Nga - Mỹ không thể có tiếng nói chung về vấn đề Syria

07:32, 27/06/2013
|

(VnMedia) - Cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Nga, Mỹ trong cuộc khủng hoảng ở Syria dường như không có hồi kết. Các cuộc đàm phán diễn ra ngày hôm 25/6 giữa hai nước này về việc tổ chức một hội nghị hòa bình Syria đã chẳng đem lại kết quả gì. Moscow và Washington không thể tìm được tiếng nói chung về thời gian diễn ra hội nghị cũng như thành phần tham dự.

 Ảnh minh họa

 Cuộc gặp mới nhất giữa đại diện Nga, Mỹ về vấn đề Syria đã kết thúc mà không đem lại kết quả gì.


Mỹ và Nga đã thông báo kế hoạch tổ chức hội nghị hòa bình Syria từ hồi tháng trước nhưng quan hệ giữa hai nước từ đó đã trở nên xấu đi nhanh chóng vì thế trận trên chiến trường Syria đang nghiêng về phía chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
 
Washington vừa mới đây đã quyết định cung cấp viện trợ quân sự cho phe nổi dậy chống Tổng thống Assad trong khi Moscow từ chối ngừng ủng hộ cho Nhà lãnh đạo Syria đang được họ tiếp tục cung cấp vũ khí.
 
Sau 5 giờ diễn ra các cuộc đàm phán ở Geneva dưới sự dẫn dắt của Liên Hợp Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Nga - ông Gennady Gatilov cho biết, nước này vẫn chưa thể thỏa thuận được với Mỹ về việc liệu có mời Iran - đồng minh của ông Assad, đến tham dự hội nghị hòa bình sắp tới hay không và rằng ai sẽ là đại diện của phe đối lập Syria.
 
Mỹ và các cường quốc phương Tây đã tham gia vào nhóm các nước Ả-rập và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe nổi dậy Syria với thành phần chủ yếu là người Hồi giáo dòng Sunni. Nga và Iran ủng hộ Tổng thống Assad. Quân của ông Assad trong những tuần gần đây liên tục giành chiến thắng trên chiến trường nhờ vào sự giúp đỡ của hàng nghìn chiến binh đến từ nhóm Hezbollah ở Li-băng.
 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov sẽ có cuộc gặp vào tuần tới và tiếp theo đó sẽ có thêm nhiều cuộc đàm phán về hội nghị hòa bình Syria, một tuyên bố của Liên Hợp Quốc cho biết. Nhiều người đang đặt hy vọng vào cuộc gặp giữa ông Kerry và ông Lavrov nhưng với mâu thuẫn sâu sắc tồn tại giữa Nga và Mỹ trong cách thức xử lý vấn đề Syria, cơ hội để sớm tổ chức một hội nghị hòa bình không nhiều. Một quan chức Liên Hợp Quốc mới đây đã bày tỏ sự hoài nghi về việc Nga, Mỹ có thể xúc tiến việc tổ chức hội nghị hòa bình Syria trong tháng 7.
 
Ở thủ đô Damascus lúc này, lực lượng trung thành với Nhà lãnh đạo Assad dưới sự hậu thuẫn của các cuộc không kích đã nã đạn súng cối và đạn pháo liên tiếp vào Zamalka và Irbin, ngay phía đông của trung tâm thành phố - nơi chính phủ đang kiểm soát, các nhà hoạt động đối lập cho biết.
 
Phe nổi dậy Syria cắm chốt ở một số khu vực mà họ chiếm được ở thủ đô Damascus cách đây gần một năm cho biết, họ đang phải đối mặt với những bước tiến quân mạnh mẽ của quân ông Assad.
 
Nếu các chiến binh nổi dậy bị đánh đuổi khỏi các khu vực ngoại ô phía đông thủ đô Damascus, lực lượng này sẽ mất đi các tuyến đường cung cấp hậu cần và sẽ hứng thêm một đòn giáng nặng nề trong nỗ lực nhằm lật đổ Tổng thống Assad.
 
Mỹ quay sang chỉ trích Liên Hợp Quốc
 
Trong khi loay hoay tìm cách xử lý cuộc khủng hoảng ở Syria, Mỹ cũng đã tìm cách đổ lỗi cho Liên Hợp Quốc vì thiếu hành động ở đất nước Trung Đông này.
 
Trong bài phát biểu cuối cùng trước khi từ bỏ vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc để trở về làm cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Barack Obama, bà Susan Rice đã gọi sự thiếu hành động của Liên Hợp Quốc trong cuộc nội chiến ở Syria là “một vết nhơ” đối với tổ chức quốc tế này.
 
Bà Rice miêu tả thời gian bà làm việc tại Liên Hợp Quốc là “một giai đoạn đáng nhớ” nhưng cho biết, điều bà cảm thấy hối tiếc nhiều hơn là không làm được việc gì để ngăn chặn tình trạng đổ máu ở Syria.
 
"Tôi đặc biệt cảm thấy tiếc khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không đưa ra được hành động kiên quyết nào khi mà có tới hơn 90.000 người Syria bị giết hại và hàng triệu trường mất nhà cửa”, bà Rice cho biết.
 
Theo bà này, "sự thiếu hành động của Hội đồng Bảo an trong tình hình ở Syria là một điều đáng xẩu hổ và lịch sử sẽ phán xét nghiêm khắc điều đó”.
 
Bà Rice cho rằng, mọi người không nên đổ lỗi thất bại của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là do Mỹ. “Tôi không biết là làm thế nào mà trong bất kỳ tình huống gì, người ta cũng có thể quy cái lỗi đó là do sự thất bại trong chính sách của Mỹ hay do giới lãnh đạo Mỹ”.
 
Bà Rice cũng không quên chỉ trích Nga và Trung Quốc về việc đã 3 lần dùng quyền phủ quyết bác bỏ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an nhằm gây thêm áp lực đối với Tổng thống Assad.
 
Moscow cho rằng, những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chẳng khác nào việc đứng lên ủng hộ một bên trong cuộc nội chiến. Theo Nga và Trung Quốc, việc chỉ trích một bên trong cuộc nội chiến là điều không thể chấp nhận.
 
Cuộc khủng hoảng ở Syria chứng kiến mâu thuẫn sâu sắc giữa hai phe cường quốc với một bên là Nga-Trung và bên kia là Mỹ và phương Tây. Trong khi phương Tây muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad thì Moscow đã công khai phản đối nỗ lực này. Nga tuyên bố sẽ không để Syria biến thành Libya thứ hai.
 
Cả Nga và Mỹ đều “tố” nhau có mục đích, ý đồ riêng trong vấn đề Syria. Washington cho rằng, Nga muốn bảo vệ chính quyền Syria để giữ “căn cứ” duy nhất của họ còn lại ở khu vực Trung Đông. Đáp lại, Moscow cáo buộc, Mỹ đang muốn phá đổ chính quyền của Tổng thống Assad để dựng lên một chính quyền mới phục vụ lợi ích cho họ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc