(VnMedia) - Hôm 6/6, không chỉ người dân Nga mà nhiều người dân thế giới đã bị sốc khi nghe tin Tổng thống Vladimir Putin và vợ tuyên bố ly dị sau gần 30 năm chung sống.
“Đó là sự thực”, ông Putin nói. “Tất cả các hoạt động của tôi đều diễn ra trước công chúng, hoàn toàn trước công chúng và một số người thích điều này, số khác thì không. Tuy nhiên, có những người tuyệt đối không thích hợp với cuộc sống bị phơi bày trước công chúng... Lyudmila Alexandrovna là một người như vậy”.
Bà Lyudmila xác nhận lại lời của ông Putin, nói thêm rằng: “Cuộc hôn nhân của chúng tôi đã kết thúc vì sự thực, chúng tôi hầu như chẳng gặp mặt nhau”.
Ông Putin và vợ khiến nhiều người hâm mộ "sửng sốt" khi thông báo quyết định ly hôn. |
Việc ông Putin chia tay vợ đã đưa ông vào danh sách những nguyên thủ quốc gia ít ỏi “đứt gánh tình” giữa đường khi đang ở trên đỉnh cao quyền lực. Dưới đây là những nguyên thủ quốc gia ly dị vợ khi đang tại vị.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy
Ông Nicolas Sarkozy đã “ghi tên mình vào lịch sử” khi trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên ly dị vợ khi đang cầm quyền. Cuộc hôn nhân giữa ông Sarkozy với bà Cecilia đã kết thúc vào năm 2007. Trước khi ông Sarkozy thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, bà Cecilia từng có câu phát biểu nổi tiếng rằng: “Tôi không xem mình là một đệ nhất phu nhân. Điều đó làm tôi phát ngán. Tôi không phải là người có chừng mực”.
Ông Sarkozy và bà Cecilia |
Chỉ một năm sau khi ly hôn bà Cecilia, Tổng thống Sarkozy đã tái hôn với bà Carla Bruni – một ca sĩ kiêm nhạc sĩ và từng là một cựu người mẫu. Bà Bruni từng có mối quan hệ tình cảm với những nhân vật nổi tiếng như Mick Jagger, Eric Clapton.... Hiện tại, vợ chồng ông Sarkozy vẫn chung sống hạnh phúc với nhau ở thủ đô Paris cùng với một cô con gái chung của hai người và một cậu con trai riêng của bà Bruni.
Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi
Xét trong bối cảnh ông Silvio Berlusconi nổi tiếng đào hoa, có nhiều mối quan hệ đáng nghi với hàng loạt những cô gái trẻ đẹp cùng sở thích tổ chức các bữa tiệc “thác loạn”, sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên hay khó hiểu khi cựu nữ diễn viên Veronica Lario tuyên bố ly dị với ông Berlusconi khi ông đang nắm quyền Thủ tướng Italia năm 2009. Bà Lario là vợ thứ hai của ông Berlusconi.
Ông Berlusconi và bà Lario |
Sau khi các thủ tục ly hôn được hoàn tất năm 2012, tòa án đã ra phán quyết buộc ông Berlusconi phải trả cho bà Lario 4 triệu USD mỗi tháng tiến cấp dưỡng. Vị cựu Thủ tướng Italia hồi đầu năm nay đã lên tiếng chỉ trích thẩm phán Italia đã bênh vực cho phái nữ khi bắt ông trả tiền cấp dưỡng nhiều như vậy cho vợ cũ của ông.
3. Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, South Africa
Cuộc hôn nhân kéo dài 38 năm giữa ông Nelson Mandela và vợ Winnie đã sống sót qua thời kỳ chủ nghĩa apartheid (phân biệt chủng tộc) nhưng lại kết thúc 6 năm sau khi ông được phóng thích khỏi tù. Ông Mandela mới cưới bà Winnie được 5 năm thì ông phải vào tù năm 1963 vì những cáo buộc chính trị.
Ông Mandela và người vợ mà ông chia tay sau cuộc hôn nhân kéo dài 38 năm |
Cuộc hôn nhân này đã tồn tại vững vàng qua mấy chục năm sóng gió nhưng lại kết thúc vào năm 1996. Theo ghi chép của tòa, Tổng thống Mandela, khi đó 77 tuổi, cáo buộc vợ ông đã ngoại tình với một người đàn ông trẻ hơn. Ông Mandela đã tái hôn vào năm 1998 khi ở độ tuổi 80.
4. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez
Cố Tổng thống Hugo Chavez đã ly dị người vợ thứ hai – nữ phóng viên Marisabel Rodriguez khi ông đang tại vị năm 2004. Nguyên nhân mà ông Chavez đưa ra để giải thích cho cuộc hôn nhân đổ vỡ của ông là do người vợ quá nóng nảy.
Ông Chavez chia tay với nữ phóng viên vì lý do bà quá nóng nảy |
5. Thủ tướng Hy Lạp Andreas Papandreou
Trước khi ông Andreas Papandreou lên cầm quyền ở Hy Lạp, ngoại tình được xem là một hành vi phạm tội ở đất nước này. Sau khi nắm quyền, ông Papandreou đã hủy bỏ luật trên và bất ngờ tiến hành thủ tục ly dị với người vợ Margaret của mình vào năm 1989 sau 38 năm chung sống với bà này. Ngay sau đó, vị Thủ tướng Hy Lạp đã tái hôn với người tình của mình - Dimitra Liani – một nữ tiếp viên trẻ hơn ông 30 tuổi.
Ông Andreas Papandreou và người tình |
6. Tổng thống Peru Alberto Fujimori
Chưa có vụ ly hôn nào của các nguyên thủ quốc gia lại rắc rối như vụ ly hôn của Tổng thống Peru Alberto Fujimori. Ông này và vợ Susana Higuchi đã đệ đơn lên tòa xin ly dị vào năm 1995 sau khi bà Higuchi cáo buộc gia đình chồng tham nhũng còn ông Fujmori “tố” vợ “không chung thủy và dọa dẫm”. Cuộc chiến công khai giữa vợ chồng Tổng thống Fujimori có cả màn ông này không cho vợ vào dinh tổng thống và nói với báo chí rằng, ông đang tìm kiếm một người vợ mới “thông minh và có đôi chân đẹp”. Năm 2006, ông Fujimori tái hôn trong nhà tù ở Chile - nơi ông bị giam giữ vì các cáo buộc tham nhũng.
Ông Alberto Fujimori và vợ đã có cuộc "chiến" căng thẳng trước khi ly hôn |
7. Tổng thống Tunisia Habib Bourguiba
Nhà sáng lập và cũng là Tổng thống đầu tiên của nước CH Tunisia – ông Habib Bourguiba đã cưới người vợ thứ hai - bà Wassila Ben Ammar vào năm 1961. Ông Bourguiba vẫn nắm quyền lãnh đạo Tunisia vào năm 1986 khi ông này ly dị và trục xuất vợ mình. Trong một tuyên bố được phát đi sau đó, Tổng thống Bourguiba đã nói rằng, ông ly dị vợ vì bà này vi phạm hiến pháp khi đưa ra các tuyên bố chính trị mà không nhận được sự cho phép của ông.
8. Tổng thống Áo Thomas Klestil
Cố Tổng thống Áo Thomas Klestil cưới bà Edith năm 1967 khi cả hai chỉ mới 17 tuổi. Hai năm sau khi lên cầm quyền, ông Klestil đã thông báo, ông này có mối quan hệ tình cảm ngoài luồng với một người phụ nữ trẻ hơn. Bà Edith rời bỏ chồng và hai người chính thức ly dị vào năm 1998. Chẳng bao lâu sau đó, ông Klestil đã làm đám cưới với người tình của mình. Khi ông Klestil qua đời trong khi còn đang tại vị năm 2004, cả hai người phụ nữ trên đều tham dự lễ tang của ông.
9. Tổng thống Guatemala Alvaro Colom
Ông Alvaro Colom được cho là đã có cuộc ly hôn giả với vợ để mở đường cho vợ lên làm tổng thống |
Tổng thống duy nhất bị cáo buộc ly hôn giả cho đến thời điểm này là ông Alvaro Colom. Vị Tổng thống Guatemala này đã ly dị vợ - bà Sandra Torres hồi tháng 3 năm 2011. Khi đó, các đối thủ của ông gọi đó là “một thủ đoạn chính trị bẩn thỉu” nhằm tránh một dự luật trong đó quy định người thân của Tổng thống không được tham gia tranh cử. Ông Colom được cho là đã ly dị để mở đường cho vợ tham gia tranh cử chức tổng thống Guetamala. Bất chấp việc ly dị, vợ ông Colom sau đó vẫn bị tòa án ra phán quyết vi phạm hiến pháp khi tìm cách kế nhiệm chồng. Kết quả là người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm đó là ông Otto Perez Molina.
Ý kiến bạn đọc