Trung Quốc gây hấn cùng lúc trên ba mặt trận

09:30, 02/05/2013
|

(VnMedia) - Trong quá trình theo đuổi tham vọng lấn chiếm về lãnh thổ, lãnh hải, Trung Quốc đang áp dụng một lối đi ngày càng hung hăng, hiếu chiến. Lối đi này rất dễ đẩy cường quốc số 1 Châu Á rơi vào chiến tranh với các nước láng giềng.

 

 Ảnh minh họa

 
Màn phô trương sức mạnh của Trung Quốc nhằm uy hiếp Nhật Bản ở biển Hoa Đông hôm 23/4 vừa rồi.


Trong những ngày vừa qua, quân đội Trung Quốc liên tiếp xâm nhập một cách táo tợn vào vùng lãnh thổ, lãnh hải đang nằm trong sự kiểm soát của Nhật Bản và Ấn Độ. Cùng lúc, Trung Quốc tiếp tục gây căng thẳng với Việt Nam và Philippines vì những hành động tranh giành chủ quyền ở Biển Đông được Manila miêu tả là “quá đáng và quá đà”. Trung Quốc đang gây hấn với một loạt các nước láng giềng xung quanh và nước này cho thấy, họ sẵn sàng gây chiến ở ba mặt trận.

 

Mặt trận nóng nhất

 

Trong 3 điểm nóng trên, cho đến nay, điểm nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây xung đột nhất chính là ở biển Hoa Đông. Đây là nơi Trung Quốc và Nhật Bản đang có cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong suốt nhiều tháng qua, người ta liên tục chứng kiến lực lượng quân đội Trung Quốc chơi trò dọa dẫm với Nhật Bản ở khu vực này. Hàng loạt những cuộc “vờn đuổi” nguy hiểm giữa tàu thuyền, máy bay hai nước đã xảy ra.

 

Mới đây nhất, hôm thứ Ba tuần trước (23/4), trong một diễn biến được cho là đỉnh điểm của sự căng thẳng và nguy hiểm ở biển Hoa Đông, 40 máy bay quân sự Trung Quốc, chủ yếu là chiến đấu cơ, đã ồ ạt bay tới chùm 5 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Động thái gây giật mình của Bắc Kinh đã buộc Tokyo phải phái một loạt chiến đấu cơ thiện chiến F-15 từ căn cứ không quân ở quần đảo Okinawa cất cánh khẩn cấp để đi đối phó với máy bay của Trung Quốc.

 

Cùng với việc đưa máy bay vào vùng tranh chấp, Trung Quốc còn lần đầu tiên đưa một số lượng tàu thuyền lớn nhất từ trước đến nay đến vùng lãnh hải trong phạm vi 12 hải lý xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

 

Diễn biến trên theo miêu tả của một quan chức chính phủ Nhật Bản là “một mối đe dọa chưa từng thấy”. Vị quan chức Nhật Bản đã phải thừa nhận, nếu Bắc Kinh tiếp tục “phô trương sức mạnh mang tính dọa dẫm, “lấy thịt đè người” kiểu như thế này thì rất có thể dẫn đến tình huống mà Lực lượng Không quân Nhật Bản cũng khó có thể đối phó”.

 

Đây là vụ xâm nhập lớn nhất của Trung Quốc kể từ khi nước này bắt đầu khởi động chiến dịch dùng máy bay khiêu khích các lực lượng phòng vệ Nhật Bản từ hôm 13/12 năm ngoái.

 

Một trong những hành động hiếu chiến nhất của Trung Quốc đối với Nhật Bản là việc nước này hôm 30/1 đã chĩa radar điều khiển tên lửa về phía một tàu khu trục và sau đó là một trực thăng của Nhật Bản. Việc chĩa radar vào một mục tiêu là bước cuối cùng trước khi phóng một tên lửa đi. Tình huống này cho thấy Trung Quốc chỉ còn cách một cuộc tấn công có vài giây.

