(VnMedia) - Thủ tướng Ấn Độ đã khẳng định mối quan hệ thân thiết, gắn bó với Tokyo bằng tuyên bố Nhật Bản là đối tác “tự nhiên và không thể thiếu của chúng tôi trên con đường tìm kiếm sự ổn định và hòa bình ở Châu Á”. Ngay lập tức, một tờ báo hàng đầu của Trung Quốc đã có bài viết thể hiện sự “ghen tị” không thể che giấu trước mối quan hệ Nhật-Ấn.
Nhật Bản và Ấn Độ được cho là đang tìm đến với nhau để làm đối trọng với một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến. |
Trong một bài phát biểu hàm chứa đầy ý nghĩa chiến lược và mang tính biểu tượng về một sự cân bằng trong khu vực, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hôm qua (28/5) đã kêu gọi tăng cường hơn nữa mối quan hệ về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng với Nhật Bản. Ông Singh đã ca ngợi Nhật Bản là “một đối tác tự nhiên, không thể thiếu của chúng tôi trên con đường tìm kiếm hòa bình và sự ổn định trong khu vực Châu Á rộng lớn gồm cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”.
Bài phát biểu thể hiện sự quan ngại rõ ràng của Ấn Độ đối với một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến được Thủ tướng Singh đưa ra khi ông này có chuyến thăm chính thức đến thủ đô Tokyo.
"Thủ tướng Shinzon Abe và tôi sẽ hợp tác cùng nhau để củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, truyền đi động lực mới cho mối quan hệ hợp tác về kinh tế cũng như làm sâu sắc thêm các cuộc đối thoại về lợi ích chung toàn cầu và khu vực giữa hai nước”, ông Singh đã nói như vậy đồng thời thêm rằng, Nhật Bản là một “đất nước xinh đẹp” luôn ở trong trái tim của ông này.
Theo ông Singh, "hai nước nên tăng cường các cuộc đối thoại về an ninh và quốc phòng, đẩy mạnh những cuộc tập trận quân sự chung đồng thời củng cố hợp tác về công nghệ quốc phòng”.
Việc Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi tăng cường mối quan hệ an ninh và quốc phòng với Nhật Bản rõ ràng là một thông điệp cứng rắn mà ông này muốn gửi đến Trung Quốc sau 6 tuần diễn ra cuộc đối đầu Trung-Ấn căng thẳng ở khu vực biên giới giữa hai nước và chỉ chưa đầy một tuần sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có chuyến thăm đến New Delhi.
Đặt Nhật Bản là trung tâm của chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, Thủ tướng Singh khẳng định, “Ấn Độ và thế giới có lợi ích chiến lược và kinh tế lớn trong sự thành công của Nhật Bản".
Năm 2008, Thủ tướng Singh từng ký một thỏa thuận an ninh với Nhật Bản theo đó, Ấn Độ cùng với Mỹ và Australia là 3 đối tác an ninh hàng đầu của Tokyo trên thế giới. Từ đó, cụm từ “Ấn Độ-Thái Bình Dương” luôn xuất hiện trong những bài phát biểu của giới quan chức cấp cao Ấn Độ nhằm khẳng định lợi ích chiến lược của cường quốc này kéo dài sang Thái Bình Dương.
Miêu tả Ấn Độ và Nhật Bản là “những diễn viên chính” ở Châu Á, Thủ tướng Singh nói rằng, New Delhi và Tokyo có nhiệm vụ phải đảm bảo hòa bình, an ninh và sự thịnh vượng trong khu vực. Trong phát biểu ngầm ám chỉ đến các cuộc tranh chấp của Trung Quốc với một loạt nước láng giềng, ông Singh đã nói đến việc tiếp tục có những mối đe dọa đối với sự ổn định và an ninh của khu vực.
Ấn Độ cũng ngầm thể hiện sự ủng hộ đối với Nhật Bản trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông với Trung Quốc bằng phát biểu: “Chúng ta nên duy trì nguyên tắc tự do hàng hải và tự do thương mại ở các vùng biển dựa trên luật quốc tế đồng thời giải quyết các tranh chấp hàng hải thông qua con đường hòa bình”.
Ông Singh một lần nữa khẳng định quan hệ gắn bó giữa hai nước khi nhấn mạnh đến việc Nhật Bản là nước duy nhất có cơ chế đối thoại 2+2 với Ấn Độ.
Trung Quốc sôi sục ghen tị
Trước mối quan hệ thắm thiết giữa Nhật Bản và Ấn Độ - hai cường quốc lớn hàng đầu của Châu Á, tờ People’s Daily – cơ quan ngôn luận đầy ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm qua đã có bài viết thể hiện sự ghen tị không thể che giấu.
Tờ People’s Daily đã không tiếc lời chỉ trích Nhật Bản, gọi nước này là “kẻ trộm vặt” vì cái mà họ xem là một nỗ lực của Tokyo nhằm đưa Ấn Độ vào vòng tròn các đối tác chiến lược nhằm chống lại Trung Quốc.
Bài viết gay gắt của tờ báo Trung Quốc được đưa ra đúng thời điểm Thủ tướng Ấn Độ đang có chuyến thăm kéo dài 3 ngày đến Nhật Bản. Theo tờ báo này, Nhật Bản không thể “chịu đựng” được thực tế là Trung Quốc đã giải quyết một cách hòa bình và êm thấm cuộc tranh chấp ở khu vực biên giới với Ấn Độ bất chấp chấp việc một số nước “cố tình khích động” Trung, Ấn chống lại nhau.
Tờ People’s Daily gọi cách giải quyết hòa bình trên là “một điều kỳ diệu”.
“Trước chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường, cuộc đối đầu ở khu vực biên giới Trung-Ấn đã bị báo chí quốc tế làm quá lên. Sự bất đồng và mâu thuẫn giữa hai nước cũng bị thổi phồng lên như thể quan hệ Trung-Ấn đột ngột căng thẳng”, tờ báo của Trung Quốc đã viết như vậy.
Sau khi tự ca ngợi quan hệ Trung-Ấn, tờ People’s Daily quay sang chỉ trích không tiếc lời Nhật Bản. Dẫn lời phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tờ báo của Trung Quốc viết: “Cái gọi là 'Kim cương An ninh Dân chủ, Ngoại giao Chiến lược hay Ngoại giao Giá trị' và một loạt cụm từ khác dường như có vẻ rất chiến lược. Nhưng thực tế, chúng bộc lộ tư tưởng ngoại giao hẹp hòi của chính phủ Nhật Bản. Âm mưu của những kẻ trộm vặt sẽ thất bại” vì lý do mà Trung Quốc chỉ ra là quan hệ gắn bó của họ với đất nước Ấn Độ.
Thực ra, quan hệ Trung - Ấn không hề êm đẹp như tờ People’s Daily nói. Người ta cứ tưởng cuộc đối đầu gần đây kéo dài nhiều tuần giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới đã được giải quyết êm thấm nhưng trên thực tế nó vẫn còn âm ỉ và mới đây binh lính Trung Quốc vừa có hành động chặn một nhóm tuần tra của Ấn Độ. New Delhi còn cáo buộc Trung Quốc đang xây đường ở khu vực tranh chấp giữa hai nước.
Ý kiến bạn đọc