Philippines "bật đèn xanh" đưa quân đội Mỹ vào biển Đông?

16:17, 27/06/2013
|

(VnMedia) - Quân đội Philippines đang khôi phục lại kế hoạch xây dựng các căn cứ không quân và hải quân mới ở Vịnh Subic mà lực lượng Mỹ có thể sử dụng để đối phó với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Thông tin này đã được một quan chức hải quân cấp cao của Philippines tiết lộ ngày hôm nay (27/6). Vịnh Subic từng là nơi có một căn cứ của hải quân Mỹ.
 

 Ảnh minh họa

 (Ảnh minh hoạ)


Việc Philippines đề xuất kế hoạch thành lập các căn cứ mới diễn ra trùng thời điểm với sự xuất hiện ngày càng nhiều của tàu chiến, máy bay và quân Mỹ ở Châu Á. Sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực nằm trong khuôn khổ chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á của cường quốc số 1 thế giới. Washington đang đặc biệt chú ý đến sự nổi lên ngày một hung hăng và hiếu chiến của Trung Quốc.
 
Những căn cứ mới của Philippines sẽ cho phép tàu chiến và chiến đấu cơ của nước này hoặc của đồng minh Mỹ đóng tại khu vực chỉ cách bãi cạn Scarborough có 124 hải lý (khoảng 199km). Bãi cạn Scarborough là nơi diễn ra cuộc tranh chấp quyết liệt giữa Trung Quốc và Philippines trong suốt hơn một năm qua. Manila khẳng định bãi cạn Scarborough thuộc chủ quyền của nước này nhưng hiện giờ tàu thuyền Trung Quốc đang chiếm đóng ở đây.
 
Hải quân Philippines hiện tại vẫn chưa chính thức đệ trình kế hoạch thiết lập các căn cứ hải quân, không quân ở Vịnh Subic với tổng giá trị giá lên tới 230 triệu USD lên cho Tổng thống Benigno Aquino. Tuy nhiên, giới quan chức cấp cao của Philippines cho biết, họ tin rằng, kế hoạch đó có nhiều cơ hội để giành được sự ủng hộ của Tổng thống Aquino – người đang tìm cách củng cố sức mạnh cho lực lượng quân đội.
 
Hải quân Philippines hiện tại bị đánh giá là thiếu các nguồn lực và năng lực chiến đấu. Lực lượng này hoàn toàn không phải là đối thủ của Hải quân Trung Quốc. Chính vì thế, Manila đang tìm cách cải thiện tình hình.

Quốc hội Philippines hồi năm ngoái đã thông qua một kế hoạch hiện đại hoá quân sự trị giá 1,8 tỉ USD. Phần lớn trong số tiền này sẽ được đầu tư vào việc mua sắm tàu thuyền, máy bay và các thiết bị quân sự như radar. Quân đội Philippines trong quá khứ đã từng đề xuất kế hoạch trên. Tuy nhiên, sau khi xảy ra một loạt cuộc đối đầu trên biển với Trung Quốc, Manila mới nhanh chóng thúc đẩy thực hiện kế hoạch hiện đại hoá quân đội.
 
"Cơ hội để triển khai kế hoạch thành lập các căn cứ ở vịnh Subic dưới thời Tổng thống Aquino là rất cao bởi chính quyền này rất ủng hộ những kế hoạch liên quan đến việc nâng cấp lực lượng, thiết bị", một sĩ quan cấp cao của quân đội Philippines cho biết.
 
"Mọi người xung quanh ông ấy đều hiểu nhu cầu của chúng ta và quan trọng hơn hiểu thách thức mà đất nước chúng ta đang phải đối mặt trong thời điểm này”, vị quan chức giấu tên trên cho biết thêm.
 
Cơ hội cho Hải quân Mỹ
 
Vịnh Subic là nơi từng có một căn cứ của Hải quân Mỹ. Năm 1992, Philippines đã đóng cửa căn cứ này, chấm dứt sự hiện diện quân sự kéo dài suốt 94 năm của quân đội Mỹ ở đây và cũng là đóng cửa căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.
 
Philippines không có kế hoạch cho phép Mỹ mở lại căn cứ quân sự ở Vịnh Subic vì tính nhạy cảm của vấn đề. Nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc ở Philippines phản đối sự quay trở lại của quân đội Mỹ.
 
Tuy nhiên, những căn cứ hải quân và không quân mới mà Philippines chuẩn bị thiết lập ở Vịnh Subic sẽ cho phép các tàu chiến của Mỹ thường xuyên ra vào khu vực hơn. Các căn cứ này cũng giúp tàu chiến Mỹ bảo đảm an ninh hơn khi phát động các chiến dịch ở Biển Đông và các nơi khác thuộc Đông Nam Á. Theo một thoả thuận đã ký với Manila năm 1999, lực lượng quân đội Mỹ được phép tiếp cận ở mức cao nhất đối với các căn cứ của quân đội Philippines.
 
Ông Roberto Garcia – Chủ tịch Chính quyền Thành phố ở Vịnh Subic (SBMA), đã lên tiếng xác nhận về kế hoạch xây dựng các căn cứ mới trong khu vực, nói rằng vì việc này ông đã phải gác lại kế hoạch xây dựng một công viên giải trí.
 
"Tôi không thấy có bất kỳ vấn đề gì nếu chính phủ muốn xây một căn cứ hải quân và không quân” ở Vịnh Subic, ông Garcia cho biết đồng thời nhấn mạnh thêm về tình hình gia tăng các cuộc ghé thăm cảng ở Subic của quân đội Mỹ.
 
Theo các con số thống kê chính thức, trong vòng chưa đầy 6 tháng trong năm nay, đã có tới 72 tàu chiến và tàu ngầm Mỹ đã đến thăm Vịnh Subic. Đây là con số rất cao so với tổng số 88 chuyến thăm năm 2012, 54 chuyến năm 2011 và 51 chuyến năm 2010.
 
Philippines là một trong những đồng minh thân thiết nhất của Mỹ trong khu vực. Kể từ sau khi xảy ra các cuộc đối đầu liên tiếp giữa Trung Quốc và Philippines vì tranh chấp ở Biển Đông, Manila bắt đầu thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với đồng minh Mỹ nhằm làm đối trọng với nước láng giềng Trung Quốc.
 
Washington cũng muốn dùng Philippines để “kiềm chế” sự nổi lên một cách đáng ngại của Trung Quốc. Chính vì thế, Mỹ đã không ngại giúp đỡ để Philippines củng cố sức mạnh quân sự dù cường quốc quân sự số 1 thế giới luôn miệng khẳng định đứng trung lập trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Châu Á. Ngoài việc cung cấp vũ khí cho Philippines, Mỹ còn tăng cường các cuộc tập trận chung với đồng minh để giúp nước này đào tạo, huấn luyện lực lượng. Hôm nay (27/6), Hải quân hai nước Mỹ và Philippines vừa khởi động một cuộc tập trận chung ở Biển Đông.


Kiệt Linh - (theo ABS CBN News)

Ý kiến bạn đọc