Biển Đông: Trung Quốc dùng ngoại giao "pháo hạm"?

06:47, 29/06/2013
|

(VnMedia) - Diễn đàn an ninh hàng năm của các nước Đông Nam Á thu hút sự chú ý lớn của các cường quốc trong khu vực và xa hơn nữa là cả Mỹ. Ngoại trưởng Jone Kerry sẽ tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN diễn ra cuối tuần này ở Brunei. Đây là chuyến công du đầu tiên đến khu vực Đông Nam Á của ông Kerry kể từ khi ông này tiếp nhận quyền lực từ bà Hillary Clinton. 
 

 Ảnh minh họa

 (Ảnh minh họa)


Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, họ không mong chờ hội nghị ASEAN lần này sẽ tìm kiếm được giải pháp nhanh chóng nào để giải quyết một trong những điểm nóng nhất thế giới hiện nay – đó là các cuộc tranh chấp Biển Đông.
 
Nhìn bề ngoài, một số cuộc tranh chấp căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên hiện đang có dấu hiệu dịu đi trong một vài tuần trở lại đây. Tân Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 5 vừa rồi từng bày tỏ sẵn sàng tham gia thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử ở các vùng tranh chấp trong khu vực. Hai nước Việt Nam và Trung Quốc mới đây đã nhất trí thiết lập một đường dây nóng về Biển Đông.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc được cho là đã chuẩn bị rất nhiều yêu cầu để có thể trì hoãn bất kỳ cuộc thảo luận có ý nghĩa nào về vấn đề Biển Đông.
 
Trong khi bản thân việc tiến hành thảo luận về bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc với 10 nước thành viên thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thể hiện sự tiến bộ của tiến trình này thì ông Vương Nghị lại vẫn đòi thực hiện ý tưởng về việc thành lập một hội đồng gồm những nhân vật xuất chúng để thảo luận về bộ quy tắc ứng xử trước khi số phận của nó được định đoạt. Đây là điều khó hiểu. Nhóm những nhân vật xuất sắc có thể sẽ bị sa lầy vào đủ những vấn đề khó giải quyết, đặc biệt là việc lựa chọn ai sẽ ngồi vào hội đồng này. “Đây là lý do tại sao Trung Quốc gợi ý thành lập nhóm những người xuất chúng ngay từ đầu tiên. Đó chỉ là một cơ chế để trì hoãn tất cả mọi việc lại”, ông Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore đã nhận định như vậy.
 
Cùng quan điểm với ông Storey, ông Carlyle Thayer – một giáo sư xuất sắc của Học viện Quốc phòng Australia và là một người theo dõi sát sao các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, cũng cho rằng, ý định của Trung Quốc là “câu giờ”, kéo dài thêm thời gian để họ có thể thiết lập đủ ảnh hưởng đối với khối ASEAN nhằm gây áp lực buộc Philippines phải rút vụ kiện lên tòa án quốc tế của nước này. Manila hồi tháng 1 đầu năm đã quyết định đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông giữa nước này với Trung Quốc ra giải quyết tại tòa án quốc tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Mục đích của Manila là muốn tòa án quốc tế ra phán quyết bác bỏ đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc đồng thời ngăn chặn các cuộc xâm nhập của Trung Quốc vào khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines theo UNCLOS. Philippines muốn thách thức tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
 
Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ khả năng tham gia vào vụ kiện của Philippines, nói rằng chủ quyền của họ đối với vùng lãnh hải tranh chấp là “không phải bàn cãi”.
 
Song song với đó, Bắc Kinh cũng tăng cường các cuộc tuần tra quân sự và bán quân sự ở Biển Đông, cản trở Philippines quay trở lại bãi cạn Scarborough – một khu vực mà Manila tuyên bố thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
 
“Trung Quốc vừa miệng nói đàm phán vừa sử dụng ngoại giao pháo hạm (vũ lực) để gây áp lực đối với các quốc gia Đông Nam Á”, ông Thayer cho biết.

Mỹ tiếp tục can dự vào vấn đề Biển Đông?
 
Không còn nghi ngờ gì nữa về chính sách của Trung Quốc. Mới đây, ngày hôm qua (27/6), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng cảnh báo rằng, Bắc Kinh sẽ đáp trả nếu các nước khiêu khích bằng cách chiếm đóng những bãi đá, bãi cạn ở Biển Đông mà Trung Quốc đòi là thuộc chủ quyền của họ. Lời cảnh báo này được đưa ra sau khi Philippines hồi tuần trước đưa binh lính và nguồn cung cấp hậu cần đến bãi cạn Second Thomas. Đây là bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Philippines chiếm đóng.
 
Ông Vương Nghị cũng cảnh báo “bên thứ ba”, ám chỉ đến Mỹ, Nhật. Ông này nói: "Nếu các nước có tranh chấp ở Biển Đông tìm cách khẳng định chủ quyền thiếu cơ sở của họ bằng cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ các lực lượng bên ngoài thì điều đó sẽ hoàn toàn vô ích. Các nỗ lực đó cuối cùng sẽ được chứng minh là một tính toán chiến lược sai lầm, không đáng để bỏ công".
 
Ông Vương Nghị còn tuyên bố, “nếu các nước có tranh chấp ở Biển Đông chọn cách đối đầu với Trung Quốc thì con đường đó chắc chắn sẽ thất bại”.
 
Mỹ và Philippines hôm qua đã khai hỏa một cuộc tập trận hải quân chung kéo dài 5 ngày ở ngoài khơi bãi cạn Scarborough – đây là nơi chứng kiến cuộc đối đầu vô cùng căng thẳng và quyết liệt giữa Bắc Kinh và Manila trong thời gian vừa qua. Philippines cũng đang ngày càng công khai trong việc sẵn sàng mời một số lượng lớn binh lính Mỹ đến đóng tạm thời tại nước này. Đây là một phần trong kế hoạch của  Washington nhằm tái cân bằng lực lượng trong khu vực.
 
Với những yếu tố phân tích ở trên, người ta cho rằng, hội nghị ASEAN cuối tuần này sẽ khó đạt được kết quả gì lớn trong vấn đề giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Và đối với nhiều nhà quan sát, vấn đề thu hút sự quan tâm lớn nhất của họ lúc này là liệu Ngoại trưởng Kerry có cam kết can dự vào các vấn đề an ninh hàng hải ở khu vực như bà Clinton từng làm hay không. Trước đây, cựu Ngoại trưởng Clinton từng nhiều lần nhấn mạnh, Mỹ có lợi ích trong việc thúc đẩy tìm kiếm một giải pháp đa quốc gia cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.


Kiệt Linh - (theo wsj)

Ý kiến bạn đọc