(VnMedia) - Ổn định là yếu tố có tính sống còn cho sự phát triển và cộng hưởng của nền kinh tế Trung Quốc với nền kinh tế các nước trong khu vực. Việc Trung Quốc áp dụng các bước đi để ngăn cản tình trạng quân sự hóa những cuộc tranh chấp hiện nay là vì lợi ích của chính bản thân họ.
Trung Quốc trong thời gian gần đây thường có nhiều động thái thể hiện sự hiếu chiến của họ trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông. |
Những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên lại một lần nữa đẩy các nước trong khu vực vào tình trạng đối đầu trực diện. Căng thẳng ở Biển Đông đã gây ảnh hưởng rộng khắp ra khu vực, gây ra những mâu thuẫn mới trong quan hệ giữa các nước thành viên ASEAN.
Việc Trung Quốc trắng trợn và tham lam đòi chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông giàu có đã đặt nước này vào trung tâm của các cuộc tranh chấp nóng bỏng đó. Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trong những năm gần đây, trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc càng ngày càng trở nên hiếu chiến và các nước có tranh chấp với Trung Quốc cũng trở nên ngày một cứng rắn. Điều đó làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột, gây bất ổn cho khu vực.
Tuy nhiên, ổn định là yếu tố sống còn cho việc duy trì sự cộng hưởng của nền kinh tế Trung Quốc với nền kinh tế của các nước trong khu vực. Trong môi trường quốc tế bất ổn với rất nhiều thách thức an ninh toàn cầu như hiện nay, việc Trung Quốc thực hiện các bước đi nhằm ngăn chặn tình trạng quân sự hóa các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải hiện nay là vì lợi ích của chính họ. Bắc Kinh nên hành động để củng cố mối quan hệ hợp tác với các nước láng giềng đang có tranh chấp hàng hải với họ.
Sau nhiều năm yên bình, những nước có tranh chấp ở Biển Đông đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm khẳng định lợi ích của họ ở đây thông qua những tuyên bố chính thức, các chính sách mới cùng với những chuyến tuần tra thường xuyên. Những hành động này và nhiều bước đi khác đã dẫn đến tình trạng Trung Quốc đối đầu với cả Philippines và Việt Nam cùng lúc với một cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc biển Hoa Đông đang leo thang thành những cuộc dương oai diễu võ tiềm ẩn đầy nguy cơ.
Bắc Kinh lập luận rằng, các hành động của họ ở Biển Đông là “phản ứng” chứ không phải cố tình làm leo thang căng thẳng với mục đích để bảo vệ lập trường của nước này trước những thách thức về chủ quyền và lợi ích hàng hải. Bắc Kinh còn tuyên bố, họ liên tục nhấn mạnh cam kết với cách tiếp cận trong mối quan hệ với các nước ASEAN sao cho đảm bảo hòa bình, sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Tuy nhiên, rõ ràng, một số động thái của Bắc Kinh như việc nước này năm 2012 thông báo tiến hành khai thác dầu mỏ ở một loạt lô dầu rộng lớn ở Biển Đông, đã đi ngược lại thông điệp trên của họ và khiến các nước trong khu vực càng nghi ngờ, lo ngại về việc Trung Quốc chuẩn bị dùng sức mạnh vượt trội của họ để khẳng định chủ quyền một cách phi pháp ở Biển Đông.
Cùng lúc này, Mỹ lại tích cực thực hiện chiến lược hướng trọng tâm vào Châu Á. Washington tăng cường sự hiện diện quân sự ở trong khu vực với mục tiêu trọng tâm là nhằm ủng hộ cho các đồng minh và đối tác của họ. Chiến lược này của Mỹ đã nhận được phản ứng tích cực của một số nước nhưng nó lại khiến Trung Quốc nghi ngờ mục đích của Mỹ ở trong khu vực. Bắc Kinh xem chiến lược của Mỹ là một trò chơi một mất một còn mà ở đó Washington đang tìm cách tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng của nước này bằng cách phá vỡ mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
Với những hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông hiện nay, nước này rõ ràng đang làm lợi cho Mỹ, đang tự mình phá hoại mối quan hệ với các nước láng giềng xung quanh. Nếu không thay đổi, Trung Quốc sẽ tự làm mình thua cuộc trong cuộc chơi với “kỳ phùng địch thủ” Mỹ và tự chuộc họa vào thân.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc