Nhân dân nhật báo đã tỏ ra rất “cáy cú” và gọi Nhật Bản là “kẻ ăn cắp vặt” sau khi chứng kiến những hoạt động nhằm lôi kéo Ấn Độ vào một liên minh chiến lược mà họ cho là để “chống Trung Quốc”.
Trong bài viết bình luận về chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, tờ Nhân dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc đã bày tỏ sự tức tối của mình khi chứng kiến những phát ngôn và hành động của Nhật Bản đối với Ấn Độ. Tờ báo này khẳng định, Nhật Bản không thể phủ nhận một thực tế là Trung Quốc và Ấn Độ đã giải quyết rất ổn thỏa những tranh chấp biên giới trên bộ trong thời gian vừa qua bất chấp sự kiện đó đã bị giới truyền thông quốc tế “thổi phồng” và kích động nhằm “chia rẽ” 2 nước láng giềng này. Đồng thời, Nhân dân nhật báo cũng không quên gọi những giải pháp mà họ đưa ra để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ là một “phép màu”.
“Trước khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đến thăm Ấn Độ, vụ căng thẳng quanh vấn đề biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã bị giới truyền thông quốc tế thổi phồng. Những sự chia rẽ và đối lập giữa 2 quốc gia đã bị nâng tầm như thể quan hệ Trung - Ấn đột nhiên trở nên tồi tệ”, tờ báo của Đảng cộng sản Trung Quốc nói, “Nhưng việc giải quyết một cách rất nhanh chóng vấn đề này giữa 2 nước đã khiến giới truyền thông bất ngờ. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhà lãnh đạo của 2 nước đã có những cuộc hội đàm rất cởi mở và đi đến một loạt những thỏa thuận hợp tác quan trọng. Sự chuyển hướng trong quan hệ Trung - Ấn quả thực là một sự thần kỳ”.
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo trong thời gian gần đây đã ở vào mức rất tồi tệ khi vướng vào vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với nhóm quần đảo ở biển Hoa Đông.
Tờ Hindu Times (Ấn Độ) bình luận, các phương tiện truyền thông Trung Quốc liên tục tấn công Nhật Bản bằng lịch sử đế quốc của nước này và sự hung bạo của quân đội Nhật khi xâm lược Trung Quốc trong chiến tranh thế giới thứ 2.
Trích lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tờ Nhân dân nhật báo viết: “Cái gọi là ‘Tam giác an ninh dân chủ’ hay ‘Ngoại giao chiến lược’ hoặc ‘Ngoại giao đánh giá’ là những thuật ngữ nghe có vẻ như rất cao siêu nhưng thực chất nó chỉ thể hiện những tư tưởng ngoại giao hẹp hòi của chính phủ Nhật Bản. Đây là những âm mưu của ‘kẻ ăn cắp vặt’ và chắc chắn sẽ thất bại vì 3 lý do chính yếu sau đây”.
Để thể hiện rằng “mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Ấn Độ là không thể bị phá vỡ”, Nhân dân nhật báo viết: “Trung Quốc và Ấn Độ có những tầm nhìn và sự khôn ngoan lớn lao. Là 2 nước đnag phát triển và cùng có một nền văn minh cổ đại rực rỡ đồng thời là 2 thị trường mới nổi, việc bắt tay nhau và hợp tác cùng nhau sẽ mang lại những lợi ích chiến lược cho cả 2 nước và cho cả thế giới. Sự khôn ngoan của Ấn Độ nằm ở việc họ đã thỏa thuận với Trung Quốc một cách rất ôn hòa, không bị chi phối bởi những sức ép từ trong nước hay sự kích động của nước ngoài”.
Tờ báo Trung Quốc còn bình luận thêm rằng “khi mà 2 nước vẫn còn chung đường biên giới thì sự chia sẻ lợi ích và cả những tranh chấp sẽ vẫn còn diễn ra. Điều quan trọng nhất là các nước đều nhận thấy tầm quan trọng của sự đối thoại, trao đổi, hòa bình và tin tưởng lẫn nhau sẽ tạo ra một cơ chế hợp tác 2 bên cùng có lợi (win-win) thay vì trò chơi lưỡng bại câu thương (lose-lose game)”.
Chuyến thăm Nhật Bản đang diễn ra của Thủ tướng Manmohan Singh được cho là nhằm đón luồng đầu tư Nhật Bản vào các dự án lớn như hành lang công nghiệp Mumbai-Delhi và Chennai-Bangalore hay sự hợp tác trong lĩnh vực quan trọng như năng lượng hạt nhân. Trong chuyến thăm này, Ấn Độ cũng đề xuất Nhật Bản mẫu thủy phi cơ US-2 để tăng cường sức mạnh trên biển của Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Ấn Độ hiện đang tìm cách thắt chặt quan hệ gần gũi hơn với Nhật Bản nhằm đối phó với thách thức tiềm tàng từ Trung Quốc và nước láng giềng Pakistan.
Trong một bài phát biểu hàm chứa đầy ý nghĩa chiến lược và mang tính biểu tượng về một sự cân bằng trong khu vực, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hôm qua (28/5) đã kêu gọi tăng cường hơn nữa mối quan hệ về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng với Nhật Bản. Ông Singh đã ca ngợi Nhật Bản là “một đối tác tự nhiên, không thể thiếu của chúng tôi trên con đường tìm kiếm hòa bình và sự ổn định trong khu vực Châu Á rộng lớn gồm cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”.
Ý kiến bạn đọc