Trung Quốc phơi bày “giấc mơ” xâm lấn láng giềng?

08:29, 01/05/2013
|

(VnMedia) - Được miêu tả là một chuyến đi du lịch vô hại của những du khách muốn tắm mình trong ánh nắng ở Hoàng Sa nhưng thực chất, sự kiện Trung Quốc lần đầu tiên đưatàu du lịch đến quần đảo của Việt Nam là một minh chứng thêm nữa giúp phơi bày “giấc mơ” của cường quốc Châu Á trong việc xâm lấn một loạt vùng lãnh thổ của các nước láng giềng.

 

 Ảnh minh họa

 Tàu du lịch Trung Quốc đang thực hiện một chuyến đi trái phép đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam


Hôm 28/4, khoảng 100 du khách Trung Quốc đã rời cảng để thực hiện chuyến du lịch 3 đêm đến quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bắc Kinh thông báo họ chính thức mở tuyến du lịch đến quần đảo Hoàng Sa. Hành động của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam . Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố chỉ trích gay gắt bước đi mới nhất của Trung QUốc đồng thời khẳng định Việt Nam có “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán” không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông. Hà Nội coi việc Trung Quốc đưa tàu du lịch đến quần đảo này chẳng khác nào một hành động xâm lược.

 

Việc Trung Quốc đưa tàu du lịch ra quần đảo tranh chấp một cách đầy khiêu khích chỉ là một cách để nước này thử các nước láng giềng của họ. Gần đây, không chỉ Việt Nam mà Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines và Malaysia đều tố cáo Trung Quốc xâm nhập vào lãnh thổ của họ.

 

Những động thái hung hăng, hiếu chiến kiểu như trên của Bắc Kinh đang làm khu vực Châu Á trở nên ầm ỉ, xáo động. Nhiều người đang đặt câu hỏi, liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có ý gì khi nói về tham vọng hoàn thành cái mà ông gọi là “Giấc mơ Trung Quốc”. Ông Tập Cận Bình chỉ miêu tả về Giấc mơ Trung Quốc bằng những ngôn từ mập mờ, theo đó ông xác định đó là một “cuộc phục hồi vĩ đại đất nước Trung Quốc”. Một số người đang đặt mối liên hệ giữa “Giấc mơ Trung Quốc” với những cam kết công khai gần đây của giới lãnh đạo mới của nước này về việc xây dựng, củng cố quân đội nhằm tăng cường vị thế của họ trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với một loạt nước láng giềng.

 

“Giới lãnh đạo mới của Trung Quốc đã tạo ra một giấc mơ lớn cho đất nước. Giấc mơ Trugn Quốc bao gồm một giấc mơ về bảo đảm an ninh hàng hải và xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc biển mạnh”, ông Ju Hailong – một nhà nghiên cứu thuộc Viên Nghiên cứu Đông Nam Á ở trường Đại học Jinan đã viết như vậy trên tờ Thời báo Hoàn Cầu – một tờ báo của Trung Quốc nổi tiếng về những quan điểm diều hâu, hiếu chiến.

 

Đề cập đến chuyến du lịch ở quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1974, ông Ju còn trắng trợn tuyên bố: “Những ai muốn xuyên tạc về các động thái của Trung Quốc nhằm gây rối là không tuân theo luật pháp quốc tế và an ninh khu vực”.


"Giấc mơ Trung Quốc" là xâm lấn lãnh thổ các nước?
 

Nhiều người đã thấy rõ được ý đồ và cách thức hành động của Trung Quốc đằng sau động thái đưa tàu du lịch đến quần đảo của Việt Nam . Ở phía Nam, New Delhi cho biết, hôm 15/4, một đội lính Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của trực thăng quân sự đã lấn sâu vào biên giới thực tế Trung-Ấn về phía lãnh thổ Ấn Độ tới 19km. Kể từ đó, họ dựng trại ở Thung lũng Depsang – đây là vùng lãnh thổ nằm về phía Ấn Độ tính theo Đường Kiểm soát Thực tế - đường biên giới mà hai nước Trung-Ấn thiết lập sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962.

 

Bất chấp việc đài truyền hình Ấn Độ đã cung cấp hình ảnh cho thấy, quân đội Trung Quốc rõ ràng đang cắm trại ở nơi chỉ cách các căn cứ quân sự của Ấn Độ khoảng 100m ở Thung lũng Depsang nhưng Bắc Kinh vẫn khăng khăng tuyên bố, binh lính của họ không xâm phạm Đường Kiểm soát Thực tế (LAC).

 

Ở phía Đông, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn đang có cuộc đối đầu mỗi lúc một căng thẳng xung quanh cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Tuần trước, người ta đã chứng kiến một vụ việc leo thang đỉnh điểm, trong đó 8 tàu hải giám Trung Quốc đã rầm rập kéo đến vùng lãnh hải đang nằm trong sự kiểm soát của Nhật Bản trong một nỗ lực nhằm dọa nạt, ngăn không có các nhà hoạt động Nhật Bản đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các nhà hoạt động của Nhật cuối cùng đã phải trở về theo sự thuyết phục của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển nước này nhằm tránh gây thêm căng thẳng.

 

Báo chí Nhật Bản cuối tuần vừa rồi còn đưa tin, các tàu của Trung Quốc còn được hỗ trợ bởi hơn 40 chuyến bay liên tiếp của các máy bay quân sự, chủ yếu là chiến đấu cơ Su-27 và Su-30. “Đó là một mối đe dọa chưa từng thấy”, một quan chức Nhật Bản đã phải thốt lên như vậy. Hôm thứ Hai đầu tuần (29/4), 3 tàu của Trung Quốc lại tiếp tục vào vùng lãnh hải nằm trong sự kiểm soát của Nhật Bản. Đây là ngày thứ 10 liên tiếp Trung Quốc có hành động xâm nhập như vậy.

 

“Những chính sách như thế dường như không phải được đưa ra dựa trên sự suy nghĩ kỹ càng trước câu hỏi ‘Làm sao chúng ta có thể tìm kiếm bạn bè trong khu vực?’ Trung Quốc ngày càng đưa ra nhiều bước đi nhằm tranh giành chủ quyền” với các nước khác, bà Stephanie Kleine-Ahlbrandt – một chuyên gia về chính sách đối ngoại Trung Quốc thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, đã bình luận như vậy về các cuộc tranh chấp hàng hải ở Châu Á hiện nay.

 

“Trung Quốc thực sự đang công khai về những việc mà họ đang muốn làm. Hiện tại, họ không chỉ đang thực hiện điều đó... Họ muốn phát đi một tín hiệu trên khắp khu vực”.

 

Bà Kleine-Ahlbrandt cho rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình dường như “đã hoàn toàn tham gia vào và đã bước lên con tàu” với chính sách quyết liệt hơn đối với các nước láng giềng của mình.

 

Trong cuốn sách trắng quốc phòng mà Trung Quốc công bố hôm 16/4, nước này đã công khai chỉ là mối liên hệ giữa sức mạnh quân sự với lý tưởng mới của họ, nói rằng vai trò của quân đội là “bảo vệ tiến trình thực hiện Giấc mơ Trung Quốc”.

 

Theo một bài báo viết về sách trắng quốc phòng được đăng tải trên Tân Hoa xã, “bản chất phòng vệ trong chiến lược quốc phòng của Trung Quốc không thay đổi nhưng Trung Quốc không thỏa hiệp về chủ quyền và các lợi ích hòa bình”.

 

Hành động bộc lộ rõ nhất ý đồ, âm mưu của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ là việc nước này hồi cuối tháng 3 cử một đội tàu chiến do một tàu đổ bộ lớn dẫn đầu thực hiện hành trình đến bãi cạn James. Đây là khu vực nằm cách bờ biển của Malaysia chỉ 80km. Việc Trung Quốc phô trương sức mạnh ở bãi cạn James đã khiến thế giới phải sốc bởi đây là nơi cách đại lục nước này tới 1.800km.

 

Trung Quốc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ 3,5 triệu km vuông ở Biển Đông – một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. Ngoài ra, nước này còn tranh chấp chủ quyền với cả Nhật Bản, Ấn Độ - hai nước có quân đội đủ lớn để đối phó với Trung Quốc. Đặc biệt, Nhật Bản còn có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ - cường quốc quân sự số 1 thế giới.


Kiệt Linh - (theo G&M)

Ý kiến bạn đọc