Cùng một thời điểm, Trung Quốc và Ấn Độ đồng loạt thành lập lực lượng tiêm kích hạm trên tàu sân bay.
Phi đội này trang bị 16 tiêm kích hạm MiG-29K/KUB (12 chiếc MiG-29K một chỗ ngồi và 4 chiếc MiG-29KUB huấn luyện 2 chỗ ngồi) sẽ được biên chế cho tàu sân bay INS Vikramaditya.
Ấn Độ thành lập phi đội tiêm kích hạm MiG-29K chuẩn bị cho sự tiếp nhận tàu sân bay thứ 2 INS Vikramaditya có thể diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Các máy bay tiêm kích MiG-29K với tầm bay 1.300km và trần bay gần 18km. Nó được trang bị các tên lửa không không đối không có điều khiển R-73/77, tên lửa không đối hạm Kh-35E; bom có điều khiển KAB 500KR/OD và rocket S-8KOM”, Thời báo Kinh tế Ấn Độ viết.
Trong những năm gần đây, trước mối đe dọa từ Trung Quốc, Ấn Độ đang tăng cường sức mạnh quân sự. Và nhất là tập trung mạnh mẽ cho hải quân với việc mua sắm, đóng mới thêm nhiều tàu chiến.
Đặc biệt, Ấn Độ lên kế hoạch đóng thêm 2 tàu sân bay nội địa thuộc lớp Vikrant. Chiếc đầu tiên mang tên INS Vikrant có lượng giãn nước tới 40.000 tấn đã được khởi đóng từ năm 2009.
Con tàu sẽ được hạ thủy vào ngày 12/8 năm nay và tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại trước khi ra biển thử nghiệm. Dự kiến, INS Vikrant sẽ được đưa vào trang bị từ năm 2018. Đó cũng là thời điểm mà Ấn Độ có thể sẽ loại biên chế tàu sân bay già nua INS Viraat đã có tuổi đời gần nửa thế kỷ phục vụ.
Một ngày trước khi Ấn Độ đưa phi đội chiến đấu cơ MiG-29 vào biên chế của không quân hải quân, ngày 10/5 Trung Quốc chính thức thông báo thành lập đơn vị không quân hạm trên tàu sân bay Liêu Ninh. Lực lượng này sẽ là một phần của Không quân Hải quân Trung Quốc.
Theo nguồn tin từ Quân đội Trung Quốc, lực lượng không quân hạm trên tàu sân bay sẽ bao gồm: tiêm kích hạm; máy bay huấn luyện và trực thăng săn ngầm/cảnh báo sớm. Nhiệm vụ của lực lượng này gồm: chống ngầm, cứu hộ và giám sát.
Ngoài ra, chất lượng phi công của lực lượng không quân trên tàu sân bay cũng là điều thu hút sự quan tâm. Các nguồn tin quân sự Trung Quốc cho hay, phi công của lực lượng này tinh nhuệ hơn các lực lượng không quân khác trong quân đội (không quân lục quân, không quân). Để có thể lái tiêm kích hạm hạ cánh trên tàu sân bay, các phi công phải từng bay ít nhất 5 loại máy bay và giờ bay kinh nghiệm trên 1.000 giờ.
Chưa hết, điều kiện tiên quyết khác là phi công phải giàu kinh nghiệm trong các cuộc tập trận lớn. Các phi công còn phải trải qua các khóa học như lý thuyết tàu chiến, lý thuyết hàng hải cơ bản và khí tượng hàng hải.
Trung Quốc đang vận hành tàu sân bay nội địa đầu tiên của họ Liêu Ninh, có khả năng chở theo 30 tiêm kích hạm J-15.
Trung Quốc cũng có kế hoạch đóng một tàu sân bay thứ hai lớn hơn, có khả năng mang theo nhiều chiến đấu cơ hơn. Trong bản báo cáo hàng năm về chương trình hiện đại hoá quân đội Trung Quốc được đưa ra hồi tuần trước, Lầu Năm Góc dự báo, Trung Quốc có thể hoàn thành chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên trong một thập kỷ tới.
Ý kiến bạn đọc