 

Trong tình huống như vậy, rất dễ để người ta có tính toán sai lầm và châm ngòi cho một cuộc xung đột bằng những hành động ngẫu nhiên, vô tình.

 

Tuy nhiên, Bắc Kinh rõ ràng là đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc đối phó với nguy cơ chiến tranh bùng nổ trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông. Mới đây, hôm thứ Sáu (26/4), một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố với giới báo chí rằng, Senkaku/Điếu Ngư là một trong những “lợi ích cốt lõi” của nước này. Cụm từ “lợi ích cốt lõi” thường được Bắc Kinh dùng để chỉ những vấn đề mà họ sẽ không nhượng bộ, thỏa hiệp và sẵn sàng gây chiến vì điều đó.

 

Cụm từ “lợi ích cốt lõi” không chỉ được Trung Quốc dùng trong trường hợp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà còn được dùng với đảo Đài Loan, với hầu hết Biển Đông kéo đến tận sát lãnh hải phía nam của Indonesia.

 

Mặt trận mới nổi lên

 

Mặt trận mới nhất mà Trung Quốc gây hấn trong mấy ngày gần đây là ở khu vực biên giới với Ấn Độ. Tranh chấp ở khu vực biên giới Himalayas giữa Bắc Kinh và New Delhi đã tồn tại từ lâu và từng biến thành một cuộc chiến tranh năm 1962.

 

Những năm gần đây, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều ra sức tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực biên giới. Mặc dù giữa Bắc Kinh và New Delhi có tồn tại một cơ chế nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra xung đột nhưng những vụ va chạm giữa binh lính hai bên vẫn thường xuyên xảy ra.

 

Mới đây, hôm 15/4, Trung Quốc đã đưa một trung đội gồm 50 binh lính xâm nhập sâu vào vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát 20km và dựng trại ở đây.

 

Ấn Độ đã kêu gọi Trung Quốc rút quân và nhiều cuộc họp đã diễn ra giữa các cấp chỉ huy quân đội cũng như các nhà ngoại giao nhưng vẫn không thể tháo gỡ tình thế căng thẳng hiện nay ở khu vực biên giới hai nước.

 

Vụ xâm nhập táo tợn của binh lính Trung Quốc đã gây ra một “cơn bão” trong dư luận ở Ấn Độ. Nhiều người dân ở Ấn Độ cáo buộc Bắc Kinh đang lợi dụng sự mềm yếu của chính quyền Thủ tướng Manmohan Singh. Cũng có nhiều người kêu gọi New Delhi phải dùng đến vũ lực nếu thấy cần thiết để buộc Trung Quốc phải rút quân nếu không Bắc Kinh sẽ được khuyến khích để tiếp tục tìm cách thay đổi nguyên trạng ở đây.

 

Mặt trận lớn nhất

 

Trong 3 mặt trận mà Trung Quốc đang gây hấn thì mặt trận ở Biển Đông là lớn nhất và có sự liên quan của nhiều nước nhất.

 

Trung Quốc đang ngày càng thực hiện nhiều bước đi hung hăng, ngang ngược nhằm thiết lập sự hiện diện thường xuyên, cố định ở những vùng tranh chấp như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam hay bãi cạn Scarborough và một loạt đảo nhỏ, bãi đá, bãi san hô khác.

 

Song song với những cuộc đối đầu với tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines và quấy nhiễu tàu thuyền Việt Nam, Trung Quốc còn tiến hành đủ loại biện pháp về kinh tế, ngoại giao, du lịch, cả quân sự và phi quân sự nhằm đạt được mục đích là độc chiếm khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên.

 

Những hành động của Trung Quốc đã gây bất bình không chỉ đối với các nước láng giềng có liên quan trực tiếp đến cuộc tranh chấp ở Biển Đông mà còn vấp phải sự phản đối của dư luận quốc tế.


Kiệt Linh - (theo VS)

Ý kiến bạn đọc