Đặc nhiệm Nhật chống Trung Quốc chiếm đảo?

18:31, 16/06/2013
|

(VnMedia) - Nhật Bản vừa phác thảo kế hoạch thành lập một đơn vị quân đội với thành phần là những binh lính tinh nhuệ được đào tạo cho nhiệm vụ tấn công và chiếm lại một phần lãnh thổ ở xa trong trường hợp nó bị xâm lược.
 

 Ảnh minh họa

 Binh lính Nhật Bản tham gia cuộc tập trận chung với Mỹ ở California


Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đưa ra đề xuất về kế hoạch trên hôm thứ Tư (12/6) để trả lời cho đề nghị của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền về việc tìm kiếm các cách thức nhằm củng cố khả năng phòng thủ của nước này xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
 
Cả Trung Quốc đại lục và Vùng lãnh thổ Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với quần đảo đang nằm trong sự quản lý của Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Bắc Kinh gần đây đang tăng cường các hoạt động giám sát ở khu vực tranh chấp.
 
Đề xuất của Bộ Quốc phòng Nhật Bản kêu gọi thành lập một đơn vị gồm 680 lính tinh nhuệ sau khi một báo cáo phân tích cho rằng, những đơn vị hiện nay của Nhật không thể bảo vệ được quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Đơn vị tinh nhuệ trên sẽ được đào tạo thông qua các cuộc tập trận với đồng minh Mỹ, trong đó có các bài diễn tập đổ bộ. Lực lượng này cũng sẽ thường xuyên tiến hành tập trận với lực lượng cảnh sát dân sự và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển. Một nhiệm vụ khác của đơn vị tinh nhuệ sẽ là ngăn chặn những cuộc tấn công “khủng bố” nhằm vào các nhà máy hạt nhân của Nhật Bản.
 
Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng, sẽ phải mất vài năm trước khi đơn vị tinh nhuệ nói trên sẵn sàng cho nhiệm vụ của mình.
 
"Tôi nghĩ rằng, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ không dễ dàng thành lập được một đơn vị như vậy vì hai lý do rất quan trọng. Vấn đề thứ nhất là việc thiếu ngân sách nhưng quan trọng hơn là sự thiếu phối hợp giữa các lực lượng lục quân, không quân và hải quân thuộc quân đội Nhật Bản. 3 lực lượng này đang nỗ lực để củng cố khả năng phối hợp và tăng cường khả năng đối phó với những thách thức trong tương lai. Tuy nhiên, một đơn vị tổng hoà được 3 sức mạnh này sẽ rất khó mà có thể xây dựng được”. ông Masafumi Iida – một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản, nhận định.


Kiệt Linh - (theo SCMP)

Ý kiến bạn đọc