo đến cho Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó nói rằng: “Nếu không được giải quyết và nếu tình trạng tiếp diễn theo hướng đe dọa trực tiếp đến tài sản của Mỹ thì đây sẽ là một vấn đề rất khó trong mối quan hệ kinh tế”, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng – ông Donilon cho biết.
Trong khi đó, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết, Bắc Kinh muốn hợp tác hơn là đối đầu với Mỹ trong vấn đề an ninh mạng. Ông Tập Cận Bình đã nói với ông Obama tại cuộc họp báo hôm 7/6 rằng, chính Trung Quốc cũng là nạn nhân của các cuộc tấn công mạng và hai nước nên hợp tác để phát triển một phương pháp tiếp cận chung trong vấn dề này.
"An ninh mạng không nên trở thành nguyên nhân gốc rễ gây ra sự nghi ngờ, mâu thuẫn lẫn nhau mà nên là một điểm sáng mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước”, ông Dương Khiết Trì đã nói như vậy.
Dù thế nào, vấn đề an ninh mạng vẫn là “cái dằm” hết sức khó chịu trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.
Ý kiến bạn đọc