(VnMedia) - Nhà lãnh đạo Bashar al-Assad vẫn có cơ hội giành chiến thắng trước khi Nga và phương Tây can thiệp vào tình hình Syria bằng một giải pháp chính trị. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, trong bất kỳ trường hợp nào, ông Assad cũng không thể tiếp tục duy trì quyền lực được lâu và khả năng cao là ông sẽ phải ra đi trong lặng lẽ.
Tổng thống Assad (ngoài cùng bên phải) trong một lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng gần đây |
Kể từ khi cuộc nổi dậy ở đất nước Syria bùng lên hồi tháng 3 năm 2011, đã có biết bao những lời dự đoán và cả những kịch bản được dựng lên cho Tổng thống Assad. Rất nhiều người từng cho rằng, ông Assad sẽ chẳng thể cầm cự được quá vài tháng, giống như ở các nước khác trong cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả-rập. Tuy nhiên, tất cả những dự đoán, kịch bản đó đều được chứng minh là hoàn toàn sai.
Chẳng có kịch bản Tunisia hay Ai Cập nào lặp lại ở Syria. Tổng thống Assad cũng không bị kéo lê trên đường và đưa ra xét xử. Kịch bản can thiệp quân sự của phương Tây vào Libya cũng không tái diễn ở đất nước của ông Assad khi mà các cường quốc không tìm được tiếng nói đồng thuận trong vấn đề này.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm diễn ra cuộc nội chiến đẫm máu và ác liệt giữa quân chính phủ và phe nổi dậy, mọi thứ dường như sắp thay đổi sau 3 diễn biến diễn ra trong hai tuần qua gồm: vụ thảm sát ở thành phố Banias, phía Tây Syria; chiến dịch không kích lớn của Israel nhằm vào thủ đô Damascus và chuyến thăm Moscow của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Nhà nước Alawite - kịch bản tự sát đối với ông Assad?
Sau diễn biến kinh hoàng ở Banias tuần này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã cáo buộc Nhà lãnh đạo Assad tiến hành cuộc thanh trừng sắc tộc ở phía tây Syria với mục đích thành lập một vùng đất dành riêng cho giáo phái Alawite của ông này. Theo Ngoại trưởng Davutoglu, quân đội Syria đã thực hiện cuộc thanh trừng sắc tộc bằng việc giết hại và xua đuổi các cộng đồng người Sunni ra khỏi toàn bộ khu vực kéo dài từ thành phố Homs đến khu vực bờ biển. Động thái này là nhằm để đảm bảo sự hiện diện của đa số người Alawite trong khu vực. Vị quan chức ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ miêu tả đây là phương sách cuối cùng của Tổng thống Assad sau khi thất bại trong việc đàn áp cuộc nổi dậy bằng mọi cách có thể.
Quan điểm trên của ông Davutoglu nhận được sự chia sẻ của ông Ely Karmon – một học giả nghiên cứu cấp cao ở Viện Chống khủng bố Quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đa ngành ở Herzliya. Theo chuyên gia Karmon, Tổng thống Assad sẽ tìm cách thiết lập một quốc gia của người Alawite nằm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Li-băng với đường biên giới nằm trên Địa Trung Hải, kéo từ phía tây sang các thành phố Aleppo, Homs và đến phía đông. Ông này cũng sẽ tìm cách để một đường hành lang đến thủ đô Damascus.
Hầu hết người dân theo giáo phái Alawites đều tập trung ở khu vực miền núi nói trên và ngày càng có nhiều người kéo đến đó trong hơn hai năm qua, ông Karmon cho hay. Và những cuộc chiến ở dọc biên giới đông bắc Li-băng đã phản ánh đúng những phân tích của ông Karmon. Nó cho thấy mong muốn của chính quyền Syria và Hezbollah trong việc duy trì một đường hành lang nối tới Li-băng, đặc biệt là tới các khu vực có đông người Shi’ite sinh sống. Giáo phái Alawites là một nhánh nhỏ của dòng Shi’ite. Tuy nhiên, kịch bản trên sẽ khiến ông Assad có ít cơ hội trong việc duy trì quyền kiểm soát ở thủ đô Damascus.
Việc thiết lập một nhà nước Alawite sẽ đẩy Syria vào tình trạng “chia năm xẻ bảy” thành nhiều quốc gia. Người Kurds sẽ tìm cách xây dựng một đất nước ở phía đông bắc, người Druze dựng một nước ở phần Cao nguyên Golan của Syria và một nước lớn của người Sunni ở giữa. Trong bối cảnh thực tế địa chính trị của khu vực, sự thiếu thống nhất của phe nổi dậy Syria và cộng đồng rất lớn người Cơ đốc giáo ở Syria, viễn cảnh trên không phải là một giải pháp lâu dài.
Giải pháp thiết lập nhà nước Alawite được cho là kịch bản tự sát đối với ông Assad bởi nhà nước này sẽ không thể tồn tại trong những điều kiện như hiện nay.
Theo ông Samir Aita, Tổng Biên tập tờ Le Monde Diplomatique tiếng Ả-rập và cũng là một thành viên của Diễn đàn Dân chủ Syria, ông Assad sẽ tập trung giành được tối đa chiến thắng trên chiến trường trước khi các cường quốc áp đặt vào đây một giải pháp.
“Tổng thống Assad thừa hiểu rằng, chiến trường ở Syria đã trở thành một chiến trường quốc tế. Các cường quốc do Mỹ và Nga dẫn đầu không muốn cuộc đối đầu này lan sang các nước láng giềng như Li-băng, Iraq và Jordan. Vì vậy, họ sẽ hành động để ngăn chặn không cho kịch bản này xảy ra”, ông Aita cho Haaretz biết.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Assad được cho là sẽ tìm kiếm một giải pháp chính trị dựa trên thoả thuận được đưa ra ở Geneva hồi tháng 6 năm ngoái. Theo đó, giải pháp này không bắt buộc ông Assad phải từ chức mà ông này sẽ tiếp tục tại vị trong khi chờ đợi thành lập một chính phủ được cả hai bên chấp nhận. Chính phủ này sẽ có quyền lực đối với cả quân đội lẫn bộ máy an ninh.
“Ông Assad sẽ vẫn là Tổng thống nhưng sẽ không nắm quyền quản lý quân đội và chính phủ. Phe nổi dậy sẽ phải từ bỏ yêu cầu đòi ông Assad từ chức ngay lập tức để làm điều kiện cho bất kỳ giải pháp chính trị nào trong tương lai. Vấn đề này sẽ được đưa ra tại một hội nghị quốc tế sau khi đạt được thoả thuận giữa Ngoại trưởng hai nước Nga, Mỹ”, ông Aita cho biết. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn mâu thuẫn với nhau về thành phần tham dự hội nghị quốc tế về Syria sắp tới.
Tuy nhiên, kịch bản này cũng khó có khả năng xảy ra bởi việc từ bỏ quyền kiểm soát quân đội cũng chẳng khác gì một hành động tự sát đối với ông Assad.
Kiệt Linh -
(theo haaretz)
Ý kiến bạn đọc