Trung Quốc không muốn trở thành kẻ thù của Mỹ?

06:43, 23/05/2013
|

(VnMedia) - Trung Quốc được cho là đang dùng mối quan hệ với Ấn Độ để chọc tức Mỹ. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm qua (21/5) đã dẫn lời một câu nói xưa “bán anh em xa mua láng giềng gần” nhằm tìm cách chia rẽ Ấn Độ khỏi Mỹ. Sau đó, một tờ báo ở Bắc Kinh – tờ People’s Daily – cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc, đã đăng một bài báo trong đó viết rằng, Mỹ “không nên ghen tị” với mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ bởi hai nước không muốn là “kẻ thù” của Mỹ.

 Ảnh minh họa

 Thủ tướng Trung Quốc (bên phải) và người đồng cấp Ấn Độ


Trung Quốc từ lâu đã luôn cảm thấy khó chịu và bất an trước việc Mỹ tuyên bố thực hiện chính sách quay trở lại Châu Á. Bắc Kinh tin rằng, Mỹ đang tìm cách bao vây và kiềm chế họ bằng cách thiết lập và thắt chặt quan hệ với một loạt nước láng giềng xung quanh Trung Quốc.
 
Để làm đối trọng với chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á của Mỹ, Bắc Kinh được cho là đang tìm đến với Nga và Ấn Độ. Điều đó lý giải tại sao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại đến thăm Nga trong chuyến công du đầu tiên và giờ đây là Thủ tướng Lý Khắc Cường chọn Ấn Độ là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông này.
 
Trong khi quan hệ giữa Nga và Mỹ không mấy êm đẹp thì quan hệ giữa Mỹ với Ấn Độ lại khá thân thiết. Kể từ năm 2005, Mỹ đã ra sức “ve vãn” Ấn Độ. Chính vì lẽ đó, Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo Ấn Độ về phía mình và dùng mối quan hệ này để chọc tức “kỳ phùng địch thủ” của nước này. Điều đó được thể hiện rất rõ qua một bài báo được đăng tải trên tờ People’s Daily – một trong những cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc, ngày hôm qua.
 
Tờ báo trên viết: "Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ giúp củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên một cấp độ mới. Tuy nhiên, Mỹ không nên ghen tị bởi Trung Quốc và Ấn Độ không muốn trở thành kẻ thù của Mỹ mà chỉ muốn hợp tác với Mỹ".
 
Theo People’s Daily, thế giới đang tập trung sự chú ý lớn vào chuyến thăm đầu tiên của ông Lý Khắc Cường đến Ấn Độ. “Cùng với chuyến thăm Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình, người ta tin rằng, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy các mô hình quan hệ mới giữa các cường quốc lớn”.
 
Tờ báo của Trung Quốc cho hay, sự phát triển và hợp tác giữa Trung-Ấn “có nền móng tốt và thích hợp với thời đại". Cũng theo tờ báo này, tốc độ phát triển kinh tế của hai nước đã thu hút sự chú ý của thế giới.
 
"Kể cả Mỹ cũng không thể phớt lờ ảnh hưởng của Trung Quốc và Ấn Độ trên trường quốc tế. Hai nền kinh tế bổ sung rất lớn cho nhau đang nhanh chóng phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương”, tờ People’s Daily cho biết.
 
Tờ báo của Trung Quốc thừa nhận, vì những vấn đề chưa giải quyết được ở khu vực biên giới hai nước nên giữa họ “tồn tại một số cuộc xung đột”. “Tuy nhiên, giới lãnh đạo hai nước sẽ không để Mỹ và Nhật Bản dẫn đi sai đường. Ấn Độ sẽ không làm phương hại đến mối quan hệ với Trung Quốc chỉ để thừa nhận lợi ích chiến lược của một số nước nào đó”, tờ People’s Daily đã viết đầy tự tin như vậy.
 
Hầu hết người Ấn Độ hoài nghi về Trung Quốc
 
Trong khi Trung Quốc tỏ ra hoan hỉ với mối quan hệ mà họ miêu tả là đối tác chiến lược với Ấn Độ thì một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, phần lớn người dân Ấn Độ đều hoài nghi, e ngại tham vọng của Trung Quốc ở Châu Á cũng như chính sách của nước đông dân nhất thế giới đối với Ấn Độ.
 
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận được công bố hôm 20/5 của Viện Lowy và Viện Ấn Độ-Australia (AII), có tới 83% người dân Ấn Độ xem Trung Quốc là mối đe dọa an ninh đối với họ.
 
Có nhiều lý do dẫn đến sự thiếu tin tưởng của người dân Ấn Độ đối với nước láng giềng kế bên. Các lý do đó là, Trung Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân, hai nước Trung-Ấn có cuộc cạnh tranh giành nguồn lực ở các nước thứ ba, nỗ lực của Trung Quốc trong việc củng cố mối quan hệ với các nước khác trong khu vực Ấn Độ Dương và cuộc tranh chấp biên giới Trung-Ấn.
 
Mặc dù Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất Ấn Độ nhưng chỉ có 31% người dân Ấn Độ tin rằng sự nổi lên của Trung Quốc là tốt cho Ấn Độ. Trong khi đó, có tới 65% người dân Ấn Độ cho rằng, nước họ nên bắt tay cùng với các nước khác để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
 
Cuộc thăm dò trên được thực hiện từ cuối năm ngoái và cách xa vụ “chạm trán” mới nhất ở biên giới Trung-Ấn. Vậy mà, vào thời điểm đó, phần lớn người dân Ấn Độ đã coi Trung Quốc là một mối đe dọa về an ninh.
 
Cũng theo cuộc thăm dò, tình cảm chống Mỹ từng là một đặc điểm của người dân Ấn Độ giờ đã trở thành một phần của lịch sử. Người Ấn Độ hiện không chỉ cảm thấy thân thiện với nước Mỹ hơn bất kỳ nước nào khác mà còn xem nước này là một hình mẫu về quản trị.
 
Gần 63% người dân Ấn muốn củng cố quan hệ với Trung Quốc trong khi số người muốn quan hệ Ấn-Mỹ phát triển lên tới 75%.
 
Tuy nhiên, trong khi có tình cảm nồng nhiệt với Mỹ và không thoải mái với sự nổi lên của Trung Quốc thì Ấn Độ cũng không thể hiện rõ lập trường trong việc liệu nước này có sẵn sàng tham gia vào bất kỳ kế hoạch nào nhằm kiềm chế nước láng giềng lớn cạnh họ hay không.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc