Trung Quốc khuấy đảo thế giới bằng trò gây hấn

07:07, 20/05/2013
|

(VnMedia) - Sau suốt nhiều tháng trời liên tục “khuấy đảo” các vùng biển bằng những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải quyết liệt với các nước láng giềng Đông Nam Á, Trung Quốc bất ngờ đưa quân xâm nhập sâu vào vùng đất nằm trong sự kiểm soát của Ấn Độ ở khu vực biên giới.

 Ảnh minh họa

 (Ảnh minh họa)


Giữa lúc căng thẳng trong khu vực leo thang, Trung Quốc bất ngờ phóng một quả tên lửa diệt hành tinh – một hành động bị Mỹ miêu tả là sự gây hấn trên vũ trụ. Như vậy, sau khi gây căng thẳng tứ phía với các nước láng giềng, hành động hung hăng của Trung Quốc đã leo lên cả vũ trụ. Diễn biến này gây quan ngại không chỉ đối với các nước trong khu vực mà cả với các cường quốc trên thế giới, đặc biệt là Mỹ.

Hung hăng trên biển

Sự hung hăng và hiếu chiến của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở hai vùng Biển Đông và biển Hoa Đông đã được người ta nói đến nhiều trong suốt hơn một năm qua. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong thời gian gần đây, mức độ hung hăng và hiếu chiến của Trung Quốc ngày một tăng lên ở mức độ đáng báo động.
 
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông với một loạt nước láng giềng gồm Philippines, Việt Nam, Maylaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Với mưu đồ độc chiếm Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên, Trung Quốc đã đưa ra đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò phi lý, trong đó nước này đòi chủ quyền đến tận sát bờ biển của các nước láng giềng. Trong mấy năm trở lại đây, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực hiện tham vọng trên của họ. Tuy nhiên, sự hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc chỉ bắt đầu bộc lộ rõ nét từ sau cuộc đối đầu trực diện giữa tàu hải giám nước này với tàu chiến Philippines ở bãi cạn Scarborough thuộc Biển Đông hồi tháng 4 năm ngoái. Kể từ đó, khu vực Biển Đông luôn “dậy sóng” bởi các hoạt động quấy phá của tàu thuyền Trung Quốc.
 
Trung Quốc liên tiếp đưa những đội tàu cá lớn đến đánh bắt hải sản phi pháp ở những vùng tranh chấp; triển khai tàu thuyền quân sự dưới vỏ bọc các tàu dân sự để quấy nhiễu, uy hiếp tàu thuyền của các nước khác; đưa lực lượng tàu vũ trang tuần tra thường xuyên Biển Đông đồng thời liên tục tổ chức các cuộc tập trận hải quân để dương oai diễu võ.
 
Sang đến đầu  năm nay, mức độ hung hăng và lấn tới của Trung Quốc bắt đầu tăng lên một cách đáng lo ngại. Hồi tháng 3, Trung Quốc ngang ngược và táo tợn bắn cháy cabin tàu cá Việt Nam đang hoạt động trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Chỉ hai ngày sau, Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên đưa 4 tàu chiến đến tập trận ở bãi cạn James – nơi đang là tâm điểm tranh chấp giữa Malaysia và Trung Quốc. Việc Trung Quốc đưa tàu chiến đến khu vực bãi cạn James chỉ cách bờ biển Malaysia có 80km và cách đại lục Trung Quốc đến 1.800 km đã phơi bày rõ nhất tham vọng lấn chiếm Biển Đông của quốc gia đông dân nhất thế giới.
 
Tiếp đó, ở khu vực biển Hoa Đông, Trung Quốc còn “tung” ra những động thái gây giật mình hơn nhiều. Trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản, Bắc Kinh đã thể hiện lập trường sẵn sàng gây chiến bất kỳ lúc nào. Hồi cuối năm ngoái, tàu chiến Trung Quốc từng chĩa radar ngắm bắn tên lửa vào tàu khu trục và máy bay Nhật Bản. Vào thời điểm đó, nhiều người đã nghĩ đến kịch bản xấu nhất là một cuộc chiến tranh thảm khốc giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á – Trung Quốc và Nhật Bản.
 
Sự hung hăng của Trung Quốc vẫn chưa dừng lại ở đó. Hồi tháng trước, Trung Quốc đã dồn 8 tàu lớn vào khu vực lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa một số lượng tàu lớn như vậy đến uy hiếp Nhật Bản ở vùng tranh chấp. Các tàu này còn được “hậu thuẫn” thêm bởi 40 máy bay quân sự.
 
Táo tợn trên đất liền

Trong khi liên tục khuấy đảo Biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc tiếp tục “xông” lên cả trên đất liền. Vào giữa tháng 4, Trung Quốc đã khiến Ấn Độ sững sờ khi đưa 30 binh lính xâm nhập sâu vào lãnh thổ Ấn Độ khoảng 19 km và dựng một loạt trại lên ở đây. Bước đi bất ngờ này diễn ra đúng thời điểm khi quan hệ Trung-Ấn đang diễn ra theo chiều hướng rất tốt đẹp.
 
Một ngày sau cuộc xâm nhập của binh lính Trung Quốc, Ấn Độ cũng đưa quân đến dựng trại đối diện với phía Trung Quốc, cách nhau khoảng 300m. Binh lính hai nước Trung-Ấn đã bị đẩy vào tình thế giáp mặt đầy nguy hiểm.
 
Bất chấp việc New Delhi liên tiếp yêu cầu Bắc Kinh rút quân và bất chấp 3 cuộc họp cấp thiếu tướng giữa hai nước được tổ chức nhằm tháo gỡ tình hình căng thẳng, Trung Quốc vẫn cố tình cắm chốt trong lãnh thổ của Ấn Độ suốt gần một tháng trời. Chưa hết, Trung Quốc còn đưa máy bay xâm nhập vào sâu hơn trong không phận của Ấn Độ.
 
Trung Quốc chỉ chịu rút quân đi sau khi xét đến lợi ích của nước này. Trung Quốc không muốn phá hỏng mối quan hệ kinh tế, thương mại to lớn với nước láng giềng lớn không kém gì mình. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sợ đẩy New Delhi tiến gần hơn về phía cường quốc số 1 thế giới – Mỹ.
 
Tuy nhiên, cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài hơn một tháng giữa Trung Quốc và Ấn Độ mới đây đã cho thấy một điều Bắc Kinh ngày càng táo tợn, hung hăng. Họ không ngại đối đầu với nhiều nước láng giềng xung quanh cùng lúc đồng thời cũng chẳng kiêng dè một nước lớn và có vũ khí hạt nhân như Ấn Độ.
 
Và gây hấn trên vũ trụ

Trung Quốc không chỉ gây lo ngại cho các nước láng giềng xung quanh vì sự lấn tới ngày một quyết liệt và hiếu chiến của họ trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, nước này còn khiến các cường quốc như Mỹ giật mình vì một vụ phóng tên lửa mới đây.
 
Hôm thứ Hai (13/5), Trung Quốc đã phóng một tên lửa vào vũ trụ nhưng không đưa một vật thể nào vào quỹ đạo. Giới chức Mỹ tin rằng, Trung Quốc đang dùng vỏ bọc của một vụ phóng tên lửa nghiên cứu khoa học để thử nghiệm một tên lửa đánh chặn có khả năng tiêu diệt vệ tinh.
 
Mỹ cho rằng, Bắc Kinh đang áp dụng một lập trường ngày càng hung hăng, hiếu chiến trong vũ trụ. "Bất kỳ khi nào bạn thấy có một quốc gia áp dụng lập trường hiếu chiến hơn trên vũ trụ thì đó là điều rất đáng ngại”, một nghị sĩ Mỹ đã nói như vậy.
 
Washington vốn luôn lo ngại về việc Trung Quốc đầu tư phát triển các khả năng chống vệ tinh sau khi nước này từng bắn một tên lửa vào một trong những vệ tinh hỏng của họ trên vũ trụ năm 2007, tạo ra một số lượng lớn mảnh vỡ trên vũ trụ.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc