Mỹ, Anh ép Nga "buông" Syria?

18:11, 15/06/2013
|

(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron được cho là sẽ cùng một số đồng minh khác tìm cách gây sức ép buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin quay lưng lại với đồng minh Bashar al-Assad trong cuộc họp thượng đỉnh G-8 sắp tới.
 

 Ảnh minh họa

 Phe nổi dậy đang vui mừng vì được Mỹ cung cấp vũ khí.


Động thái trên được đưa ra sau khi cả Mỹ và Anh đều lên tiếng khẳng định chắc chắn rằng quân đội trung thành với Tổng thống Assad đã nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học, trong đó có chất sarin gây tê liệt thần kinh, trong cuộc nội chiến ở Syria dù ở trên quy mô nhỏ.
 
Theo tờ Daily Mail của Anh, Tổng thống Obama và Thủ tướng Cameron được cho là sẽ cảnh báo Tổng thống Putin rằng, họ đã chuẩn bị sẵn sàng để can thiệp quân sự vào Syria trừ khi ông chủ điện Kremlin ngừng ủng hộ cho chính quyền của Tổng thống Assad.
 
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italia Enrico Letta cũng sẽ phối hợp hành động với hai nhà lãnh đạo Anh, Mỹ trong “cuộc chiến” gây sức ép với Tổng thống Putin – đồng minh lớn của ông Assad.
 
Trong một phát biểu ám chỉ rõ ràng đến Nga, một nguồn tin từ Anh cho biết: “Áp lực sẽ được đặt lên không chỉ Tổng thống Assad”.
 
Hai nhà lãnh đạo Obama và Cameron đã thỏa thuận với nhau về chiến lược gây sức ép với ông Putin trong cuộc điện đàm diễn ra tối ngày 13/6. Anh và Pháp sẽ phối hợp hành động cùng với các đồng minh khác trong cuộc họp thượng đỉnh G-8 diễn ra ở Bắc Ireland vào tuần tới.
 
Một nguồn tin từ Nhà Trắng hôm qua (14/6) cũng tiết lộ, Tổng thống Obama sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Putin vào thứ Hai (17/6) và trong cuộc gặp này, ông Obama sẽ tìm cách thuyết phục ông chủ điện Kremlin rằng, việc ông này ủng hộ lật đổ Tổng thống Assad là vì lợi ích của cả Nga.
 
“Nga cũng có lợi ích khi tham gia cùng chúng tôi trong việc gây sức ép buộc Tổng thống Assad ngồi vào bàn đàm  phán theo cách ông này sẵn sàng từ bỏ quyền lực và vị thế ở Syria”, phó cố vấn an ninh của Tổng thống Obama – ông Ben Rhodes cho biết.
 
Theo lời ông Rhodes, ông chủ Nhà Trắng sẽ đưa ra những lập luận “dựa trên lợi ích” để thuyết phục người đồng cấp Putin về vấn đề Syria trong cuộc gặp tuần tới. Tổng thống Obama sẽ nói với người Nga rằng “họ có thể bảo vệ tốt nhất cho lợi ích của mình bằng cách trở thành một phần trong giải pháp chính trị thực tế, giúp tạo ra một quá trình chuyển tiếp từ chính quyền của ông Assad”.
 
Cố vấn an ninh Rhodes cho biết thêm, “không ai có ảo tưởng rằng” cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Obama và Putin về cuộc xung đột ở Syria sẽ diễn ra dễ dàng.
 
“Điều mà Nga khẳng định công khai với chúng tôi là họ không muốn chứng kiến tình hình đi theo vòng xoáy trôn ốc theo hướng đi xuống, họ không muốn chứng kiến sự bất ổn và hỗn loạn trong khu vực, họ không muốn thấy những phần tử cực đoan giành được một vị trí ở Syria”, ông Rhodes cho biết.

Phương Tây do Mỹ dẫn đầu vẫn mâu thuẫn sâu sắc với Nga trong vấn đề xử lý cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài hơn hai năm qua ở đất nước Syria.

Mâu thuẫn khó gạt bỏ

Sở dĩ nói Tổng thống Obam và đồng minh sẽ khó lòng thuyết phục Moscow thay đổi lập trường trong vấn đề Syria bởi giữa hai bên có cách nhìn nhận vấn đề khác nhau ngay từ khi cuộc nội chiến ở đất nước này bùng lên hồi tháng 3 năm 2011.

Cuộc khủng hoảng ở Syria chứng kiến mâu thuẫn sâu sắc giữa hai phe cường quốc với một bên là Nga-Trung và bên kia là Mỹ và phương Tây. Trong khi phương Tây muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad thì Moscow đã công khai phản đối nỗ lực này. Nga tuyên bố sẽ không để Syria biến thành Libya thứ hai.

Cả Nga và Mỹ đều “tố” nhau có mục đích, ý đồ riêng trong vấn đề Syria. Washington cho rằng, Nga muốn bảo vệ chính quyền Syria để giữ “căn cứ” duy nhất của họ còn lại ở khu vực Trung Đông. Đáp lại, Moscow cáo buộc, Mỹ đang muốn phá đổ chính quyền của Tổng thống Assad để dựng lên một chính quyền mới phục vụ lợi ích cho họ.

Xuất phát từ mâu thuẫn như trên, cả Nga và Mỹ đều không thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Syria. Điều này vẫn được thể hiện rất rõ trong diễn biến mới nhất về tình hình Syria. Tình báo Mỹ hôm 13/6 tuyên bố, họ tin chắc rằng quân của Tổng thống Assad đã nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến ở Syria.

Tuy nhiên, tuyên bố trên đã nhanh chóng vấp phải sự hoài nghi và chế nhạo của giới quan chức Nga.

“Người Mỹ đang cố gắng cung cấp cho chúng tôi những thông tin về việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học. Nhưng tôi phải nói thẳng rằng những thứ mà người Mỹ cung cấp cho chúng tôi chẳng có chút gì là thuyết phục. Thậm chí những thứ đó còn khó được gọi là sự thực”, cố vấn cấp cao của điện Kremlin – ông Yury Ushakov hôm qua đã nói như vậy.

Mạnh mẽ hơn, ông Alexei Pushkov – người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nga, còn bác bỏ ngay lập tức những đánh giá của Mỹ về việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học, gọi đó là những thông tin “bịa đặt”.
 
Tuy nhiên, dựa trên lý do chính quyền của ông Assad đã bước qua “lằn ranh đỏ” về vấn đề vũ khí hóa học, Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp “sự giúp đỡ trực tiếp về mặt quân sự” cho phe nổi dậy Syria. Cụ thể là Mỹ sẽ cung cấp vũ khí cho lực lượng này. Washington cũng đang xem xét khả năng áp đặt vùng cấm bay ở khu vực biên giới phía nam giữa Syria và Jordan để bảo vệ dân thường và phe nổi dậy trước những cuộc tấn công mạnh mẽ của quân chính phủ.
 
Thủ tướng Anh hôm 13/6 cho biết, ông chưa đưa ra quyết định gì về việc có cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria hay không.
 
Tuy nhiên, giới chức tình báo cảnh báo ông Cameron rằng, Anh có thể sẽ phải gánh chịu những mất mát “cao không thể chấp nhận được” khi thực hiện các cuộc không kích nhằm áp đặt vùng cấm bay ở Syria bởi Tổng thống Assad sở hữu trong tay các hệ thống phòng không tinh vi do Nga và Iran cung cấp.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc