Tên lửa Syria huỷ diệt kẻ thù trong nháy mắt

07:05, 16/05/2013
|

(VnMedia) - Nếu những thông tin mà giới truyền thông đưa ra là sự thật thì Nga – quốc gia từ lâu đã là nhà cung cấp vũ khí lớn của Syria có thể sớm hoặc là đã cấp các hệ thống phòng không S-300 cho Syria . Tuy nhiên, từ “nếu” ở đây lại là một vấn đề lớn.


   
 

 Ảnh minh họa

 Hệ thống tên lửa S-300.


Có thực sự tồn tại  một thỏa thuận mua bán hệ thống S-300 giữa  Nga và Syria ?

   

Nói một cách nghiêm túc, thực ra tất cả mới chỉ là tin đồn. Chỉ tồn tại đúng một chứng cứ chắc chắn có thể vin vào - đó là dựa trên bản báo cáo thường niên của tập đoàn chế tạo S-300 – Nhà máy Lắp máy Nizhny Novgorod được đưa ra năm 2011 , trong đó có nhắc tới một thương vụ liên quan đến việc cung cấp hệ thống phòng thủ này cho Syria.

 

Tuy nhiên, báo cáo trên đã được gỡ khỏi trang web của nhà máy này ngay sau khi được đưa lên, nhưng tại thời điểm đó, tờ nhật báo doanh nhân có uy tín của Nga Vedomosti đã kịp trích dẫn thông  tin từ báo cáo trên, nói rằng hợp đồng này có trị giá lên tới 105 triệu USD.  Tờ báo này đồng thời cho biết, một số lượng chưa xác định hệ thống S-300 đã được bàn giao cho Syria trong khoảng từ năm 2012 đến đầu 2013.

   

Trong khi đó, theo hãng tin RIA,  tất cả các thông tin khác đều dựa vào những nguồn tin ngoại giao và tình báo rò rỉ, trong đó gần đây nhất là thông tin từ tờ nhật báo Kommersant của Nga và Wall Street Journal. Theo tin từ các báo này, hợp đồng vũ khí ký kết giữa Nga và Syria bao gồm 4 khẩu đội S-300 và 144 tên lửa với tổng  trị giá lên tới 900 triệu USD và chúng sẽ bắt đầu được bàn giao trước cuối mùa hè này.

 

Mỗi hệ thống S-300 có trị giá theo ước tính của các chuyên gia lên tới khoảng 115 triệu USD, cộng thêm 1 triệu USD hoặc hơn cho mỗi quả tên lửa được triển khai trên nó.

Có thể nhận thấy, hai con số mà hai nguồn tin đưa ra quả là chênh lệch nhau rất nhiều.

   

Tuy nhiên, cả phía Damascus cũng như tập đoàn xuất khẩu vũ khí độc quyền của Nga – Rosoboronexport chưa bao giờ đưa ra bất cứ bình luận nào về hợp đồng trên.

 

Gần đây, Bộ Ngoại giao Nga nhiều lần khẳng định rằng, Nga chỉ đang thực hiện nốt các hợp đồng vũ khí đã ký còn tồn đọng với Syria, trong đó cung cấp cho Syria các loại vũ khí phòng thủ, trong đó bao gồm hệ thống phòng không, chứ chưa bao giờ nói chi tiết đó là những loại vũ khí gì.

 

Việc thiếu sự rõ ràng trong những thông tin xung quanh hợp đồng trên dẫn đến những đồn đoán, nghi ngờ của dư luận về sự tồn tại thực sự của nó.

 

Ai là người quyết định hợp đồng này? Cộng đồng quốc tế hay bên thứ ba có ảnh hưởng tới hợp đồng hay không?

   

Hợp đồng trên hoàn toàn nằm trong quyền quyết định của Moscow Damascus – hay nói cách khác, tất cả đều nằm trong tay của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

 

Theo nhận định của RIA, các hiệp ước quốc tế về thương mại vũ khí chỉ ảnh hưởng ít hoặc khó ảnh hưởng tới thỏa thuận vũ khí giữa hai bên bởi chúng chỉ bao hàm các loại vũ khí chiến lược, bom chùm chứ không bao gồm các hệ thống phòng không. Bên cạnh đó, mọi nỗ lực cấm vận bán vũ khí cho Syria thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều vấp phải sự phản đối của phía Nga.


Đâu là mục tiêu của hệ thống  S-300 nếu nó nằm trong tay chính phủ Syria ?

   

Không phải phe nổi dậy Syria bởi họ không có máy bay. Và mặc dù về kỹ thuật, hệ thống này có thể được tái lập trình để tấn công các mục tiêu mặt đất,nhưng làm việc này vô cùng tốn kém, với chi phí có thể lên tới 700.000 USD đến 1,2 triệu USD cho mỗi quả tên lửa.

 

Tuy nhiên, bất cứ âm mưu thiết lập vùng cấm bay nào của các cường quốc trên bầu trời Syria như kịch bản ở Libya năm 2011 sẽ bị “chặn đứng” bởi hệ thống phòng không hiện đại này.

 

Quân Assad mất bao lâu để bắn hạ chiến đấu cơ của đối phương?
 

Hệ thống S-300P được thiết kế để tiêu diệt tất cả phương tiện tiến công hỏa lực đường không của địch, các loại máy bay chiến lược, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo với độ chính xác rất cao, cự ly xa hàng trăm km, độ cao lớn.

 

Hệ thống S-300P được trang bị nhiều loại ra-đa tối tân, bao gồm đài ra-đa trinh sát 36D6 phát hiện mục tiêu ở cự ly xa tới 360km, bám bắt 120 mục tiêu cùng lúc, ra-đa trinh sát bắt thấp (độ cao thấp) 76N6, ra-đa điều khiển hỏa lực 30N6 sử dụng để dẫn đường điều khiển với ra-đa dẫn đường bán chủ động giai đoạn cuối. Bệ phóng tự hành lắp ống phóng đạn tên lửa của hệ thống này sẽ bắn theo phương thẳng đứng.

 

Tất cả các thành phần đài ra-đa và xe phóng đều được đặt trên xe vận tải bánh lốp hạng nặng, tính cơ động cao. Với khả năng đó, nó cho phép hệ thống đối phó có hiệu quả trước việc không quân đối phương phản đòn.

 

Hệ thống S-300 có thể được triển khai chỉ trong vòng 5 phút một khi nó được vận hành bởi các binh lính có tay nghề, được đào tạo bài bản. 
 

Hệ thống S-300PMU2 có thể phóng 6 tên lửa liền một lúc, mỗi tên lửa có khả năng phá hủy các loại máy bay như F-16 và F-22 – báu vật của không lực Mỹ và Israel với tốc độ cực đại cũng như đánh chặn các mục tiêu đạn đạo.

 

Mặc dù, chúng có thể bị đánh chặn hay phá hủy bởi lực lượng phòng không mặt đất,  tuy nhiên, đó thực sự là một nhiệm vụ khó khăn đối với đối phương. Bởi vậy, có thể nói, với hệ thống phòng không này, hậu quả và cái giá mà các nước phải trả khi tiến hành không kích nhằm vào Syria sẽ trở nên “rất đắt”.


Đan Khanh - (Theo RIA)

Ý kiến bạn đọc