Ấn Độ tăng lực lượng tấn công gần Trung Quốc

06:34, 03/06/2013
|

(VnMedia) - Ủy ban An ninh Nội các Ấn Độ (CCS) có thể sẽ sớm phê chuẩn đề xuất của quân đội về việc tăng quân số cho các quân đoàn chiến đấu của nước này ở dọc khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc.

 

 Ảnh minh họa

 Khu vực biên giới Trung-Ấn thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng.


CCS sẽ thông qua kế hoạch dự kiến trên sau khi Bộ Quốc phòng Ấn Độ làm rõ lần cuối những câu hỏi được đặt ra bởi Bộ Tài chính nước này, nguồn tin từ tờ Times of India (Thời báo Ấn Độ) hôm qua (1/6) cho biết. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho rằng, Bộ Tài chính nước này sẽ không có thêm sự phản đối nào về đề xuất tham vọng mà họ đưa ra nhằm tăng cường năng lực tấn công cho đội quân tinh nhuệ của họ ở khu vực biên giới đông bắc với Trung Quốc.

 

Quân đội Ấn Độ đề xuất thiết lập một quân đoàn tấn công trên núi, hai sư đoàn bộ binh độc lập và hai sư đoàn thiết giáp độc lập để lấp vào những lỗ hổng tác chiến ở toàn bộ dọc khu vực Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) với Trung Quốc. Cùng với đó, Ấn Độ cũng sẽ tăng cường năng lực tấn công ở đường biên giới này.

 

New Delhi chỉ bắt đầu tham gia “cuộc chạy đua” sức mạnh với quân đội Trung Quốc trong thập kỷ qua. Ấn Độ đang ra sức tìm kiếm sự cân bằng về sức mạnh với nước láng giềng hiếu chiến của mình. Việc thiết lập một quân đoàn tấn công trên núi sẽ là một bước đi đáng kể của Ấn Độ trong cuộc đua này, một quan chức cấp cao ở New Delhi cho biết.

 

Đề xuất thành lập những quân đoàn mới dự tính sẽ được thực hiện trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Ấn Độ (2012-2017). Tuy nhiên, việc tiến hành một số phần trong đề xuất củng cố toàn diện sức mạnh của lực lượng Ấn Độ ở khu vực biên giới với Trung Quốc, đặc biệt là việc thiết lập các sư đoàn độc lập, có thể sẽ phải kéo dài đến kế hoạch 5 năm tiếp theo – kế hoạch 5 năm lần thứ 13.

 

Quân đoàn tấn công trên núi theo đề xuất sẽ bao gồm hơn 40.000 quân và có trụ sở chính đóng tại Panagarh ở Tây Bengal. Lực lượng này sẽ lần đầu tiên đem đến cho Ấn Độ sức mạnh và năng lực để phát động các cuộc tấn công vào Khu tự trị Tây Tạng (TAR) trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công từ Trung Quốc. Quân đoàn tấn công trên núi sẽ bao gồm hai sư đoàn phản ứng nhanh trên cao.

 

Ấn Độ đã triển khai hai sư đoàn bộ binh mới đến Lekhapani và Missamari ở Assam vào năm 2009-10. Hai sư đoàn này có nhiệm vụ bảo vệ bang Arunachal Pradesh. Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với toàn bộ bang này.

 

Ấn Độ cũng đã củng cố năng lực tên lửa và chiến đấu cơ cho các lực lượng của họ ở khu vực biên giới với Trung Quốc trong một nỗ lực nhằm bắt kịp với sự tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở đây.

 

Đề xuất thiết lập lực lượng tấn công trên núi đầu tiên của Ấn Độ đã được đưa ra từ vài năm trước. Tuy nhiên, trong quá khứ, kế hoạch này đã bị Bộ Tài chính Ấn Độ trả lại cho Bộ Quốc phòng với lý do nó tiêu tốn quá nhiều ngân sách. Cách đây vài ngày, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu Bộ Quốc phòng làm rõ thêm vài điều. Tuy nhiên, một nguồn tin khẳng định, “đó chỉ là vấn đề thủ tục”.

 

Ấn Độ thân thiết với Nhật Bản, Trung Quốc tức tối cảnh báo

 

Với tư cách là hai nước láng giềng đồng thời là hai siêu cường mới nổi của Châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc có mối quan hệ rất phức tạp. Mặc dù quan hệ kinh tế Trung-Ấn đang phát triển hết sức mạnh mẽ nhưng giữa hai nước này tồn tại rất nhiều mâu thuẫn và sự nghi kỵ khó có thể xóa bỏ. New Delhi luôn cảm thấy bất an trước việc Trung Quốc ra sức tăng cường sức mạnh quân sự và kèm theo đó là những chính sách, động thái ngày một hung hăng, hiếu chiến của nước này.

 

Để đối phó với sự nổi lên một cách đáng quan ngại của Trung Quốc, Ấn Độ đã tìm đến với Nhật Bản – một địch thủ lâu đời của Trung Quốc. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vừa có chuyến thăm kéo dài 3 ngày đến Tokyo nhằm thắt chặt mối quan hệ Nhật-Ấn.

 

Sự kiện trên đã khiến Bắc Kinh thực sự nổi dậy. Tờ China Daily – một tờ báo của nhà nước Trung Quốc, vừa có bài cảnh báo, mối quan hệ chiến lược với Nhật Bản “sẽ chỉ đem đến rắc rối cho Ấn Độ”.

 

Với nhan đề “Ấn Độ tự gây nguy hiểm cho mình khi kết thân với Nhật Bản”, bài báo trên tờ China Daily đã dùng nhiều lời lẽ có phần hiếu chiến để cảnh báo, dọa dẫm nước láng giềng. Qua đó, người ta có thể thấy sự lo ngại thực sự của Bắc Kinh trước mối quan hệ thân thiết Nhật-Ấn.

 

Tờ báo của Trung Quốc cho rằng, việc Thủ tướng Ấn Độ đến thăm Nhật Bản sau chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến New Delhi dễ làm người ta nghĩ rằng, đây là một chiến thuật nhằm đối trọng với Trung Quốc.

 

Mặc dù thừa nhận chuyến thăm của ông Singh diễn ra ngay lập tức sau chuyến đi của ông Lý Khắc Cường chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng tờ China Daily cho rằng, việc Thủ tướng Ấn Độ kéo dài lịch trình thêm một ngày nữa ở Nhật Bản sau khi xảy ra cuộc đối đầu mới nhất ở biên giới Trung-Ấn cho thấy sự quan ngại của New Delhi đối với Trung Quốc.

 

"Trong bối cảnh cuộc tranh chấp kéo dài giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và cuộc đối đầu ở khu vực biên giới Trung-Ấn, người ta ngầm hiểu, có sự hợp tác về mặt chiến lược giữa Ấn Độ và Nhật Bản”, tờ báo của Trung Quốc cáo buộc. Tờ báo này sau đó kết luận, mối quan hệ này sẽ “chỉ đem đến phiền toái cho Ấn Độ và đe dọa mối quan hệ của Ấn Độ với các nước Đông Á khác”.

 

Trước đó, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cũng có bài viết cáo buộc Nhật Bản đang tìm cách “bao vây” nước này.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc