(VnMedia) - Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad hôm qua (24/6) đã lên tiếng phát biểu đầy tự tin rằng, dù có được phương Tây cung cấp vũ khí, phe nổi dậy cũng “đừng mơ” sánh ngang được sức mạnh của quân chính phủ. Ông này cũng tuyên bố đầy thách thức rằng, Tổng thống Assad sẽ không từ chức.
Phe nổi dậy Syria |
Việc các nước phương Tây và Ả-rập quyết định cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria đã đe dọa tiến trình đàm phán hòa bình, Ngoại trưởng Syria – ông Walid al-Moualem cho biết tại một cuộc họp báo ở thủ đô Damascus ngày hôm qua.
Theo ông Moualem, phe nổi dậy đừng mơ có thể sánh ngang được sức mạnh của quân đội Syria bất chấp lời cam kết của các nước tham gia hội nghị “Bạn bè của Syria” về việc sẽ tăng cường sự giúp đỡ về mặt quân sự cho lực lượng này.
"Nếu họ mong đợi hoặc mơ tưởng rằng họ có thể tạo ra một sự cân bằng về sức mạnh thì tôi nghĩ họ sẽ cần phải chờ đợi nhiều năm để điều đó xảy ra”, Ngoại trưởng Syria tuyên bố tại một cuộc họp báo được phát trên truyền hình.
Các nước phương Tây, Ả-rập cùng với Thổ Nhĩ Kỳ mới đây thông báo, họ quyết định cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria để lực lượng này có thể tái cân bằng lực lượng và giành lại thế trận trong cuộc chiến với quân đội của ông Assad.
Quân chính phủ gần đây liên tục giành chiến thắng trong các cuộc đụng độ với phe nổi dậy Syria, chiếm lại được một thành phố chiến lược gần biên giới Li-băng. Diễn biến đầy lợi thế trên chiến trường đã giúp ông Assad tăng cường sự kiểm soát đối với khu vực kéo dài từ thủ đô Damascus đến thành trì trên bờ biển Địa Trung Hải của ông này.
Ngoại trưởng Moualem cho rằng, động thái công khai cung cấp sự ủng hộ về mặt quân sự cho phe nổi dậy Syria của các nước phương Tây và Ả-rập đã khuyến khích chủ nghĩa khủng bố và lực lượng được lợi nhất trong quyết định này chính là các nhóm Hồi giáo cực đoan có liên quan đến tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới al Qaeda.
"Quyết định ở Doha rất nguy hiểm... bởi nó nhằm mục đích kéo dài thêm cuộc khủng hoảng, khích động thêm bạo lực và giết chóc, đồng thời khuyến khích những tên khủng bố gây tội ác”, ông Moualem nói.
Mỹ và Anh đang lên kế hoạch tổ chức một hội nghị hòa bình ở Geneva với sự tham gia của đại diện đến từ cả chính quyền của Tổng thống Assad lẫn phe nổi dậy. Đây là một nỗ lực nhằm tìm hướng giải quyết cho cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài hơn 2 năm qua và cướp đi sinh mạng của hơn 93.000 người ở Syria. Tuy nhiên, theo lời của Ngoại trưởng Moualem, “việc trang bị vũ khí cho phe nổi dậy Syria sẽ can trở hội nghị hòa bình ở Geneva. Việc trang bị vũ khí cho phe nổi dậy sẽ giết chết thêm nhiều người dân của chúng tôi”.
Assad quyết không từ chức
Cũng tại cuộc họp báo ngày hôm qua, Ngoại trưởng Moualem đã khẳng định một cách chắc nịch rằng Tổng thống Assad sẽ không từ chức tại hội nghị hòa bình ở Geneva mà sẽ chỉ thảo luận về việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.
“Tổng thống Al Assad sẽ không từ chức. Chính phủ Syria sẽ không đến hội nghị hòa bình Geneva để trao quyền lực. Nếu điều kiện của các bạn là sự ra đi của Tổng thống Assad thì các bạn không phải đến hội nghị đó. Chúng tôi chỉ đến Geneva để thiết lập một mối quan hệ đối tác thực sự và một chính phủ có sự đoàn kết dân tộc rộng khắp”, ông Moualem đã tuyên bố đầy thách thức như vậy.
Bất chấp việc Nga, Mỹ mâu thuẫn sâu sắc với nhau về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng ở Syria và mỗi bên hậu thuẫn cho một phe khác nhau nhưng hai cường quốc này đã nhất trí cùng nhau tổ chức một hội nghị hòa bình ở Geneva nhằm sớm kết thúc cuộc nội chiến ác liệt và chứa nhiều nguy cơ ở đất nước Syria.
Tuy nhiên, triển vọng thành công của hội nghị hòa bình sắp tới ngày một trở nên mờ mịt và ảm đạm. Hội nghị này đã bị hoãn từ tháng 6 sang tháng 7 và có thể còn lâu hơn.
Phe nổi dậy khăng khăng đòi hỏi rằng, bất kỳ giải pháp nào cho cuộc xung đột ở đất nước Syria đều phải bao gồm sự ra đi của Tổng thống Assad. Tuy nhiên, đầy là điều mà chính phủ Syria hoàn toàn bác bỏ.
Phe nổi dậy còn đặt ra một loạt điều kiện khác cho sự có mặt của họ ở hội nghị hòa bình Geneva, trong đó có việc rút quân của nhóm chiến binh Hezbollah đến từ nước láng giềng Li-băng. Lực lượng này đang chiến đấu bên cạnh chính quyền của Tổng thống Assad trong cuộc chiến với phe nổi dậy.
Chính phủ Syria khẳng định sẽ tham dự hội nghị Geneva do Mỹ, Nga đề xuất nhưng tuyên bố rõ ràng rằng, họ không có kế hoạch từ bỏ quyền.
Cuộc xung đột ở Syria bắt đầu từ những cuộc biểu tình hòa bình nhằm chống lại 4 thập kỷ cầm quyền của gia đình ông Assad. Tuy nhiên, nó đã nhanh chóng leo thang thành một cuộc nội chiến đẫm máu và ác liệt với sự dinh líu của cả các chiến binh nước ngoài và các băng, nhóm khủng bố. Cuộc nội chiến này đang có nguy cơ biến thành một cuộc chiến sắc tộc lan rộng khắp khu vực Trung Đông.
Phe nổi dậy Syria với phần lớn là người Hồi giáo theo dòng Sunni được sự hậu thuẫn bởi các chiến binh Hồi giáo nước ngoài. Trong khi đó, những người Shiite đến từ Iraq và Li-băng chiến đấu bên cạnh quân của Tổng thống Assad. Ông Assad là người thuộc giáo phái thiểu số Alawite – một chi nhánh của dòng Hồi giáo Shiite.
Theo lời ông Moualem, Syria muốn ngừng bắn để tiến hành đàm phán hòa bình ở Geneva.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc