Ấn Độ vô hiệu hoá tên lửa từ xa 5.000km

14:25, 17/06/2013
|

(VnMedia) - Hệ thống phòng thủ tên lửa của Ấn Độ đã được tăng cường sức mạnh đáng kể nhờ vào việc nước này phát triển khả năng đánh chặn tên lửa của kẻ thù từ độ xa lên tới 5.000km. Với năng lực này, Ấn Độ trên thực tế có thể vô hiệu hoá bất kỳ mối đe doạ nào từ các nước như Trung Quốc.
 

 Ảnh minh họa

 Sức mạnh quân sự của Ấn Độ ngày càng tăng.


Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã phát triển năng lực đánh chặn tên lửa ở tầm xa 5.000km như một phần của hệ thống Lá chắn Phòng thủ Tên lửa Đạn đạo (BMD). Giai đoạn đầu của hệ thống này đã sẵn sàng cho việc triển khai ở thủ đô New Delhi.
 
Ấn Độ đã hoàn tất việc phát triển giai đoạn đầu của chương trình thiết lập lá chắn BMD, người đứng đầu DRDO - ông Avinash Chander cho PTI trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây.
 
Theo chương trình phát triển BMD, hệ thống này có thể vô hiệu hoá tên lửa của kẻ thù ở tầm bắn 2.000km. Trong một bước tiến xa hơn nữa, DRDO đang đẩy mạnh năng lực của BMD để hệ thống lá chắn này có thể đánh chặn các tên lửa ở độ xa lên tới 5.000km. Đây chính là giai đoạn hai của chương trình BMD.
 
"Chúng tôi đang lên kế hoạch để sớm tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên của giai đoạn hai trong chương trình phát triển BMD. Theo đó, chúng tôi sẽ thử nghiệm năng lực của hệ thống trong việc phá huỷ một tên lửa đạn đạo đang bay đến ở độ xa lên tới 5.000km", ông Chander – người vừa tiếp nhận chức vụ lãnh đạo DRDO hồi đầu tháng này, cho biết.
 
"Khả năng mới sẽ giúp chúng tôi đối phó với mối đe doạ trước mắt”, ông Chander cho biết khi được hỏi liệu hệ thống vũ khí mới của họ có giải quyết được mối đe doạ tên lửa từ những nước như Trung Quốc hay không.
 
Trong giai đoạn II của chương trình BMD, tất cả các bộ phận của một lá chắn tên lửa như thế, bao gồm hệ thống radar và các tên lửa đánh chặn, sẽ hoàn toàn mới và có tầm bắn mở rộng, người đứng đầu DRDO cho biết.
 
"Tên lửa giai đoạn II sẽ hoàn toàn khác với giai đoạn I. Trong chương trình này, tên lửa mới sẽ đi xa hơn và có khả năng đánh chặn xa hơn”, ông Chander nói thêm.
 
Trong khi cung cấp thông tin chi tiết về chương trình BMD, ông Chander cho hay, giai đoạn I của chương trình đã sẵn sàng được triển khai. Khi được hỏi thành phố nào sẽ là nơi đầu tiên được bảo vệ bởi hệ thống lá chắn tên lửa mới, ông Chander khẳng định: “Lựa chọn đầu tiên sẽ là thủ đô New Delhi vì đó là trái tim của đất nước chúng tôi”.


Kiệt Linh - (theo Times of India)

Ý kiến bạn đọc