(VnMedia) - Ấn Độ và Trung Quốc đang “đua” nhau củng cố sức mạnh cho những chiếc tàu sân bay đầu tiên của họ. Tàu sân bay được ví là “bá chủ đại dương”, vì thế, hai cường quốc hàng đầu Châu Á đang đặt ưu tiên cao cho việc phát triển loại chiến hạm này.
Tàu sân bay INS Vikramaditya |
Hôm 11/5, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã chính thức đưa phi đội chiến đấu cơ MiG-29K đầu tiên vào biên chế lực lượng Hải quân nước này. Phi đội mang tên Báo đen INAS 303 sẽ bao gồm 16 chiến đấu cơ MiG-29K, một vài trong số này đã được đưa vào quân đội Ấn Độ từ cách đây 3 năm.
Tờ Economic Times của Ấn Độ đưa tin, “Những chiếc MiG-29K có tầm hoạt động 1.300km, khả năng bay ở độ cao tối đa gần 18.000m và có thể cất cánh theo đà phóng ( STOBAR). Mỗi chiếc MiG-29K đều được trang bị tên lửa đất đối không R-73 và RVV-AE, tên lửa chống hạm Kh-35E, bom dẫn đường KAB 500KR/OD TV và rocket S-8KOM”.
Phi đội Báo đen INAS 303 là những chiếc đấu cơ MiG-29K đầu tiên trong tổng số 45 chiếc phi cơ chiến đấu mà Ấn Độ đặt mua từ Nga với trị giá lên tới 2 tỉ USD, trong đó có thêm 29 máy bay chiến đấu MiG-29Ks.
Phi đội Báo đen INAS 303 sẽ tiếp tục thực hiện các bài tập huấn luyện cho đến tháng 11 hoặc 12 tới khi Hải quân Ấn Độ tiếp nhận từ Nga chiếc tàu sân bay INS Vikramaditya. Con tàu này hiện đang được tân trang lại. Một tàu sân bay khác của New Delhi - INS Viraat đang trong quá trình bảo dưỡng và sẽ tiếp tục hoạt động trong ít nhất vài năm tới, có thể tới năm 2018.
Ấn Độ gần đây cũng có kế hoạch tự đóng hai tàu sân bay mới. Chiếc đầu tiên có trọng tải 40.000 tấn đang được đóng tại xưởng đóng tàu Cochin và sẽ được đưa vào biên chế của Hải quân Ấn Độ trong vòng 4 hoặc 5 năm tới. Dự kiến, con tàu này sẽ được hạ thuỷ vào ngày 12/8 tới và sẽ bắt đầu các cuộc thử nghiệm trên biển trong vòng 12 tháng sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony cho biết.
Một ngày trước khi Ấn Độ đưa phi đội chiến đấu cơ MiG-29 vào biên chế của Hải quân, hôm 10/5, Trung Quốc cũng chính thức thông báo thành lập một lực lượng không quân đầu tiên trên tàu sân bay. Lực lượng này sẽ là một phần của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA).
Dẫn nguồn tin từ quân đội, báo chí nhà nước Trung Quốc cho biết, lực lượng không quân trên tàu sân bay sẽ bao gồm các chiến đấu cơ tàu sân bay, máy bay huấn luyện và trực thăng trên tàu. Lực lượng này có thể tiến hành các nhiệm vụ chống tàu ngầm, cứu hộ và giám sát.
Theo Bắc Kinh, việc thiết lập lực lượng không quân đầu tiên trên tàu sân bay đã chứng tỏ sự phát triển của tàu sân bay Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn mới. Các nguồn tin quân sự Trung Quốc khẳng định, lực lượng không quân trên tàu sân bay đóng vai trò thiết yếu đối với sức mạnh tấn công của tàu sân bay nước này và là một bước đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi hải quân. Nó cũng đóng vai trò then chốt trong việc phát triển các nhóm tàu sân bay và xây dựng một Lực lượng Hải quân hùng mạnh.
Báo chí Trung Quốc cũng tập trung vào chất lượng phi công của lực lượng không quân trên tàu sân bay. Các nguồn tin quân sự Trung Quốc tiết lộ, nhân sự của lực lượng này tinh nhuệ hơn các lực lượng không quân khác trong quân đội. Để có thể lái những chiếc chiến đấu cơ, các phi công cần phải từng bay với ít nhất 5 loại máy bay và giờ bay của họ phải vượt quá 1.000 giờ.
Giàu kinh nghiệm trong các cuộc tập trận chung và tập trận lớn cũng là một điều kiện tiên quyết. Các phi công còn phải trải qua các khóa học như lý thuyết tàu chiến, lý thuyết hàng hải cơ bản và khí tượng hàng hải.
Trung Quốc hiện đang vận hành một tàu sân bay có tên là Liêu Ninh. Chiếc tàu sân bay đầu tiên này được tân trang lại từ một chiếc tàu sân bay chưa được hoàn thiện của Ukraine. Nó được chính thức chuyển giao cho Hải quân Trung Quốc vào ngày 25/9 năm ngoái.
Tàu Liêu Ninh có trọng tải hơn 50.000 tấn, có thể mang theo 30 chiếc máy bay cánh cố định.
Trung Quốc có kế hoạch đóng một tàu sân bay thứ hai lớn hơn, có khả năng mang theo chiều chiến đấu cơ hơn. Trong bản báo cáo hàng năm về chương trình hiện đại hoá quân đội Trung Quốc được đưa ra hồi tuần trước, Lầu Năm Góc dự báo, Trung Quốc có thể hoàn thành chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên trong một thập kỷ tới.
Kiệt Linh -
(theo The Diplomat)
Ý kiến bạn đọc