Syria sẽ châm ngòi chiến tranh toàn cầu?

16:05, 15/06/2013
|

(VnMedia) - Cuộc khủng hoảng Syria giờ đây dường như không còn là một cuộc nội chiến đơn thuần mà đang nhanh chóng biến thành một cuộc đấu tranh giành quyền lực mang màu sắc sắc tộc, gây chảy máu khắp Trung Đông. Nó có nguy cơ nhấn chìm toàn bộ khu vực vào một cuộc chiến tranh tàn khốc, chết chóc giữa hai hệ tư tưởng Hồi giáo: dòng Sunni và Shia. Nguy hiểm hơn, cuộc chiến ở Syria còn đang lôi kéo sự can dự của những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới. Tất cả những yếu tố đáng sợ này đang khiến nhiều người lo ngại một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ được châm ngòi từ đốm lửa nguy hiểm ở Syria. 
 

 Ảnh minh họa

 Phe nổi dậy Syria


Sau hơn hai năm đất nước Syria chìm trong bom đạn và những cuộc giao tranh đẫm máu, cuộc chiến ở đây đã cướp đi sinh mạng của 93.000 người và đẩy 1,6 triệu phải đi sống tị nạn ở các nước láng giềng xung quanh. Hàng triệu người khác sống vơ vất, lay lắt, không nhà, không cửa ở ngay chính quê hương của mình. Những con số đau thương trên vẫn tiếp tục tăng lên với những tin tức về các cuộc giao tranh ác liệt diễn ra hàng ngày giữa quân chính phủ và phe nổi dậy Syria cũng như những vụ thảm sát kinh hoàng mà cả hai phe gây ra.
 
Xung đột ở Syria bắt đầu bùng lên từ năm 2011 từ những cuộc biểu tình hòa bình ban đầu nhằm chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Ông Assad có vẻ là người kế nhiệm ôn hòa của cha mình – ông Hafez. Cha của Tổng thống Assad được cho là đã cai quản đất nước Syria từ năm 1970 đến năm 2000 bằng nắm đấm sắt. Phản ứng của ông này trước cuộc nổi dậy của nhóm Anh em Hồi giáo theo dòng Sunni đã xóa sổ một thành phố 20.000 người.
 
Lo ngại các cuộc biểu tình ở Syria có thể lật đổ chính quyền như ở Tunisia, Ai Cập và Libya trong “Cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả-rập”, lực lượng an ninh của chính quyền ông Assad đã sử dụng xe tăng, đạn pháo để đàn áp các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, điều đó đã châm ngòi cho một cuộc nội chiến đáng sợ kéo dài suốt 2 năm qua mà không có dấu hiệu kết thúc.
 
Phe đối lập đã phát triển thành một lực lượng vũ trang nổi dậy và giờ đây, đất nước Syria đang bị nhấn chìm dần trong một cuộc nội chiến vốn đã biến thành một cuộc xung đột sắc tộc khủng khiếp. Một bên của cuộc chiến này là những người trung thành với Tổng thống Assad – người thuộc giáo phái Alawites — một chi nhánh của dòng Hồi giáo Shia. Bên kia chiến trường là một liên minh lỏng lẻo của các chiến binh thuộc dòng Hồi giáo Sunni và một số thành phần có liên hệ mật thiết với tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới Al Qaeda.
 
Mức độ tàn bạo của cuộc chiến ở Syria đã leo đến mức kinh khủng. Tuần này, có tới 60 người Hồi giáo dòng Shia được cho là đã bị các chiến binh nổi dậy ở thành phố Hatla thảm sát dã man. Một chiến binh nổi dậy ghi hình lại cảnh thảm sát đã hả hê nói rằng: “Đây là những thi thể chặt đầu moi ruột của người Shia. Đó là kết cục của họ”. Đáng buồn và đáng sợ là, câu chuyện khủng khiếp này dường như quá quen thuộc trong một cuộc xung đột tôn giáo có từ thế kỷ thứ 7.

Từ cuộc chiến sắc tộc bùng nổ thành thế chiến 3?
 
Sau cái chết của Nhà Tiên tri Mohammed năm 632 trước Công nguyên, có 4 ứng cử viên tranh giành kế nhiệm ông.
 
Một nhóm sau này trở thành người Hồi giáo dòng Shia (hay còn gọi là Shi’ite) ủng hộ cháu trai Ali của Nhà Tiên tri Mohammed. Tuy nhiên, người cháu trai này đã 3 lần bị bỏ qua và cuối cùng cũng được kế nhiệm Nhà Tiên tri Mohammed nhưng sau đó lại bị ám sát.
 
Mâu thuẫn không thể hóa giải giữa người Shia và nhóm sau này trở thành dòng Sunnis bắt đầu nổi lên sau một cuộc chiến năm  680 khi cháu trai của ông Ali bị giết chết.
 
Ngày nay, ở Syria và khắp Trung Đông, sự chia rẽ giữa người Shia và người Sunnis đã tạo thành một hố sâu.
 
Các trụ cột chính của chính quyền Tổng thống Assad hiện nay là quân đội, các cơ quan tình báo và Đảng Baath. Xương sống của chính quyền Assad được củng cố bởi ảnh hưởng của mẹ và các chú bác của ông Assad. Những người này muốn đàn áp thẳng tay phe nổi dậy Syria.
 
Nhiều doanh nhân giàu có ở thủ đô Damascus cũng ủng hộ Tổng thống Assad như người Cơ đốc giáo bởi họ sợ nếu ông Assad bị lật đổ thì Syria sẽ nhanh chóng biến thành một đất nước Hồi giáo.
 
Ở trung tâm của chính quyền Syria là những thành viên của giáo phái Alawite. Những người này chiếm 12% dân số Syria nhưng lại chiếm tới 80% lực lượng sĩ quan và 90% tướng lĩnh của Syria. Ngoài ra, Syria còn có một lực lượng dân quân Alawite còn gọi là shabbiha. Đây là nhóm chuyên đi tiêu diệt các phần tử đối lập.
 
Người Cơ đốc giáo chiếm 10% dân số Syria trong khi 10% khác là người Kurds. Người Kurds là người Sunni và có mặt số lượng lớn ở các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Iraq.
 
Nguy cơ lớn là Syria có thể bị chia cắt thành 3 hay 4 dòng sắc tộc và bất kỳ ai đứng tách biệt trong cộng đồng cũng có thể phải đối mặt với sự thanh trừng sắc tộc kinh hoàng và thảm khốc.
 
Và do cuộc xung đột trên bị dẫn dắt bởi vấn đề tôn giáo nên nó có thể dễ dàng vượt qua khỏi biên giới Syria, kéo thêm các cường quốc khu vực dính líu vào.
 
Vậy ai đứng chung với ai trong cuộc chiến ở đất nước Syria? Nói thẳng, Tổng thống Assad đang được hậu thuẫn bởi Iran – một cường quốc lớn theo dòng Shia ở khu vực Trung Đông, và lực lượng chiến binh Hezbollah ở Li-băng. Hiện tại, chính quyền Syria đang được hậu thuẫn vào bảo vệ bởi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo tinh nhuệ của Iran và khoảng 5.000 đến 8.000 chiến binh lão luyện của nhóm Hezbollah.
 
Trong khi đó, lực lượng chống lại ông Assad có sự giúp đỡ từ hàng ngàn chiến binh đến từ các nước trên khắp khu vực và nhóm Hồi giáo Jabhat al-Nusra có liên quan đến chi nhánh Al-Qaeda ở Iraq. Phe nổi dậy còn được cung cấp tiền bạc, vũ khí từ các quốc gia Sunni như Qatar và Ả-rập Xê-út.
 
Những mối liên kết phức tạp như vậy giữa các quốc gia hiện đại và bản chất toàn cầu hóa nền chính trị quốc tế sẽ khiến hậu quả của cuộc nội chiến ở Syria gây ảnh hưởng khắp thế giới.
 
Chưa kể đến việc, cuộc nội chiến ở Syria có nguy cơ lôi kéo một loạt cường quốc lớn hàng đầu thế giới dính líu vào. Nếu diễn biến cứ theo chiều hướng như hiện nay thì khả năng bùng phát một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 tàn khốc là khó tránh khỏi.


Kiệt Linh - (theo DM)

Ý kiến bạn đọc