Nội chiến Syria "vô cùng nguy hiểm" với khu vực

06:54, 29/05/2013
|

(VnMeia) - Tình hình ở Syria đang gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với toàn khu vực Trung Đông, Thủ tướng Tunisia – ông Ali Laarayedh hôm 27/5)cho hay.
  
“Tôi đã rất sốc với con số người thiệt mạng và sự tàn phá ở Syria. Chúng ta có thể thấy tình hình đang nguy hiểm tới mức nào đối với tương lai của Syria cũng như toàn khu vực. Tình hình Syria vô cùng nguy hiểm đối với Trung Đông”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài tiếng nói nước Nga.

Ảnh minh họa

Ông nói thêm rằng, Tunisia sẽ hỗ trợ bất cứ sáng kiến nào nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria, trong đó có việc tổ chức một hội nghị quốc tế về vấn đề Syria do Mỹ và Nga đề xuất. 
 
“Những thay đổi dân chủ cần được thực hiện tại Syria và những yêu cầu của người dân cần được đáp ứng", Thủ tướng Tunisia nhấn mạnh.
  
Trước đó, sau cuộc hội đàm tại Moscow hôm 7/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trường Mỹ John Kerry đã công khai kế hoạch tổ chức một hội nghị quốc tế về vấn đề Syria.
 
Hàng loạt cơ quan tổ chức quốc tế trong đó có NATO, Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến trên.
 
Chính phủ Syria cũng đã lên tiếng xác nhận sẵn sàng tham gia hội nghị dự kiến sẽ diễn ra vào tháng tới này.
 
Một số nhóm đối lập của Syria cũng cho biết họ sẵn sàng cử đại diện tới tham dự hội nghị, trong khi đó, một số nhóm khác lại tuyên bố việc từ chức của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ là điều kiện tiên quyết để họ tham gia đàm phán.
  
Các chuyên gia của Trung Đông từng cảnh báo rằng, việc lực lượng Hồi giáo cực đoan lên nắm quyền ở các nước thuộc “Arab Spring” (Phong trào nội dậy của nhân dân Ả-Rập) có thể châm ngòi cho một làn sóng biểu tình mới và có thể dẫn tới các cuộc nội chiến.
  
Nếu người hồi giáo lên nắm quyền ở Syria, họ sẽ chia cắt đất nước, ông Basma Qodmani, một thành viên của phe nổi dậy – Hội đồng Quốc gia Syria nhiệm kỳ 2011-2012 cho biết tại một cuộc họp của Câu lạc bộ Thảo luận quốc tế Valdai hồi đầu tháng này.
 
EU dỡ bỏ cấm vận vũ khí cho Syria

Trong một diễn biến liên quan khác, Ngoại trưởng Anh William Hague đêm 27/5 cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với phe đối lập Syria, trong khi vẫn duy trì mọi biện pháp trừng phạt khác đối với chế độ của Tổng thống Syria Bashar Assad sau ngày 1/6 tới. 

Ông Hague cho biết như vậy sau cuộc họp kéo dài 1 ngày giữa 27 ngoại trưởng của các nước thành viên EU tại Brussels hôm qua (27/5).
 
“Việc gửi một dấu hiệu rõ ràng tới thể chế Assad rằng họ cần phải thương thuyết một cách nghiêm túc và tất cả các lựa chọn vẫn được đặt lên bàn nếu họ từ chối làm điều đó là rất quan trọng đối với châu Âu”, ông Hague nhấn mạnh.
  
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng, Anh “chưa có kế hoạch tức thời nhằm đưa vũ khí tới Syria. Chúng tôi sẽ phản ứng một cách linh hoạt nếu tình hình ở Syria tiếp tục xấu đi”, ông Hague nói với hãng tin AP.
 
Trong khi đó, hiện cũng chưa có một nước thành viên nào trong EU có kế hoạch lập tức chuyển vũ khí cho lực lượng nổi dậy ở Syria. 27 nước EU nhất trí phải làm mọi việc có thể để kiểm soát việc xuất khẩu vũ khí, đảm bảo số vũ khí đó không bị rơi vào tay các phần tử cực đoan hay khủng bố.
 
Trước đó, các nhà ngoại giao EU cho biết chính phủ các nước EU đã đạt được một thỏa thuận gia hạn một năm đối với tất cả các biện pháp trừng phạt tài chính và kinh tế của EU nhằm vào Syria.
  
Bên cạnh đó, Giám đốc Chính sách đối ngoại EU – bà Catherine Ashton cho biết, kể từ giờ trở đi, mọi quốc gia thành viên EU đều có quyền đưa ra quyết định của riêng mình về việc có xuất khẩu vũ khí cho Syria hay không.
  
Bà nhấn mạnh rằng, bất cứ loại vũ khí nào được đưa sang Syria đều “nhằm mục đích bảo vệ dân thường”, đồng thời thêm rằng, chính phủ EU sẽ xem xét lại lệnh trừng phạt Syria trước ngày 1/8.
  
Các bộ trưởng EU cũng ủng hộ sáng kiến tổ chức hội nghị quốc tế tại Geneva để bàn về giải pháp hòa bình nhằm chấm dứt khủng hoảng Syria của Nga và Mỹ.
  
EU đã áp đặt lệnh trừng phạt về kinh tế và chính trị đối với thể chế của ông Bashar al Assad từ năm 2011. Lệnh trừng phạt bao gồm lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí cũng như cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với hơn 120 cá nhân và 40 công ty liên quan tới Syria.
   
EU cũng cấm nhập khẩu dầu thô từ Syria và phong tỏa giao thương vàng cũng như các kim loại quý và kim cương với các tập đoàn và ngân hàng trung ương Syria.

Hiện Syria vẫn bị “mắc cạn” trong một cuộc nội chiến đẫm máu bùng lên từ làn sóng biểu tình chống lại thể chế của Tổng thống Bashar al-Assad từ tháng 3/2011 mà đến nay vẫn chưa có dấu hiệu được “giải thoát”. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, ít nhất 80.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài suốt hơn 2 năm qua. Các quốc gia phương Tây đang nỗ lực tìm cách giải quyết khủng hỏang Syria bằng giải pháp hòa bình nhưng cũng không loại trừ khả năng can thiệp quân sự, thiết lập vùng cấm bay ở Syria. Tuy nhiên, kế hoạch trên vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía Nga, quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn của Syria.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc