Nghị sĩ Mỹ trình nghị quyết: Dùng vũ lực, Trung Quốc gây nguy hiểm trên biển

09:03, 13/06/2013
|

(VnMedia) - Các thượng nghị sĩ Mỹ mới đây đã trình một nghị quyết, trong đó lên án việc Trung Quốc sử dụng những lời đe dọa và vũ lực trong tranh chấp với các nước ở Biển Đông và biển Hoa Đông, gây ra một loạt vụ việc nguy hiểm.
 

 Ảnh minh họa

 Trung Quốc thường xuyên kéo số lượng tàu thuyền lớn đến các vùng tranh chấp để uy hiếp, dọa dẫm các nước khác.


Nghị quyết 167 được Thượng nghị sĩ Robert Menedrez thuộc Đảng Dân chủ, bang New Jersey và Thượng nghị sĩ Marco Antonio Rubio thuộc Đảng Cộng hòa, bang Maryland trình lên hôm thứ Hai đầu tuần (10/6), kêu gọi các nước có tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông soạn thảo và thông qua một bộ quy tắc ứng xử để tránh xảy ra những cuộc xung đột trong khu vực.
 
Ông Menendez là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, còn ông Rubio đang được xem là ứng cử viên tiềm năng của Đảng Cộng hòa cho chức vụ này trong cuộc bầu cử vào năm 2016.
 
Nghị quyết của hai thượng nghị sĩ Mỹ đưa ra dẫn chứng về nhiều vụ việc nguy hiểm có liên quan đến các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trong đó có vụ tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Việt Nam hồi tháng 5 năm 2011; tàu thuyền Trung Quốc dựng rào chắn ngăn cản tàu Philippines vào bãi cạn Scarborough hồi tháng 4 năm 2012; Trung Quốc công bố bản đồ trong đó có đường 9 đoạn phi lý, và từ ngày 8/5, tàu hải quân và hải giám Trung Quốc duy trì sự hiện diện thường xuyên ở bãi cạn Second Thomas. Bãi cạn này là một nhóm đảo và rạn san hô nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện do Philippines chiếm đóng.
 
Nghị quyết của các thượng nghị sĩ Mỹ cũng dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc hồi năm ngoái đã ngang nhiên nâng cấp đơn vị hành chính ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”, thậm chí còn trắng trợn đưa quân đến đồn trú trong khu vực vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam này.
 
Nghị quyết trên cũng cho biết thêm, hồi tháng 1 đầu năm nay, một tàu hải quân Trung Quốc thậm chí đã chĩa radar tên lửa vào một tàu của Nhật Bản ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Và mới đây, hồi tháng 4, Trung Quốc lần đầu tiên đưa số lượng tàu hải giám lớn nhất vào vùng lãnh hải trong phạm vi 12 hải lý so với quần đảo tranh chấp với Nhật Bản, đẩy tình hình thêm căng thẳng.
 
Theo hai Thượng nghị sĩ Menendez và Rubio, Bắc Kinh gần đây đã tiến hành nhiều bước đi đơn phương, trong đó có việc tuyên bố quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là “lợi ích cốt lõi”, “vẽ đường cơ sở phi lý” xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và duy trì sự hiện diện quân sự thường xuyên ở quần đảo tranh chấp đang nằm trong sự quản lý của Nhật Bản này.
 
Nghị quyết do ông Menedez và Rubio trình lên yêu cầu Thượng viện Mỹ lên án “việc sử dụng những lời đe dọa, ép buộc hay sử dụng vũ lực bằng lực lượng hải quân, an ninh hàng hải hoặc các tàu đánh cá, máy bay dân sự ở Biển Đông và biển Hoa Đông để đòi hỏi chủ quyền ở những vùng tranh chấp hoặc thay đổi sự nguyên trạng”.
 
Nghị quyết kêu gọi tất cả các bên có liên quan đến các cuộc tranh chấp phải kiềm chế để ngăn chặn bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang căng thẳng.
 
Hai nghị sĩ Mỹ đã một lần nữa nhấn mạnh, Mỹ có lợi ích trong việc bảo đảm tự do hàng hải và tự do hàng không ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, kêu gọi các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc phát triển một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
 
Nghị quyết còn nói rằng, các bên có tranh chấp ở Biển Đông nên giải quyết tranh chấp thông qua những tiến trình tuân theo luật quốc tế như biện pháp đưa ra giải quyết tại tòa án quốc tế. Thượng nghị sĩ Menedez và Rubio đều ủng hộ việc Lực lượng Vũ trang Mỹ liên minh với các nước khác trong khu vực để bảo đảm hòa bình.
 
Trước khi hai Thượng nghị sĩ Menezez và Rubio trình nghị quyết phản đối việc Trung Quốc dùng vũ lực ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Đô đốc Samuel Locklear - người đứng đầu Bộ Chỉ huy Mỹ ở Thái Bình Dương hồi tuần trước cũng đã lên tiếng khẳng định, Washington sẽ phản đối bất kỳ nước nào có ý định dùng vũ lực để giành quyền kiểm soát các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Theo ông này, các nước có tranh chấp cần phải tìm kiếm sự thoả hiệp để giải quyết cuộc tranh chấp ở khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên.
 
"Chúng tôi sẽ phản đối bất kỳ động thái dùng vũ lực nào của bất kỳ ai nhằm tìm cách phá vỡ sự nguyên trạng đang có. Chúng ta cần phải duy trì thế nguyên trạng hiện nay cho đến khi chúng ta thiết lập được một bộ quy tắc ứng xử hoặc tìm được một giải pháp hoà bình mà các bên đều có thể chấp nhận được”, Đô đốc Locklear nhấn mạnh.
 
Bất chấp những phát biểu bày tỏ sự phản đối đối với những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ được cho là vẫn làm cho các đồng minh như Philippines và Nhật Bản thất vọng. Giới quan chức và phân tích ngày càng đưa ra nhiều nhận định cho rằng, Mỹ sẽ không hy sinh lợi ích trong mối quan hệ thương mại của mình với Trung Quốc để bảo vệ đồng minh.

Gần đây, một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng, Mỹ phản ứng yếu ớt trước các bước đi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Điều đó đã khuyến khích Bắc Kinh thêm mạnh bạo trong các hành động của mình.


Kiệt Linh - (theo abs-cbnnews)

Ý kiến bạn đọc