Đối thoại Shangri-La: Thế cạnh tranh quân sự đáng ngại ở châu Á

13:29, 02/06/2013
|

Diễn đàn an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày 1/6 chỉ ra xu hướng chạy đua vũ trang và cạnh tranh quân sự đáng quan ngại.

Xu hướng cạnh tranh và biểu hiện “toan tính cho riêng mình, bất bình đẳng, trái với luật pháp quốc tế và thiếu minh bạch” đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn Đối thoại Shangri-La (SLD) tối 31/5. Đại biểu tham dự SLD lần thứ 12 tại Singapore - kéo dài đến hôm nay 2.6 - càng có cơ sở để tin rằng đang có một cuộc chạy đua cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực sau những thảo luận hôm qua.

Ảnh minh họa
Thiếu tướng Diêu Vân Trúc (Trung Quốc) “đối mặt” Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-La / Ảnh: Thục Minh

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel trong bài phát biểu của mình đã nói thẳng: “Mỹ đã và vẫn là một cường quốc Thái Bình Dương từ hơn 200 năm qua”. Ông Hagel nói cả hai đảng ở Mỹ đều ủng hộ duy trì và tăng cường các quan hệ kinh tế, văn hóa và an ninh với khu vực. Vì vậy, Mỹ đang thực hiện chiến lược tái cân bằng với việc điều động thêm nhiều khí tài hiện đại và quân lực đến châu Á cho tới năm 2020, nhằm “chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức an ninh toàn cầu trong tương lai”, ông Hagel nói.

Ông Chuck Hagel cũng không quên nói rằng Mỹ thừa nhận Trung Quốc là một cường quốc đang lên và có vai trò ngày càng lớn ở khu vực. “Xây dựng quan hệ xây dựng và tích cực với Trung Quốc là một phần tất yếu trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á”, ông Hagel nói. Nhưng, ngay lập tức, ông cũng bóng gió: “Điều quan trọng là Washington và Bắc Kinh phải minh bạch với nhau để có thể tiên đoán được ý đồ chiến lược hiện tại lẫn tương lai của nhau”. Thậm chí, ông còn nói thẳng: “Mỹ bày tỏ quan ngại về nguy cơ ngày càng gia tăng về những cuộc xâm nhập hệ thống mạng mà một số có vẻ như đến từ chính phủ và bộ máy quân sự Trung Quốc”.

Lời lẽ trên khiến nữ thiếu tướng Diêu Vân Trúc của Trung Quốc phản ứng. Bà Diêu cáo buộc chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á là nhằm “kìm hãm sự trỗi dậy” của Bắc Kinh và đặt vấn đề về vai trò của Mỹ ở khu vực. Bà yêu cầu ông Hagel “giải thích làm sao để Trung Quốc có thể tin” rằng sự tăng cường quân sự của Mỹ ở đây không là đe dọa đối với Bắc Kinh. Sự căng thẳng của bà Diêu khiến hội trường với hơn 350 nhà quân sự, ngoại giao, học giả và báo giới xôn xao.

Trong ngày 1/6 còn diễn ra 2 phiên toàn thể và 6 phiên đặc biệt trong khuôn khổ SLD. Phát biểu trong phiên toàn thể về hiện đại hóa và minh bạch quân sự, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro cảnh báo nguy cơ bất ổn vì chạy đua vũ trang trong khu vực: “Thực tế hiện đang tồn tại những cảm nhận nhạy cảm trong việc tăng cường năng lực quân sự có thể dẫn đến tính toán, nhận định sai lầm và mất lòng tin”. Tại phiên thảo luận đặc biệt về phương cách tránh xung đột trên biển, nhiều đại biểu đã chỉ ra điểm yếu của các cơ chế hiện có trong việc tạo dựng lòng tin chiến lược, điều mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho là cần thiết nhất để các quốc gia hợp tác và tránh xung đột. “Cảm giác về một vòng luẩn quẩn bất tín vẫn chưa có lối ra”, ông Alexander Neil từ IISS, chủ tọa phiên thảo luận nhìn nhận.


TN

Ý kiến bạn đọc