Tình báo Nga - Mỹ sẽ cùng bắt tay nhau

20:45, 01/05/2013
|

Ngày 29-4, người phát ngôn của Tổng thống Nga Putin, ông Dmitri S. Peskov, thông báo hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đã đồng ý về một sự hợp tác sâu hơn giữa các cơ quan an ninh và tình báo hai nước.

 

 Các nhà điều tra Mỹ tìm dấu vết khủng bố tại Boston. Bom đã có thể không nổ nếu họ chịu lắng nghe đồng nghiệp Nga - Ảnh: AFP


Sau vụ đánh bom khủng bố tại Boston, mọi chuyện đã tiến triển tốt hơn trong hợp tác tình báo giữa Mỹ và Nga. Sự hợp tác này sẽ được “thử lửa” tại Thế vận hội Olympic mùa đông diễn ra ở thành phố Sochi (Nga) năm 2014...

Báo The Economist ngày 27-4 thuật lại: “Chỉ vài giờ sau khi nghi phạm đánh bom được xác nhận là người gốc Chechnya, cựu điệp viên KGB (tức Tổng thống Nga Putin) đã nhấc máy gọi cho Tổng thống Obama đề nghị giúp đỡ Mỹ điều tra vụ tấn công”. Đồng nhiệm người Mỹ đương nhiên cảm ơn sự hỗ trợ đến từ nước Nga.

Chỉ hai cuộc điện thoại

Mọi việc chuyển biến nhanh đến mức không ngờ. Đến lần nói chuyện thứ hai qua điện thoại vào cuối tuần qua, mà điện Kremlin cho biết là từ Mỹ, thì cả hai nhà lãnh đạo đã bàn bạc sâu hơn về hợp tác tình báo, đặc biệt là vấn đề an ninh tại Thế vận hội Olympic mùa đông sẽ diễn ra tại thành phố Sochi vào năm 2014.

Ngày 29-4, người phát ngôn của Tổng thống Putin, ông Dmitri S. Peskov, thông báo hai nhà lãnh đạo đã đồng ý về một sự hợp tác sâu hơn giữa các cơ quan an ninh và tình báo hai nước.

Phát biểu với báo giới tại Matxcơva, trợ lý Yuri Ushakov của Tổng thống Putin cũng nêu rõ: “Hai bên đã đạt được thỏa thuận là sẽ liên lạc chặt chẽ ở cấp người đứng đầu các cơ quan đặc biệt”. Theo Reuters, cụm từ “cơ quan đặc biệt” là cách người Nga gọi các cơ quan an ninh và tình báo.

Sau vụ khủng bố tại Boston, an ninh và tình báo Mỹ càng cảm thấy mất mặt khi các thông tin về hai tên khủng bố từng được Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) chia sẻ cho Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI).

AFP cho biết nguồn tin từ an ninh Nga ở Makhatchka (thủ phủ của Dagestan) từng biết về việc người anh Tamerlan Tsarnaev đã gặp gỡ hai kẻ khủng bố người Hồi giáo là Makhmoud Nidal và William Plotnikov. Cả hai tên này đã bị lực lượng Nga tiêu diệt trong hai chiến dịch truy lùng vào năm 2012.

Giữa tháng 4-2012, FSB ghi nhận việc Tamerlan xuất hiện cùng với Nidal. FSB bắt đầu lập hồ sơ về Tamerlan vào tháng 5-2012 và đã gửi đề nghị xin cung cấp thông tin đến FBI vì Tamerlan đến từ Mỹ. Theo AFP, an ninh Nga đã không nhận được phản hồi gì từ phía Mỹ.

Thái độ đó phản ánh đúng sự bất hợp tác trong thời gian dài giữa an ninh và tình báo hai nước. Trong một lần trả lời phỏng vấn trên đài ABC, ông Mike Rogers, chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, còn tuyên bố đầy nghi kỵ: “Người Nga đang giữ trong tay những thông tin có thể giúp chúng ta đáng kể nhưng họ vẫn chưa chịu chia sẻ”.

Ông giải thích: “FSB rất thù địch với FBI, CIA và cũng có vấn đề khác biệt văn hóa giữa người Nga và chúng ta. Họ có gửi cho chúng ta một lá thư nhưng chẳng có thông tin gì”.

Một quan chức giấu tên trong Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói thẳng: “Thường những cá nhân trong danh sách được Matxcơva khuyến nghị không thật sự là những phần tử khủng bố. Nó bao gồm cả những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động dân chủ bị chính quyền theo dõi”.

Việc “coi thường” này khiến FBI “lơ” cảnh báo của FSB về Tamerlan.

Thù địch và nghi kỵ

Roumiana Ougartchinska - giảng viên Học viện Tội phạm học Paris - nhận định: “Người ta bảo chiến tranh lạnh giữa Nga và phương Tây đã chấm dứt, nhưng trên thực tế nó vẫn tồn tại trong tâm tưởng”.

Nhận xét trên hoàn toàn chính xác bởi lẽ giữa hai bên luôn tồn tại mối nghi kỵ cố hữu. Từng có những thời kỳ hai bên tìm cách bắt tay nhau, nhưng rồi cuộc chiến tại Chechnya năm 1999 đã chôn vùi các nỗ lực bước đầu. Claude Cartigny, thuộc Quỹ Gabriel Péri, cho biết: “Cuối năm 1999, quan hệ Nga - Mỹ đã rơi xuống điểm thấp nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ”.

Vụ khủng bố 11-9-2001 tại Mỹ một lần nữa lại làm nhen nhóm hi vọng hợp tác an ninh giữa hai quốc gia. Hai tổng thống George W. Bush và Vladimir Putin từng gặp nhau hai lần (tháng 11-2001 và tháng 11-2002), hai bên đã có những cuộc thảo luận đầy khó khăn về việc hợp tác để cùng chia sẻ thông tin chống khủng bố.

Nhiều năm sau đó, Mỹ nhận được thông tin từ phía Nga về các nhóm Hồi giáo cực đoan cũng như kinh nghiệm tại chiến trường Afghanistan. Đổi lại, phương Tây xem Nga như một thành viên trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế. Hội đồng NATO - Nga đã ra đời khi đó với mục tiêu hợp tác trong lĩnh vực an ninh.

Tuy nhiên, mối quan hệ đó vẫn còn bị vướng mắc. Strobe Talbot, giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược Brookings, nhận xét: “Trong nhiều trường hợp, thông tin của Nga là đáng tin cậy. Tuy nhiên, đôi lúc họ thổi phồng thông tin lên để phục vụ mục đích chính trị”.

Một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích “giới tình báo luôn rơi vào tình trạng xung đột: một mặt nhận thức rất rõ là cần phải hợp tác để chia sẻ thông tin, nhưng mặt khác lại sợ làm lộ nguồn tin và cách thức tác nghiệp”.

Vụ khủng bố tại Boston như đang làm thay đổi tất cả. Ít nhất là từ những quyết định rất nhanh chóng của các lãnh đạo về việc hợp tác cấp cao trong lĩnh vực an ninh. Thử thách trước mắt chính là Thế vận hội Olympic mùa đông sẽ diễn ra tại thành phố Sochi - nơi cách không xa vùng bắc Kavkaz có phiến quân Chechnya hoạt động.


(theo Tuổi trẻ)

Ý kiến bạn đọc