Triều Tiên bắt giữ tàu cá "nắn gân" Trung Quốc

06:54, 23/05/2013
|

(VnMedia) - Trung Quốc vốn là đồng minh thân thiết duy nhất của Triều Tiên nhưng với việc một tàu cá của Trung Quốc bị những người Triều Tiên không rõ danh tính bắt giữ được xem là một “hành động vuốt mặt không nể mũi”, khiến Bắc Kinh không thể không nổi giận.
 

 Ảnh minh họa

 (Ảnh minh họa)


Gần đây, quan hệ gắn bó giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã trở nên không mấy êm đẹp sau khi chính quyền của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc liên tiếp phóng tên lửa và thử hạt nhân.
 
Mối quan hệ Trung-Triều càng trở nên bị sứt mẻ sau sự kiện tàu cá của Trung Quốc bị người Triều Tiên bắt giữ. Điều này được thể hiện rất rõ qua phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi gần đây. Ông này đã nói rõ rằng, chính phủ ở Bắc Kinh không vui trước vụ tàu cá của họ cùng 16 ngư dân bị phía Triều Tiên bắt giữ hôm 5/5. Không những thế, Triều Tiên còn đòi tiền chuộc mới thả tàu và ngư dân Trung Quốc.
 
Vụ việc trên không chỉ khiến chính phủ Trung Quốc bực tức mà còn gây ra một làn sóng nổi giận của báo chí và người dân nước này. Trước đó, báo giới và nhiều người dân Trung Quốc từng tỏ ra mất kiên nhẫn trước việc Bình Nhưỡng có tham vọng theo đuổi vũ khí hạt nhân, gây ra mối đe dọa cho khu vực.
 
Những thông tin được báo chí cung cấp sau đó chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc thêm tức giận. Theo báo chí, người chủ tàu cá đã nói rằng, các tay súng mặc quân phục của Triều Tiên đã thả tàu cá và ngư dân Trung Quốc sau khi đã bắt giữ họ suốt hai tuần, đánh đập thuyền trưởng và “rút ruột” nhiên liệu trên tàu. Chủ tàu Trung Quốc cho rằng, người của quân đội Triều Tiên đã dùng vũ lực để bắt giữ tàu và người của họ.
 
Mặc dù phát ngôn viên Hồng Lỗi hôm 20/5 từ chối không cho biết nước này nghĩ lực lượng nào chính xác đứng đằng sau vụ bắt giữ tàu thuyền Trung Quốc nhưng một chuyên gia về Tiều Tiên ở Học viện Khoa học Xã hội Liaoning ở đông bắc Trung Quốc cho rằng, ông nghi ngờ chính phủ Triều Tiên biết về vụ bắt giữ này.
 
Rõ ràng, vụ việc trên lại một lần nữa khiến Trung Quốc cảm thấy mất mặt. Trung Quốc vốn là đồng minh thân thiết nhất và cũng là nhà tài trợ lớn nhất của Triều Tiên. Tuy nhiên, điều đó cũng không khiến chính quyền Bình Nhưỡng kiêng dè mỗi khi hành động. Mâu thuẫn Trung-Triều càng nổi rõ hơn khi mới đây có nguồn tin từ Đức cho rằng, Trung Quốc “đang lặng lẽ thúc đẩy sự thay đổi chính quyền” ở Triều Tiên. Mạng tin Deutsche Welle của Đức dẫn các nguồn tin tình báo giấu tên cho rằng, Bắc Kinh đã có sẵn một kế hoạch trong trường hợp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un mất kiểm soát đối với đất nước. Kế hoạch đó được cho là có liên quan đến việc đưa anh trai của ông Kim Jong Un là Kim Jong Nam lên cầm quyền.
 
Tính xác thực của thông tin trên hoàn toàn chưa được kiểm chứng nhưng nó phần nào bộc lộ mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai nước láng giềng Trung-Triều vốn từng “nghĩa nặng tình thâm”.
 
Triều Tiên vội vã cử đặc phái viên đến làm lành với Trung Quốc
 
Không rõ có phải là Triều Tiên đã cảm nhận được sự tức giận của đồng minh lớn Trung Quốc hay không nhưng chính quyền của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đã vội vã cử đặc phái viên là một trong những quan chức quân sự hàng đầu của mình đến Bắc Kinh, hãng thông tấn KCNA đưa tin.
 
Ông Choe Ryong Hae – Giám đốc Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên hôm nay (22/5) đã rời thủ đô Bình Nhưỡng lên đường đến thăm Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên một đặc phái viên của ông Kim Jong Un đến thăm Trung Quốc kể từ khi ông này lên cầm quyền hồi tháng 12 năm 2011.
 
Rất ít thông tin về chuyến thăm của ông Choe Ryong Hae được công bố nhưng nó diễn ra đúng thời điểm quan hệ Trung Quốc và Triều Tiên đang căng thẳng. Ông Choe là một phần trong bộ máy quyền lực xung quanh Nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Vì thế, người ta tin rằng, ông Kim Jong Un muốn cử đặc phái viên của mình đến Trung Quốc là nhằm để hàn gắn quan hệ với đồng minh quan trọng nhất của họ.
 
Theo lịch trình, ông Choe sẽ có cuộc gặp đầu tiên ở thủ đô Bắc Kinh với ông Wang Jiarui – người đứng đầu Ban Quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hãng tin Tân Hoa xã cho biết.
 
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc có thể tranh thủ cơ hội đến “làm hòa” lần này của đặc phái viên Triều Tiên để yêu cầu Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân 6 bên đã rơi vào bế tắc bao lâu nay. Trung Quốc đã đề xuất ra cơ chế đàm phán 6 bên nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Các nước tham gia đàm phán gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Tiến trình này đã bị gián đoạn kể từ sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ hai hồi năm 2009.
 
Người Trung Quốc đang rất tức giận bởi những hành động khiêu khích của Triều Tiên và chắc chắn, trong cuộc gặp gỡ lần này, họ sẽ yêu cầu chính quyền của ông Kim Jong Un chấm dứt những hành động như thế.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc