Nguy cơ chiến tranh Ấn Độ với Pakistan, Trung Quốc

07:10, 16/05/2013
|

(VnMedia) - Ấn Độ vẫn tiếp tục coi Pakistan là “mối đe dọa thực sự” mặc dù nước này đã điều chỉnh chiến lược quân sự trong đó bao gồm cả khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh giới hạn trên hai mặt trận với cả Pakistan và Trung Quốc. Đó là nội dung được đưa ra trong cuốn Sách Xanh đầu tiên về Ấn Độ do một tổ chức cố vấn Trung Quốc biên soạn.
 

 Ảnh minh họa


Trung Quốc và Ấn Độ gần đây vừa có một cuộc "chạm trán" nguy hiểm ở khu vực biên giới. Binh lính Trung Quốc bị tố xâm nhập vào và dựng trại sâu trong lãnh thổ của Ấn Độ 19km. Đã thế, lính Trung Quốc còn giương ra tấm biểu ngữ tố Ấn Độ xâm phạm biên giới và kêu gọi Ấn Độ lùi bước.


Theo cuốn Sách Xanh của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Pakistan là “mối đe dọa lớn thực sự” mà Ấn Độ thấy luôn cần phải đề cao cảnh giác và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối phó.
 
Cuốn sách của Trung Quốc cho rằng, những hoạt động triển khai quân sự của Ấn Độ trên đất liền chủ yếu là nhằm vào Pakistan nhưng trong thời gian gần đây, hoạt động triển khai này đang được điều chỉnh để đối phó với cả Trung Quốc.
 
Cuốn Sách Xanh viết bằng tiếng Trung Quốc là cuốn sách đầu tiên loại này viết về Ấn Độ. Cũng theo cuốn sách đó, New Delhi đang tập trung đối phó với khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh giới hạn với cả Trung Quốc và Pakistan cùng lúc. Điều này được thể hiện qua việc Ấn Độ đang tăng cường triển khai quân ở các khu vực biên giới và ra sức củng cố sức mạnh cho các lực lượng biên phòng bằng việc trang bị thêm vũ khí và thiết bị quân sự mới.
 
Bản báo cáo của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc còn đề cập đến cả những hoạt động triển khai hải quân của Ấn Độ trong những năm gần đây. Trung Quốc cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra nỗi quan ngại của họ bởi từ lâu nước này luôn xem lực lượng hải quân đang ngày một được mở rộng của Ấn Độ là một mối đe dọa lớn.
 
Cuốn Sách Xanh của Trung Quốc đã nói về những nỗ lực của Ấn Độ trong thời gian vừa qua nhằm củng cố sức mạnh hải quân của nước này ở khu vực phía Đông, cụ thể là Bộ Chỉ huy Hải quân Phía Đông của Ấn Độ và các căn cứ của nước này ở quần đảo Andaman và Nicobar.
 
Trung Quốc còn tỏ ra lo ngại về việc Ấn Độ liên tục tăng ngân sách quốc phòng theo tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nền kinh tế, khiến nước này trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.
 
Xem ra sự lo ngại trên của Bắc Kinh có phần “hơi bất công” khi bản thân nước này liên tục trong nhiều năm qua tăng chi tiêu quốc phòng ở mức hai con số, khiến không chỉ các nước láng giềng mà cả thế giới lo ngại.
 
Về chính sách của Ấn Độ đối với các nước láng giềng, cuốn Sách Xanh cho rằng, New Delhi vẫn tiếp tục theo đuổi “Học thuyết Gujral". Đây là một phương pháp thực thi chính sách đối ngoại dựa trên việc thương thảo hòa bình, kêu gọi Ấn Độ đối đãi các nước láng giềng bằng sự quảng đại. Cụ thể, Ấn Độ có thể đơn phương giúp đỡ, tăng cường sự hợp tác, tin tưởng chung lẫn nhau với các nước láng giềng Nam Á trong khi tiếp tục đẩy nhanh tiến trình hòa bình với Pakistan.
 
Ấn Độ cũng thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với Afghanistan và phát triển quan hệ với Bangladesh, Sri Lanka và Nepal.
 
Quan hệ giữa hai nước láng giềng đồng thời là hai siêu cường hàng đầu của Châu Á - Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra vô cùng phức tạp. Mặc dù mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư Trung-Ấn đang phát triển với tốc độ chóng mặt nhưng giữa hai nước này vẫn tồn tại rất nhiều mâu thuẫn, sự cạnh tranh và nghi ngại lẫn nhau. Có thể nói, quan hệ kinh tế Trung-Ấn không phát triển cùng chiều với quan hệ chính trị, ngoại giao, quân sự. Bắc Kinh luôn tỏ ý lo ngại với mối quan hệ gắn bó, thân thiết giữa Ấn Độ với Washington. Ở phía bên kia, New Delhi không hài lòng trước mối quan hệ thắm thiết giữa Trung Quốc với Pakistan – kẻ thù khó chịu của họ. Ngoài ra, New Delhi cũng cảm thấy bất an trước những động thái tăng cường sức mạnh quân sự liên tiếp hiện nay của Trung Quốc.
 
Giữa Trung Quốc và Ấn Độ còn tồn tại cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biên giới suốt nhiều thập kỷ qua. Dù đã trải qua 15 vòng đàm phán cấp cao, cuộc tranh chấp này vẫn chưa tìm được lối thoát. Cả Bắc Kinh và New Delhi đều nhất quyết không chịu nhượng bộ trong vấn đề này.
 
Chưa hết, hai cường quốc hàng đầu Châu Á còn có một cuộc đua tranh hết sức căng thẳng nhằm tranh giành các nguồn lực phát triển kinh tế cũng như ảnh hưởng chính trị trong khu vực và trên toàn cầu.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc