Bầu trời Syria: Nơi cường quốc đọ tên lửa

07:52, 11/06/2013
|

(VnMedia) - Một nguồn tin từ Lầu Năm Góc vừa tiết lộ, các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng, 3 chiếc tàu chiến của Nga đang hối hả chở vũ khí, trong đó có các tên lửa tối tân S-300, đến cho Syria. Trong khi đó, Mỹ cũng đưa một loạt máy bay chiến đấu và tên lửa hiện đại đến nước láng giềng áp sát Syria.
 

 Ảnh minh họa

 Tên lửa Patriot


Nga vừa triển khai tàu chiến vừa chở S-300 đến cho Syria
 
CNN hôm nay (10/6) đưa tin, một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc Mỹ cho biết, 3 chiếc tàu chiến của Nga đang trên đường hướng tới Địa Trung Hải để chuyển giao vũ khí cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Đây là thông tin do các cơ quan tình báo của Mỹ cung cấp.
 
Theo vị quan chức Mỹ, họ đã giám sát chặt chẽ những chiếc tàu chiến của Nga kể từ khi những con tàu này rời cảng cách đây 3 ngày.
 
Nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết, ông không chắc chắn nhưng các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng, đó là chuyến hàng chở những hệ thống tên lửa tinh vi S-300 đến cho chính quyền Syria. Chuyến hàng này không bao gồm máy bay trực thăng quân sự.
 
Trước đây, giới quan chức cấp cao Mỹ và Israel đã tìm đủ mọi cách, chỉ còn thiếu nước van xin Nga ngừng cung cấp những hệ thống tên lửa S-300 cho Syria. Tuy nhiên, Washington và Tel Aviv đã thất bại.
 
Báo chí gần đây dẫn phát biểu của Tổng thống Assad trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Al-Manar cho biết, chính quyền Syria đã nhận được chuyến hàng S-300 đầu tiên. Tuy nhiên, cách đây 2 ngày, Tổng thống Putin khẳng định, Nga chưa hề cung cấp S-300 cho chính quyền của ông Assad.
 
Dù thế nào thì Moscow vẫn tỏ ra kiên quyết trong quyết định hoàn thành hợp đồng cung cấp S-300 cho Syria theo hợp đồng đã ký kết. Vì thế, sớm hay muộn thì chính quyền của Tổng thống Assad sẽ có trong tay thứ vũ khí được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không hàng đầu thế giới. Điều này khiến các cường quốc phương Tây và Israel lo ngại bởi S-300 sẽ giúp tăng đáng kể sức mạnh phòng không cho Syria.
 
Trong một diễn biến khác có liên quan, hồi cuối tuần trước, Tổng thống Putin vừa thông báo sẽ triển khai một hạm đội gồm hơn chục tàu chiến ở biển Địa Trung Hải với mục đích là để bảo vệ an ninh quốc gia của Nga.
 
Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga – Tướng Valery Gerasimov cho biết, nước này hiện đang triển khai đến 16 chiếc tàu hải quân ở Địa Trung Hải. Theo Bộ Quốc phòng Nga, số tàu này sẽ được triển khai luân phiên để sao cho Nga luôn có sự hiện diện cố định của khoảng hơn chục chiếc tàu chiến ở khu vực này.
 
Phát biểu tại một cuộc họp với giới tướng lĩnh quân đội hàng đầu, Tổng thống Putin cho hay, vùng biển Địa Trung Hải “là khu vực có tầm quan trọng chiến lược – nơi chúng ta có lợi ích liên quan đến việc bảo vệ an ninh quốc gia".
 
Ông Putin nhấn mạnh, kế hoạch trên không phải là hành động dương oai diễu võ và cũng không phải là nhằm đe doạ bất kỳ nước nào.
 
Bất chấp những lời trấn an trên của ông Putin, phương Tây chắc chắn không thể xoá bỏ sự lo ngại. Nga và phương Tây đã đối đầu với nhau trong cuộc khủng hoảng ở Syria. Moscow ủng hộ cho chính quyền của Tổng thống Assad trong khi phương Tây do Mỹ dẫn đầu lại hậu thuẫn cho phe nổi dậy Syria.
 
Mỹ đưa tên lửa, chiến đấu cơ đến áp sát Syria
 
Không rõ liệu có sự trùng hợp gì hay không nhưng trong bối cảnh tàu chiến Nga đang rầm rập kéo đến Syria thì quân lính Mỹ được trang bị tên lửa Patriot và máy bay chiến đấu đang thực hiện các cuộc tập trận quân sự ở Jordan – nước láng giềng sát cạnh Syria.
 
Washington tuần trước xác nhận, nước này đã đưa một loạt chiến đấu cơ F-16 và tên lửa Patriot đến Jordan. Giống như S-300, tên lửa Patriot được sử dụng để chống lại máy bay và các tên lửa khác. Hiện tại, người ta chưa thể xác định S-300 hay Patriot mạnh hơn nhưng giới chuyên gia quân sự Nga khẳng định, S-300 của họ siêu việt hơn Patriot của Mỹ.
 
Mặc dù nói là đưa tên lửa Patriot và máy bay chiến đấu F-16 vào Jordan để tập trận nhưng Mỹ tuyên bố đang xem xét khả năng triển khai hai thứ vũ khí thiện chiến này trong khu vực sau khi kết thúc cuộc tập trận. Động thái này của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích của Nga. Moscow cho rằng, đây là hành động làm phức tạp thêm tình hình Syria.
 
Cả Washington và Amman hôm qua (9/6) đều khẳng định, cuộc tập trận giữa họ mang tên Eager Lion không liên quan gì đến cuộc nội chiến ở Syria. Tuy nhiên, chính quyền Damascus và đồng minh thân thiết nhất của họ - Moscow rất nhạy cảm đối với việc phương Tây đưa vũ khí đến sát Syria – đặc biệt là những thứ vũ khí có thể được sử dụng để thực thi lệnh cấm bay.
 
Phe nổi dậy Syria đang kêu gọi phương Tây lập vùng cấm bay ở nước họ như đã từng làm ở Libya nhằm vô hiệu hoá sức mạnh không quân của chính quyền Assad. Điều này chắc chắn sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh theo hướng có lợi cho phe nổi dậy bởi quân của ông Assad hiện giờ có lợi thế trên chiến trường là nhờ vào sức mạnh của lực lượng không quân.
 
Jordan là một trong những nước trong khu vực ủng hộ cho phe nổi dậy Syria. Cũng giống như các nước láng giềng khác của Syria, Jordan đang ngày càng lo ngại về khả năng cuộc chiến ở Syria sẽ lan rộng và bùng phát thành một cuộc xung đột khu vực. Vì thế, các quan chức Jordan được cho là đã bí mật đề nghị Mỹ để lại ít nhất hai hệ thống tên lửa phòng không Patriot ở lại nước họ sau cuộc tập trận nhằm giúp nước này bảo vệ mình trước các cuộc tấn công có thể xảy ra từ phía Syria.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc