Khó có cái bắt tay xuyên Đại Tây Dương?

11:10, 20/06/2013
|

Ngày 17/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các quan chức hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) có buổi họp báo công bố bắt đầu vòng đàm phán chính thức Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) vào ngày 8/7 tới tại Washington. 12 năm là một quá trình dài để thai nghén một ý tưởng, nhưng để ý tưởng thành hiện thực cũng còn một khoảng cách xa, đặc biệt là với nhiều khó khăn chất chồng phía trước.

Mỹ và EU đã có mối quan hệ thương mại lớn nhất thế giới, chiếm một nửa tổng sản lượng hàng hóa - dịch vụ toàn cầu và khoảng 30% kim ngạch thương mại thế giới. Theo Ủy ban châu Âu (EC), TTIP sẽ cộng thêm 0,5 - 1% GDP hàng năm cho mỗi bên, và tạo thêm 400.000 việc làm ở châu Âu. Đây là một tin tốt đối với châu Âu, hiện có tỷ lệ thất nghiệp trung bình 12,2%, trong đó một số nước ở đáy khủng hoảng như Hy Lạp thì tỷ lệ này lên tới gần 30%. Rất nhiều ngành kinh doanh được hưởng lợi từ TTIP. Ví dụ, nhờ xóa bỏ thuế và hệ thống hạn ngạch nhập khẩu, doanh thu của các hãng sản xuất xe hơi châu Âu tại thị trường Mỹ sẽ tăng mạnh. Các loại thuốc mới của Mỹ cũng không phải đi qua hệ thống cấp phép ngặt nghèo và tốn kém của châu Âu. Bên cạnh đó, TTIP cũng giúp EU giải quyết một vấn đề khá nhạy cảm là sự phụ thuộc vào nguồn cung khí gas từ Nga. Ngành công nghiệp khai thác khí đá phiến của Mỹ đang phát triển nhanh, tất yếu đi kèm với nhu cầu tìm kiếm thị trường. Theo Luật Khí thiên nhiên năm 1938, việc xuất khẩu khí thiên nhiên phải trải qua quá trình xem xét thông qua tương đối mất thời gian ở Bộ Năng lượng. Thủ tục này sẽ được đẩy nhanh đối với các đối tác thương mại tự do của Mỹ.

 

Với những lợi ích như trên, cả EU và Mỹ đều hy vọng có thể ký kết thỏa thuận này trong vòng 18 tháng, tức là trước khi Ủy ban châu Âu hiện tại hết nhiệm kỳ vào năm 2014. Đó quả là một mục tiêu đầy tham vọng. Đàm phán thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và Canada đã kéo dài suốt 4 năm qua. Giữa Mỹ và EU lại tồn tại quá nhiều vấn đề làm chùn bước cả những nhà đàm phán lạc quan nhất.

 

Một vấn đề mang tính truyền thống giữa EU và Mỹ là nông nghiệp. Mỹ đã cấm nhập khẩu thịt bò của châu Âu sau khi bệnh bò điên lây lan trên các đàn gia súc châu Âu. Đáp trả, EU cấm thịt bò tiêm hormone của Mỹ, bất chấp phán quyết có lợi cho Mỹ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nông dân Mỹ cáo buộc EU đưa ra những tiêu chuẩn an toàn thiếu cơ sở khoa học, khiến cho nhiều nông sản của Mỹ không thể thâm nhập thị trường châu Âu. Gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ: cả Mỹ và EU đều có hệ thống trợ giá cũng như ưu tiên nông sản nội địa. “Chỉ giới địa lý” cũng được dự báo là một vấn đề gây căng thẳng trên bàn đàm phán. Pháp luật châu Âu bảo vệ sự độc quyền mang tên nhiều loại nông sản tươi cũng như nông sản chế biến. Ví dụ như pho mát chỉ được phép mang tên Roquefort, nếu nó được làm từ sữa của một giống bò nhất định, và chế biến tại các hang động tự nhiên gần thị trấn Roquefort - sur - Soulzon của Pháp, nơi mọc loại nấm đặc thù giúp tạo nên hương vị đặc trưng của pho mát. Câu hỏi là EU sẽ làm thế nào đối với các loại nông sản có hương vị tương tự của Mỹ, chắc chắn không thể đáp ứng yêu cầu sản xuất ở châu Âu?

