Gót chân Achilles của Trung Quốc ở Biển Đông

07:59, 29/06/2013
|

(VnMedia) - Các học giả quan hệ quốc tế theo chủ nghĩa thực tế từ lâu đã tin rằng, khi đối mặt với một mối đe dọa an ninh, các quốc gia sẽ tìm cách đối phó với mối đe dọa đó bằng hai cách. Cách đầu tiên là thông qua việc cân bằng trong nước. Điều đó có nghĩa là họ sẽ tìm cách củng cố năng lực, sức mạnh nội tại của bản thân. Con đường này được ưa chuộng bởi theo những người của chủ nghĩa thực tế, việc đó sẽ giúp các nước không phải bắt buộc dựa vào thiện chí của đồng minh trong việc thực hiện cam kết và nó cũng không gây ra nguy cơ là các nước đó bị lôi vào cuộc chiến của các nước khác.
 

 Ảnh minh họa

 Mỹ, Nhật tập trận đổ bộ chiếm đảo gần đây. Cuộc tập trận này được xem là một lời cảnh báo đối với Trung Quốc.


Tuy nhiên, thường thì sự chênh lệch về sức mạnh giữa một quốc gia mới nổi với đối thủ đồng nghĩa với việc hoạt động cân bằng sức mạnh trong nước là chưa đủ để chống lại mối đe dọa an ninh mà họ phải đối mặt. Trong những hoàn cảnh như vậy, những người theo chủ nghĩa thực tế cho rằng, các nước sẽ tìm cách bắt tay liên kết với các bên thứ ba. Bên thứ ba này cũng xem quốc gia mạnh mà đối tác của họ đang lo đối phó là một mối đe dọa.
 
Mặc dù khoa học xã hội không hoàn toàn chính xác như khoa học tự nhiên nhưng Đông Á trong vài tháng qua phần lớn đã diễn biến theo con đường nói trên, đặc biệt là đối với Philippines và Nhật Bản – hai nước đang có cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải kéo dài và căng thẳng với Trung Quốc trong những năm gần đây.
 
Sau khi tranh chấp quyết liệt với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough  hồi năm ngoái, Philippines đã thông qua một kế hoạch hiện đại hóa quân sự trị giá 1,8 tỉ USD với phần lớn số tiền này được đầu tư cho trang bị, mua sắm vũ khí. Tương tự, sau khi lên cầm quyền hồi tháng 12 năm ngoái, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe riêng trong tháng 1 đã hai lần đề nghị tăng chi tiêu quốc phòng. Điều đáng chú ý là Tokyo đã không đề nghị tăng chi tiêu quốc phòng từ năm 2002.
 
Ông Abe cũng tìm cách củng cố lại sức mạnh của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, cho phép họ thực hiện một loạt chiến dịch mở rộng hơn rất nhiều so với trong quá khứ. Đặc biệt, ông Abe đã cổ súy mạnh mẽ cho một sự thay đổi theo đó cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đến trợ giúp cho các nước đồng minh dưới ngọn cờ phòng vệ.
 
Trục liên minh Mỹ-Nhật-Philippines: Hàng made in China

Nhưng rốt cuộc chẳng có nước nào có thể đơn phương cạnh tranh với sức mạnh quân sự với Trung Quốc trong tương lai xa. Điều này hoàn toàn đúng với Philippines trong bối cảnh GDP năm 2011 của Bắc Kinh lớn gấp 30 lần của Philippines. Không ngạc nhiên khi Manila quyết định ngoài việc củng cố sức mạnh quân sự còn tích cực thực hiện một chiến dịch tìm kiếm đồng minh để lôi kéo bất kỳ ai đứng về phía họ, từ ASEAN, Mỹ đến tòa án quốc tế, Nga và giờ là Nhật Bản.
 
Mặc dù hiện tại Nhật Bản có thể bảo vệ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trước quân đội Trung Quốc nhưng xu hướng lâu dài không có lợi cho họ. Chấp nhận thực tế này, Nhật Bản cũng thận trọng tìm cách củng cố quan hệ với gần như tất cả các nước, từ Đông Nam Á và Mỹ đến Nga, Vùng lãnh thổ Đài Loan, Ấn Độ và thậm chí là cả khu vực Trung Đông..
 
Cho đến gần đây, dù Nhật Bản đề cập đến việc cung cấp tàu tuần tra cho Philippines, Manila và Tokyo vẫn theo đuổi hai con đường riêng rẽ, song song với nhau trong cuộc tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ với Trung Quốc. Đây là việc đã kết thúc trong tuần này sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đến thăm Philippines.
 
"Chúng tôi đã nhất trí với nhau về việc tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực bảo vệ những quần đảo ở xa cũng như bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và các lợi ích hàng hải. Chúng tôi sẽ hợp tác với phía Philippines trong vấn đề này”, Bộ trưởng Quốc phòng o­nodera đã nói như vậy sau khi có cuộc gặp với người đồng cấp Philippines Voltair Gazmin.
 
Theo lời vị quan chức quân sự cấp cao hàng đầu Nhật Bản, nước ông cùng với Philippines đều phải đối mặt với “những mối quan ngại chung” khi Trung Quốc đụng độ với một loạt nước khác nhau vì tranh chấp chủ quyền ở những vùng lãnh hải chồng lấn. "Tôi cũng nói rằng, phía Nhật Bản cực kỳ quan ngại về tình hình hiện nay ở Biển Đông bởi điều đó có thể ảnh hưởng cả đến tình hình ở biển Hoa Đông”, ông o­nodera nói thêm.
 
Chuyến thăm của ông o­nodera trùng với thời điểm diễn ra cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines ở gần bãi cạn Scarborough thuộc Biển Đông. Cuộc tập trận này diễn ra ngay sau một cuộc tập trận khác giữa Mỹ và Nhật Bản. Điều thú vị là sau chuyến thăm của Bộ trưởng o­nodera, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gazmin đã thông báo về kế hoạch xây một căn cứ hải quân và không quân mới ở nơi từng là căn cứ của Mỹ ở Vịnh Subic và rằng Mỹ sẽ được tiếp cận với những căn cứ mới này. Ông Gazmin còn nói, Philippines mong các cường quốc khác đến căn cứ của họ, chỉ đích danh Nhật Bản là một cường quốc như vậy.
 
Rõ ràng, trục liên minh Mỹ-Nhật-Philippines là “hàng Trung Quốc”. Điều đó có nghĩa, chính những hành động của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp ở khu vực đã đẩy các nước tìm cách liên minh với nhau.
 
Dù Trung Quốc có mạnh thì nước này cũng không đủ sức để đánh bại được một liên minh đủ lớn giữa nhiều nước láng giềng khác nhau. Đây chính là gót chân Achilles của cường quốc số 1 khu vực Châu Á.
 
Trong 2, 3 năm qua, Bắc Kinh dường như đã bỏ quên chính sách chia để trị mà thay vào đó là làm leo thang căng thẳng với gần như tất cả các nước trong khu vực, thường là một cách không cần thiết. Một ví dụ dễ thấy nhất là việc Bắc Kinh hồi năm ngoái ban hành hộ chiếu có in hình bản đồ trong đó Trung Quốc đòi chủ quyền lãnh thổ từ vùng đất của Ấn Độ đến toàn bộ Biển Đông.
 
Kết quả là các nước láng giềng của Trung Quốc tăng cường hợp tác với nhau. Không may là giới lãnh đạo Trung Quốc dường như không nhận ra rằng các hành động của họ đã gây ra những thay đổi như thế nào bởi họ vẫn tin rằng đó là một phần của âm mưu lớn hơn của Mỹ.
 
Từ thời Bill Clinton, chính quyền Mỹ luôn phủ nhận chiến lược kiềm chế Trung Quốc bởi họ hiểu sẽ “khó có thể thuyết phục các nước khác tham gia vào liên minh kiềm chế Trung Quốc trừ khi Trung Quốc có những hành động dọa nạt các nước khác. Bằng một loạt hành vi của mình, Trung Quốc có thể khiến các nước khác tìm cách kiềm chế mình”. Nói cách khác, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang khiến “công việc” của Washington trở nên dễ dàng hơn.


Kiệt Linh - (theo the Diplomat)

Ý kiến bạn đọc