Đồng minh Mỹ sẽ "tự lo" về vấn đề biển đảo

07:09, 20/06/2013
|

(VnMedia) - Chỉ vài ngày sau khi một nhà phân tích Philippines kêu gọi Manila đừng trông chờ vào Mỹ trong vấn đề Biển Đông thì một học giả Nhật Bản hồi cuối tuần vừa rồi cũng lên tiếng khuyên rằng, Tokyo nên học cách ít dựa dẫm vào đồng minh Mỹ hơn và tự mình giải quyết cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông với Trung Quốc. Phải chăng những phát biểu này đã cho thấy cả Philippines và Nhật Bản đều đang “vỡ mộng” về Mỹ - đồng minh thân thiết nhất của họ cũng là cường quốc quân sự số 1 thế giới?
 

 Ảnh minh họa

 Sự giúp đỡ của Mỹ dành cho Philippines sẽ chỉ giới hạn ở những cuộc tập trận chung như thế này?


Philippines thất vọng
 
Suốt hơn một năm qua, Trung Quốc và Philippines đã tranh chấp nhau quyết liệt ở Biển Đông. Trong cuộc đối đầu này, người ta chứng kiến một Manila cứng rắn và đầy thách thức, quyết không nhân nhượng trước nước láng giềng khổng lồ có sức mạnh áp đảo họ.
 
Dễ dàng nhận thấy, sự tự tin của Philippines xuất phát từ việc họ tin tưởng chắc chắn rằng đằng sau họ có sự hậu thuận vững chãi và đáng tin cậy của đồng minh Mỹ - nước có sức mạnh vượt trội so với Trung Quốc.
 
Với sự tự tin đó, Manila đã không hề e ngại khi đối đầu trực diện với Bắc Kinh và sẵn sàng “ăn miếng trả miếng” với những động thái, bước đi của Trung Quốc ở Biển Đông. Hồi cuối năm ngoái, Philippines từng trả đũa quyết liệt việc Trung Quốc đưa hình bản đồ có đường lưỡi bò vào hộ chiếu phổ thông mới của nước này. Philippines đã chỉ đạo tất cả các văn phòng nhập cư và cảng ra vào của nước này không được đóng dấu với hộ chiếu mới của Trung Quốc. Sang đầu năm nay, Manila còn “tung” ra một đòn bất ngờ khiến Bắc Kinh và thậm chí là cả cộng đồng thế giới choáng váng. Đó là, Philippines đưa vụ tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông giữa nước này với Trung Quốc ra giải quyết tại tòa án quốc tế. Đây là bước đi thể hiện sự cứng rắn cao độ của Manila đối với nước láng giềng bởi lâu nay Bắc Kinh luôn kịch liệt phản đối việc đưa các cuộc tranh chấp ở Biển Đông ra tòa án quốc tế.
 
Manila còn sẵn sàng thách thức Trung Quốc bằng việc cấp tập mua sắm vũ khí, huấn luyện lực lượng và công khai thể hiện mối quan hệ gắn bó, thân thiết với đồng minh Mỹ.
 
Có thể nói, niềm tin về sự hậu thuẫn của Mỹ - cường quốc quân sự số 1 thế giới, là một trong những “vũ khí” giúp Philippines trở nên tự tin hơn khi đối đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, một nhà phân tích Philippines mới đây đã kêu gọi nước này hãy từ bỏ suy nghĩ dựa dẫm vào Mỹ bởi cường quốc số 1 thế giới sẽ không từ bỏ lợi ích của bản thân để bảo vệ đồng minh.
 
Sở dĩ Philippines tin tưởng vào sự hậu thuẫn vào Mỹ vì họ có Hiệp ước Phòng thủ chung với đồng minh lớn của mình. Tuy vậy, bản thân Ngoại trưởng Hillary Clinton hồi năm ngoái đã tuyên bố rõ ràng rằng, Mỹ sẽ đứng trung lập trong các cuộc tranh chấp chủ quyền.
 
Người ta tin rằng, Washington chắc chắn sẽ không hy sinh mối quan hệ thương mại giá trị nhiều tỉ USD với Bắc Kinh để giúp một quốc gia châu Á nhỏ bé đòi chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông. Sự giúp đỡ của Mỹ cho Philippines có lẽ chỉ giới hạn ở việc họ sẽ cung cấp vũ khí và giúp đào tạo, huấn luyện lực lượng cho quốc gia Đông Nam Á thông qua các cuộc tập trận chung. Đây là điều mà Washington đã, đang và sẽ làm.
 
Nhật Bản vỡ mộng
 
Cũng giống như Philippines, Nhật Bản cũng có ý trông chờ vào đồng minh gắn bó thân thiết với họ mấy thập kỷ nay trong cuộc tranh chấp nóng bỏng ở biển Hoa Đông với Trung Quốc. Tuy nhiên, người ta cho rằng, Tokyo rồi cũng phải thất vọng và rằng, sự thất vọng của nước này sẽ còn lớn hơn cả của Manila.
 
Với sức mạnh quân sự hàng đầu trong khu vực cùng niềm tin về sự hậu thuẫn vững chắc của đồng minh Mỹ, Nhật Bản đã có cuộc đối đầu trực diện, không hề kiêng dè với nước láng giềng to lớn Trung Quốc.
 
Trong cuộc đối đầu quyết liệt vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông kéo dài nhiều tháng qua, Nhật Bản cho thấy một thái độ, lập trường vô cùng cứng rắn và đầy thách thức, gấp nhiều lần Philippines. Điều đó đã được thể hiện qua sự trả đũa không nhân nhượng từng động thái một của Trung Quốc. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản từng đâm thủng tàu Trung Quốc và bắn súng vòi rồng vào con tàu này hồi năm ngoái. Nhật Bản còn không dưới một lần bắt giữ các ngư dân Trung Quốc. Sự quyết liệt của Nhật Bản cho thấy, họ sẽ không để cho Trung Quốc dễ dàng bắt nạt.
 
Sức mạnh quân sự của Nhật Bản không hề thua kém Trung Quốc, cộng thêm với việc họ có đồng minh mạnh nhất thế giới là Mỹ nên nước này dường như sẵn sàng lao vào một cuộc chiến tranh với nước láng giềng nếu cần để bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo tin tưởng vào sự hậu thuẫn của Mỹ bởi giữa hai nước có Hiệp ước Phòng thủ chung mà theo đó, Washington có nghĩa vụ phải bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp nước này bị nước thứ ba tấn công.
 
Bất chấp thực tế trên, một học giả quân sự của Nhật Bản mới đây cũng đã lên tiếng kêu gọi nước này phải học cách dựa dẫm và phụ thuộc ít hơn vào Mỹ. Bản thân Tokyo cũng nhận thấy rõ ràng rằng, Mỹ hoàn toàn không muốn dính líu vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng giữa Nhật Bản với Trung Quốc. Dù có nghĩa vụ ràng buộc phải bảo vệ Nhật Bản, Washington vẫn luôn miệng nói rằng, họ đứng trung lập trong vấn đề tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
 
Cách hành xử kiểu trên của Mỹ đã khiến các đồng minh thân thiết nhất của họ ở Châu Á -Thái Bình Dương bối rối và thất vọng. Từ đó, các nhà phân tích cho rằng, Philippines và Nhật Bản nên tự đứng trên đôi chân của mình, tự xây dựng một lực lượng quân đội đủ mạnh để có thể đối phó với Trung Quốc và bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của họ.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc