Mỹ quyết nhảy vào “cuộc chiến” ở Biển Đông?

06:35, 27/06/2013
|

(VnMedia) - Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông chắc chắn sẽ được đặt lên bàn thảo luận vào cuối tuần này khi Bộ trưởng của các nước thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có cuộc họp với các đối tác ở Brunei.

 

 Ảnh minh họa

 Mỹ thường xuyên đưa các tàu chiến hàng đầu vào Biển Đông và tổ chức các cuộc tập trận chung với đồng minh trong khu vực.


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được cho là sẽ đến tham dự cuộc họp thường niên nói trên. Đây là bằng chứng thêm nữa cho thấy Washington thực sự đang đặt trọng tâm vào khu vực Châu Á với ánh mắt lo ngại hướng về sự nổi lên của Trung Quốc.

 

Ông Kerry có thể sẽ thúc đẩy việc đưa ra một cam kết chung về nguyên tắc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông – một tuyến đường giao thương chiến lược có tính sống còn đối với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Đông Nam Á.

 

"Cuộc tranh chấp ở Biển Đông không còn là một cuộc tranh chấp đơn thuần giữa Trung Quốc và ASEAN. Do các tuyến đường biển trên khắp Biển Đông mà khu vực này ngày càng thu hút sự quan tâm, chú ý của các cường quốc lớn, đặc biệt là Mỹ”, ông Ralf Emmers – một giáo sư thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore, đã nhận định như vậy tại một hội thảo diễn ra gần đây ở thủ đô Bangkok, Thái Lan

 

ASEAN đã tìm cách để kiềm chế, kiểm soát và xử lý các cuộc tranh chấp ở Biển Đông trong suốt hai thập kỷ qua nhưng dường như chưa thành công. Thay vào đó, tình hình tranh chấp ở đây mỗi lúc một leo thang nghiêm trọng và nguy hiểm hơn. Ví dụ như mới đây, hôm 9/5, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đã bắn chết một ngư dân của Vùng lãnh thổ Đài Loan ở khu vực tranh chấp thuộc Biển Đông.

 

"Đáng buồn là thảm kịch kiểu đó không phải lần đầu tiên xảy ra ở Biển Đông và có thể cũng không phải là cuối cùng”, ông Ian Storey – một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore , cho biết.

 

Căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông leo thang từ năm 2009 khi Philippines ban hành một dự luật khẳng định chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough khiến Trung Quốc nổi giận. Tháng 3 cùng năm đó đã xảy ra một cuộc đụng độ trên biển giữa một tàu ngầm của Mỹ đang thực hiện hoạt động do thám trong khu vực và 5 tàu thuyền Trung Quốc.

 

Hồi tháng 4 năm ngoái, Trung Quốc và Philippines đã có cuộc đối đầu nảy lửa giữa một bên là tàu chiến lớn nhất của Philippines và bên kia là hai tàu hải giám Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough. Ngày 22/1 đầu năm nay, Manila quyết định đưa vụ tranh chấp với Bắc Kinh ở Biển Đông ra tòa án quốc tế giải quyết theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

 

Trung Quốc tuyên bố, hành động của Philippines là “sai lầm” và vụ kiện chứa đựng những lời “cáo buộc sai trái”, vi phạm Tuyên bố về Cách ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002. Tuy vậy, Philippines vẫn tích cực đẩy mạnh tiến trình đưa vụ kiện ra tòa án quốc tế.

 

Khó có bước đột phá trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

 

Trong số 10 thành viên ASEAN có tới 4 nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Đó là Brunei , Malaysia , Philippines và Việt Nam .

 

"Chừng nào hành động của các diễn viên chính trên Biển Đông còn bị thúc đẩy, khích động bởi những ngôn từ mang tính chủ nghĩa dân tộc và chừng nào các bên không chịu thỏa hiệp trong việc đòi chủ quyền cũng như tiếp tục tranh giành với nhau nguồn lực biển thì triển vọng sớm đảo ngược xu hướng leo thang căng thẳng hiện nay là rất mờ nhạt”, ông Storey cho biết.

 

Theo Bộ Tài nguyên và Đất đai của Trung Quốc, khu vực tranh chấp ở Biển Đông được cho là đang chứa tới 30 tỉ tấn dầu và 20 nghìn tỉ mét khối khí đốt tự nhiên.

 

Bắc Kinh luôn khăng khăng đòi giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông với các nước láng giềng trên cơ sở song phương và vì vậy, nước này đến nay vẫn từ chối đàm phán với ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông. Bắc Kinh còn lý luận rằng, thậm chí đến DOC còn chưa được tôn trọng.

 

Trung Quốc sẽ không chấp nhận một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông hay Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông như là giải pháp cuối cùng “dù cho chúng có chứa nội dung gì”, ông Su Xiao-hui, Phó Giám đốc Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cho biết.

 

"Chúng tôi tin rằng, Mỹ đóng vai trò tiêu cực ở Biển Đông. Chúng tôi đã nhìn thấy dấu hiệu quốc tế hóa ở Biển Đông. Chúng tôi muốn ngăn chặn xu hướng này và đàm phán trực tiếp với từng nước có tranh chấp”, ông Su đã phát biểu như vậy tại hội thảo ở Bangkok .

 

Trung Quốc luôn bác bỏ quyết liệt khả năng quốc tế hóa các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, chỉ muốn giải quyết trên cơ sở song phương bởi với tư cách là nước lớn, Bắc Kinh sẽ dễ bề chiếm ưu thế, gây áp lực với các nước nhỏ hơn.

 

Với lập trường trên của Bắc Kinh, không ai mong chờ sẽ có một bước đột phá trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN ở Brunei sắp tới.

 

Đáng lo ngại hơn cho ASEAN là khả năng Mỹ, Trung Quốc có thể sử dụng cuộc họp ở Brunei để gây sóng gió trong khu vực. Đó chắc chắn là ác mộng đối với các nước Đông Nam Á”, ông Emmers cho biết.

 

"Khi mà sự canh trạnh giữa hai cường quốc ngày càng tăng lên ở Biển Đông thì các nước ASEAN càng bị đẩy vào tình thế buộc phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ. Điều này có thể sẽ làm giảm sự đoàn kết, tập trung và tính trung lập của tổ chức ASEAN”, ông Emmers nói thêm.


Kiệt Linh - (theo Rappler)

Ý kiến bạn đọc