(VnMedia) - Một nhà phân tích kỳ cựu mới đây cho rằng, giữa Biển Đông và Bắc Cực có sự tương đồng nhất định và vì thế các nước có tranh chấp ở Biển Đông có thể tháo “ngòi nổ” xung đột bằng cách áp dụng bài học từ cách xử lý vấn đề của các nước ở Bắc Cực.
(Ảnh minh họa) |
Nhìn bên ngoài, dường như có rất ít sự tương đồng giữa Bắc Cực và Biển Đông. Bắc Cực đến giờ rốt cục vẫn chỉ là một vùng bị bao phủ bởi lớp băng lạnh và điều đó hạn chế khả năng đi lại của tàu thuyền trong khu vực. Nơi đây cũng chỉ có khoảng 4 triệu người sinh sống. Trong khi đó, Biển Đông là tuyến đường hàng hải được sử dụng nhiều thứ hai thế giới và được bao bọc bởi 10 quốc gia với tổng dân số lên tới 1,9 tỉ người.
Tuy nhiên, nhìn sâu hơn nữa thì Biển Đông và Bắc Cực có khá nhiều sự tương đồng. Ví dụ như, cả hai khu vực đều chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên đáng kể và kết quả là có sự tranh chấp, đối đầu giữa các nước ở đây. Tuy nhiên, trong khi các nước có tranh chấp ở Bắc Cực có thể duy trì hòa bình và tiến tới việc phát triển bền vững khu vực – nơi được cho là chứa đựng tới 25% trữ lượng dầu mỏ chưa được khai thác, thông qua việc thiết lập Hội đồng Bắc Cực, thì Biển Đông được miêu tả như là “một thùng thuốc súng”. Đã đến lúc các nước ở Biển Đông nên áp dụng bài học từ Bắc Cực, đó là thiết lập một Hội đồng Biển Đông. Đây là nhận định được ông Scott J. Shackelford, giáo sư chuyên về Luật và Đạo đức Doanh nghiệp ở trường Đại học Indiana, Mỹ đưa ra ngày hôm qua (18/6).
Hội đồng Bắc Cực được thành lập năm 1996 như một diễn đàn để tăng cường sự hợp tác giữa các nước nằm xung quanh Bắc Cực, bao gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na-uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ. Mục đích ban đầu của việc thiết lập Hội đồng Bắc Cực rất là khiêm tốn, chỉ là để tiến hành các nghiên cứu khoa học chung về biến đổi khí hậu, khoan thăm dò dầu khí và vận tải. Phải đến năm 2011, một hiệp ước có tính ràng buộc đầu tiên giữa các nước ở Bắc Cực mới được hình thành và đó là thỏa thuận về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn. Và bây giờ, sự quan trọng của Hội đồng Bắc Cực đã đạt tới đỉnh điểm. Tháng trước, Hội đồng Bắc Cực vừa có cuộc họp và họ đã tiếp nhận thêm 5 quốc gia Châu Á làm quan sát viên, trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. EU cũng đã nộp đơn xin gia nhập vào Hội đồng Bắc Cực.
Bắt đầu từ những điều rất nhỏ và xây dựng trên một nền móng chung như phát triển bền vững hay hoạt động tìm kiếm, cứu nạn được cho là một chất xúc tác hiệu quả tạo sự gắn kết giữa các nước ở Bắc Cực. Trong cuộc họp mới nhất vừa qua, các nước đã đạt được thỏa thuận mới về việc đối phó với tình trạng khẩn cấp và chống ô nhiễm dầu khí. Tóm lại, Hội đồng Bắc Cực ra đời rất đúng lúc. Nó hoạt động hiệu quả và bình đẳng. Hội đồng này tập trung vào những thách thức an ninh môi trường chung và nó đang đạt được những tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề trong khu vực. Liệu điều này có thể được thực hiện ở Biển Đông?
Rõ ràng, câu chuyện của Hội đồng Bắc Cực nên được áp dụng để củng cố sự hợp tác của các nước và vùng lãnh thổ có tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Maylaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan có thể bắt đầu hợp tác trong các vấn đề mà họ có chung mối quan tâm như ô nhiễm hàng hải theo đúng cách mà các nước Bắc Cực đã ký Chiến lược Bảo vệ Môi trường Bắc Cực năm 1991. Đây chính là bàn đạp để các nước ở Bắc Cực thành lập Hội đồng Bắc Cực. Các nước và vùng lãnh thổ ở Biển Đông cũng có thể thành lập một hội đồng với nhiệm vụ nhất định như phát triển bền vững khu vực và hợp tác với nhau trong các nghiên cứu khoa học hay các vấn đề tìm kiếm, cứu nạn trước khi tiến tới những vấn đề gai góc hơn như tranh chấp lãnh thổ hay an ninh hàng hải.
Mặc dù Hội đồng Bắc Cực không có nhiều thẩm quyền từ các quốc gia thành viên nhưng nó đã hoạt động hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường khu vực cũng như tháo gỡ căng thẳng ở khu vực tiềm ẩn sự bất ổn này. Hội đồng Bắc Cực cũng đã đạt được thành công đáng kể trong việc tìm hiểu, khám phá khu vực Bắc Cực và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với nơi này ở các diễn đàn quốc tế. Mặc dù sự giống nhau chưa chắc đã hoàn hảo nhưng Mỹ và các nước Bắc Cực nên khuyến khích các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Biển Đông nhanh chóng thành lập một hội đồng như của họ. Với một chút may mắn, các nước và vùng lãnh thổ ở Biển Đông có thể tạo dựng được một cột trụ hòa bình giúp làm dịu căng thẳng ở khu vực điểm nóng này.
Kiệt Linh -
(theo Huffington Post)
Ý kiến bạn đọc