 

Việc chương trình thu thập thông tin người dùng internet của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (PRISM) bị tiết lộ đem đến khó khăn khác cho TTIP. Phát ngôn có phần hớ hênh của ông Obama rằng PRISM “chỉ áp dụng cho những người không phải công dân Mỹ” đã tạo ra làn sóng tẩy chay Mỹ ở châu Âu. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hầu như mọi loại giao dịch, đơn giản nhất như việc một tấm vé máy bay, đều gắn với yêu cầu người dùng công khai những thông tin nhạy cảm như địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử. PRISM đã nhắc cho EU nhớ về sự nghi ngại thường trực đối với các quy định bảo mật thông tin của các công ty như Google hay Facebook. Theo quan điểm của EU, để trở thành những đối tác bình đẳng, Mỹ cần phải mở rộng việc bảo mật thông tin cá nhân đang áp dụng cho công dân Mỹ và cả những công dân châu Âu. Mỹ cũng phải “nhập khẩu” các tiêu chuẩn bảo mật thông tin nghiêm khắc của châu Âu. Đây thực sự không phải những yêu cầu dễ dàng với Mỹ.

 

Một cản trở khác đến từ nội bộ EU. Chỉ vài ngày trước khi Mỹ và EU tuyên bố bắt đầu vòng đàm phán, Pháp tuyên bố sẽ cản trở đến cùng TTIP nếu ngành sản xuất điện ảnh và truyền hình không được loại ra khỏi phạm vi đàm phán. Điều kiện trên từng được Pháp đưa ra năm 1993, từng khiến vòng đàm phán Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), tiền thân của WTO, suýt rơi vào ngõ cụt. Được đặt tên là “ngoại lệ văn hóa”, điều kiện trên trở thành một tiền lệ đối với nhiều thỏa thuận thương mại tự do sau này. Trong bối cảnh hiện tại, Pháp có lý do thực tế để yêu cầu “ngoại lệ văn hóa” trong đàm phán TTIP. Cán cân doanh thu trong dịch vụ điện ảnh và truyền hình hiện nghiêng hẳn về phía Mỹ. Thặng dư thương mại của Mỹ ở châu Âu trong lĩnh vực này đạt trung bình 2 tỷ USD mỗi năm, trong suốt giai đoạn 2004 - 2011. Lĩnh vực dịch vụ qua internet và công nghệ kỹ thuật số lại hầu như nằm trọn trong tay các tập đoàn truyền thông Mỹ. Theo thỏa thuận EU đạt được với Mỹ, vòng đàm phán sắp tới sẽ không động đến lĩnh vực văn hóa. Điều đó có nghĩa là trong tương lai vấn đề này hoàn toàn có thể được khơi lại. Cần nhớ rằng, chỉ một thành viên phản đối, TTIP sẽ không thể được thông qua.

 

Còn khá nhiều vấn đề nhỏ khác nhưng cũng đáng để nhắc tới. Như cuộc chiến giữa 2 hãng máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu xung quanh cơ chế bảo hộ và trợ giá mà mỗi bên được hưởng; hệ thống tiêu chuẩn khí thải carbon của EU, vốn bị chính các doanh nghiệp ở châu Âu chỉ trích vì quá hà khắc; sự phản đối ngấm ngầm từ phía các đối tác khác của Mỹ và châu Âu, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều nước châu Phi. Khi các rào cản thuế được gỡ bỏ, hàng hóa từ những quốc gia này sẽ mất đi đáng kể ưu thế giá khi cạnh tranh với hàng hóa châu Âu hay Mỹ. Cuối cùng là những ý kiến hoài nghi trong chính châu Âu về hiệu quả và tác động của TTIP. Theo nghiên cứu của trung tâm Ifo của Đức, TTIP sẽ giúp tăng 13,4% thu nhập đầu người ở Mỹ trong dài hạn, tuy nhiên tỷ lệ này ở châu Âu chỉ là 5%. Thương mại giữa Eu và Mỹ dĩ nhiên sẽ tăng, tỷ lệ nghịch với thương mại nội bộ châu Âu. Về kinh tế thì đây không phải là vấn đề lớn, nhưng quan hệ kinh tế yếu đi đồng nghĩa với quan hệ chính trị lỏng lẻo hơn. Mà hiện tại, đang có nhiều điều đẩy các thành viên của EU ra xa nhau hơn.

 

“Nhưng nếu chúng ta có thể nhìn xa hơn những mối quan tâm trước mắt để tập trung vào bức tranh toàn cảnh - tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ Mỹ - EU, tôi tin tưởng chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận hợp tác toàn diện, vốn được cả thế giới trông đợi”, Tổng thống Obama phát biểu trong buổi họp báo. Các nhà lãnh đạo, các chính trị gia có thể quen với việc này, nhưng giới doanh nhân và người dân với gánh nặng cơm áo gạo tiền hàng ngày thì không hẳn.


ND

Ý kiến bạn đọc