(VnMedia) - Hải quân hai nước Mỹ và Philippines sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung vào tuần tới ở vùng lãnh hải gần bãi cạn Scarborough thuộc Biển Đông. Đây là nơi diễn ra cuộc tranh chấp quyết liệt giữa Trung Quốc và Philippines. Manila khẳng định bãi cạn Scarborough thuộc chủ quyền của nước này nhưng hiện giờ tàu thuyền Trung Quốc đang chiếm đóng ở đây.
(Ảnh minh họa) |
“Các cuộc diễn tập hải quân của chúng tôi trong tuần tới sẽ diễn ra ở khu vực chỉ cách bãi cạn Panatag (Scarborough) khoảng 20 hải lý”, một quan chức an ninh cấp cao giấu tên của Philippines hôm qua (19/6) cho biết.
Hải quân Philippines sẽ cử tàu chiến lớn nhất của mình là tàu BRP Gregorio del Pilar cùng với các tàu nhỏ hơn đến tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Mỹ. Cuộc tập trận này được đặt tên là Huấn luyện Sẵn sàng Hợp tác trên biển (CARAT). Ngoài các tàu chiến của Hải quân, cuộc tập trận CARAT còn có sự tham dự của các tàu thuyền đến từ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines. Cuộc tập trận lần này diễn ra từ ngày 27/6 đến 2/7.
Lực lượng Mỹ và Philippines sẽ thực hiện các bài tập đổ bộ cũng như các hoạt động cứu trợ nhân đạo trên biển.
Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km. Bãi cạn này là nơi chứng kiến cuộc đối đầu vô cùng căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc được châm ngòi từ một cuộc va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám Trung Quốc hồi tháng 4 năm ngoái.
Sau vụ va chạm trên, hai nước Philippines và Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Trong suốt thời gian hơn một năm qua, tàu Trung Quốc nhất quyết không chịu rút khỏi bãi cạn Scarborough bất chấp nước này có thỏa thuận với Philippines về việc rút toàn bộ tàu thuyền hai bên ra khỏi khu vực sau cuộc đối đầu căng thẳng nói trên. Vì vậy, trên thực tế, Trung Quốc đang giành quyền kiểm soát trên thực tế khu vực bãi cạn Scarborough. Tàu thuyền Philippine đã tạm thời rút khỏi khu vực với mục đích được tuyên bố là tránh để tình hình leo thang.
Philippines thắt chặt quan hệ với Mỹ, Nhật
Trước cuộc tập trận CARAT ở Biển Đông, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus hôm qua đã có cuộc gặp với các quan chức quân sự cấp cao của Philippines ở Trại Aguinaldo do Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin dẫn đầu.
Cuộc họp trên được cho là tập trung vào các vấn đề an ninh trong khu vực và vào mối quan hệ quân sự, quốc phòng giữa Mỹ với Philippines. Ông Mabus đã hội đàm với các quan chức Philippines trong gần một giờ đồng hồ.
Sau cuộc gặp trên, Bộ trưởng Mabus đã từ chối trả lời phỏng vấn báo chí về những nội dung mà ông này thảo luận với giới quan chức Philippines.
Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Philippines cho biết, chuyến thăm kéo dài 3 ngày của Bộ trưởng Hải quân Mabus phản ánh việc Mỹ coi trọng như thế nào mối quan hệ lâu dài và bền vững với Philippines.
“Khi chúng tôi thực hiện chính sách tái cân bằng lực lượng trong khu vực, quan hệ liên minh với Philippines chưa bao giờ quan trọng hơn hiện tại. Tôi mong chờ khai thác thêm nhiều cơ hội để hợp tác với Lực lượng Vũ trang Philippines nhằm tăng cường hơn nữa năng lực hàng hải đồng thời củng cố an ninh và sự ổn định trong khu vực”, Đại sứ quán Mỹ dẫn lời ông Mabus cho biết.
Khi được hỏi liệu Mỹ có thảo luận với Philippines về vấn đề tranh chấp biển giữa Trung Quốc với các nước và liệu Mỹ có sẵn sàng trợ giúp Philippines trong một cuộc đối đầu với Trung Quốc hay không, Đại sứ Mỹ tại Philippines – ông Harry Thomas đã trả lời, ông này không bình luận về những kịch bản mang tính “giả thuyết” như vậy.
“Chúng tôi muốn bảo đảm tự do hàng hải, không có sự dọa dẫm, ép buộc cũng như bảo đảm những tuyến đường hàng hải luôn được rộng mở. Và điều quan trọng đối với tất cả chúng ta là chúng ta cần phải tuân thủ quy tắc ứng xử”, ông Thomas nói thêm.
“Chúng tôi đã thảo luận về những vấn đề đó. Như chúng tôi đã nói, chúng tôi luôn luôn tuân thủ những cam kết được đưa ra trong hiệp ước. Câu hỏi của các bạn mang tính giả thuyết và tôi nghĩ không ai muốn chiến tranh. Chúng ta đều muốn hòa bình”, Đại sứ Thomas cho hay.
Ngoài cuộc gặp với các quan chức Mỹ, giới lãnh đạo Philippines còn có cuộc gặp với các quan chức Nhật Bản để lên kế hoạch phối hợp hành động chung nhằm đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết liệt trong tranh chấp ở Biển Đông cũng như ở các vùng biển khác.
Trước đó, hôm 14/6, có tin Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori onodera đang hoàn tất những chuẩn bị cuối cùng cho chuyến thăm đến Philippines vào cuối tháng này và Mỹ vào tháng sau nhằm tìm kiếm biện pháp thắt chặt “vòng kim cô” kiểm soát Trung Quốc.
Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp nhau quyết liệt chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc biển Hoa Đông. Trong khi đó, ở Biển Đông, Trung Quốc đang đối đầu căng thẳng với Philippines và một số quốc gia Đông Nam Á khác vì tranh chấp chủ quyền đối với một số đảo, quần đảo, bãi cạn và bãi đá. Mỹ là đồng minh của cả Nhật Bản và Philippines. Gần đây, 3 nước này có nhiều bước đi, động thái được cho là nhằm lập ra liên minh chống Trung Quốc.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc