(VnMedia) - Nếu như chương trình mở rộng và hiện đại hoá vũ khí thông thường của Trung Quốc ngày càng trở nên công khai thì chương trình vũ khí hạt nhân của nước này vẫn được bao trùm bởi một bức màn bí ẩn.
(Ảnh minh họa) |
Chương trình phát triển vũ khí thông thường của Trung Quốc dường như được cập nhật thường xuyên trên các phương tiện truyền thông và được theo dõi chặt chẽ bởi các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương xung quanh cũng như của Mỹ và các nước xa hơn nhưng có lợi ích trong khu vực.
Trái với sự công khai và có phần phô trương của chương trình vũ khí thông thường, kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Trung Quốc dường như vẫn được giấu kín trong bức màn bí mật và gây tranh cãi.
Nhật Bản và các nước Châu Á lo ngại, Mỹ có thể bỏ sót những bằng chứng về việc kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với những gì mà họ chính thức công bố.
Các nước trong khu vực cũng e ngại rằng, Bắc Kinh có thể đang tìm cách cân bằng sức mạnh hạt nhân và cuối cùng là vượt cả Mỹ và Nga. Nếu điều này xảy ra thì nó có thể làm phương hại đến cam kết của Mỹ trong việc mở rộng “cái ô hạt nhân” của nước này nhằm bảo vệ các đồng minh Châu Á không có vũ khí hạt nhân, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc. Và kết quả cuối cùng là sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc có thể làm gia tăng áp lực lên các quốc gia Châu Á dễ bị tổn thương, buộc họ phải phát triển vũ khí hạt nhân riêng cho mình. Từ đó, một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân đáng sợ bắt đầu!
Khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc
Hầu hết các quan chức và các nhà phân tích chuyên về vũ khí hạt nhân của Mỹ đều tin rằng, Trung Quốc đang sở hữu trong tay từ 240 đến 400 đầu đạn hạt nhân. Tất cả đều được đặt trên các tên lửa đạn đạo được chứa trong những hầm ngầm hoặc trên các bệ phóng di động. Vì thế, người ta khó mà phát hiện cũng như phá hủy được các đầu đạn hạt nhân đó. Trong số này có cả những tên lửa tầm xa có khả năng vươn tới lục địa Mỹ.
Con số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc trên thực tế chưa bằng 1/3 so với kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga. Dù đã cắt giảm lớn kho vũ khí hạt nhân, Mỹ và Nga vẫn sở hữu số lượng vũ khí hạt nhân tầm xa nhiều hơn rất nhiều so với bất kỳ nước nào khác.
Tuy vậy, lực lượng Trung Quốc vẫn có đủ để bảo đảm khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của họ. Điều đó có nghĩa là, nếu Trung Quốc bị tấn công bởi một cường quốc hạt nhân thì nước này vẫn có thể trả đũa và gây ra những tổn thất không thể chấp nhận được.
Báo chí nhà nước Trung Quốc trong những tháng gần đây đã đưa tin về những bước khác nhau nhằm tăng cường khả năng sống sót của kho vũ khí hạt nhân nước này cũng như khiến cho họ có thể phát động những cuộc tấn công trả đũa thảm khốc. Một bước là đưa nhiều đầu đạn hạt nhân lên các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bắn từ mặt đất hoặc từ tàu ngầm, mỗi đầu đạn có thể tấn công vào một mục tiêu khác nhau.
Trong bản báo cáo thường niên trình Quốc hội hôm 6/5 vừa rồi về diễn biến phát triển an ninh và quân sự của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nói rằng, lực lượng vũ trang Trung Quốc đang phát triển và thử nghiệm nhiều loại phiên bản khác nhau của các tên lửa tấn công, thiết lập thêm các đơn vị tên lửa, nâng cấp những hệ thống tên lửa cũ và tìm ra các cách thức mới nhằm đối phó với những hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Tất cả đều là để nhằm đảm bảo rằng, những tên lửa hạt nhân của Trung Quốc có thể bắn trúng các mục tiêu trong trường hợp xảy ra xung đột.
Lầu Năm Góc cho biết thêm, Trung Quốc đang tiến sát tới việc sở hữu 5 tàu ngầm hạt nhân có thể phóng thế hệ tên lửa hạt nhân mới - JL-2 có tầm bắn lên tới hơn 7.400 km. Như vậy, Hải quân Trung Quốc đã có trong tay khả năng răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy đầu tiên.
Trung Quốc không công khai tuyên bố số lượng vũ khí mà nước này đang sở hữu và người ta cũng chẳng có cách nào để có được con số ước tính tương đối sát về kho vũ khí hạt nhân của cường quốc Châu Á này. Trung Quốc đã chính thức tuyên bố chính sách “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước", điều đó có nghĩa là nước này sẽ chỉ “tung” vũ khí hạt nhân ra trong trường hợp phải đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào họ.
Cam kết trên của Trung Quốc gồm hai phần: thứ nhất, Bắc Kinh sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân trước để chống lại bất kỳ quốc gia có vũ khí hạt nhân nào; và thứ hai, Trung Quốc cũng không bao giờ sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đối với các nước không có vũ khí hạt nhân hay những vùng phi hạt nhân đang tồn tại ở Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, một vị tướng cấp cao của Trung Quốc cách đây vài năm từng cảnh báo, nếu Mỹ tấn công Trung Quốc bằng vũ khí thông thường chính xác cao trong một cuộc xung đột ở Đài Loan thì Bắc Kinh có thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Ông này sau đó đã được thăng chức.
Cả Trung Quốc, Triều Tiên, Iran, Ấn Độ và Pakistan đều đang tăng cường phát triển các tên lửa đạn đạo nhằm củng cố khả năng răn đe của họ. Điều này đã gây ra một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân nguy hiểm ở Châu Á mặc dù nhiều nước không thừa nhận điều này.
Sự nguy hiểm tăng lên bởi một số tên lửa đạn đạo có thể mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân. Trong một cuộc xung đột, người ta chẳng có cách nào để phân biệt đâu là đầu đạn hạt nhân và đâu là đầu đạn thông thường cho đến khi mọi việc đã trở nên quá muộn.
Khám phá bí mật hạt nhân của Trung Quốc mà không có sự hợp tác của nước này là điều gần như không thể. Hy vọng tốt nhất là Mỹ và Nga sẽ tiến hành các cuộc đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân trong tương lai với sự tham dự của cả Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Điều đó sẽ giúp giảm nguy cơ đáng sợ cho khu vực.
Kiệt Linh -
(theo Japan Times)
Ý kiến bạn đọc