(VnMedia) - Mỹ đang lo lắng đến phát sốt trước viễn cảnh Nga bán hệ thống phòng không tinh vi, hiện đại bậc nhất cho Syria, các quan chức Mỹ hôm 8/5 cho biết.
Hệ thống tên lửa S-300 của Nga |
Nga không chỉ có một căn cứ hải quân quan trọng ở Syria mà còn là nhà cung cấp vũ khí truyền thống lớn cho đất nước Trung Đông. Nhưng việc Nga cung cấp các khẩu đội tên lửa tối tân S-300 cho Syria sẽ giúp nước này củng cố sức mạnh phòng không lên rất nhiều. Hệ thống S-300 được đánh giá là hệ thống vũ khí có tính hiệu quả cao, có thể giới hạn khả năng hoạt động của Mỹ và các quốc gia khác trên bầu trời Syria hoặc khả năng áp đặt vùng cấm bay ở nước này.
S-300 cũng có thể phát hiện và phóng tên lửa vào một loạt mục tiêu, trong đó có máy bay và một số tên lửa.
“Người ta đang quan ngại về việc Nga có thể cung cấp S-300 cho Syria”, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết. Một cơ quan tình báo phương Tây cũng lên tiếng cảnh báo về khả năng Nga sẽ sớm chuyển các khẩu đội tên lửa S-300 đến cho Syria, một quan chức khác của Mỹ đã tiết lộ như vậy.
Thông tin về việc Nga có thể bán S-300 cho Syria xuất hiện đầu tiên trên tờ Thời báo Phố Wall tối ngày hôm qua (8/5). Thông tin này được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Moscow với mục đích tìm kiếm sự hợp tác của Nga trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.
Theo các quan chức Mỹ, Nga cùng với Iran đã ủng hộ cả về mặt chính trị và quân sự cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và điều đó đã làm củng cố thêm quyết tâm của ông Assad trong việc nắm chặt quyền lực.
Israel cũng “đứng ngồi không yên”
Chính Israel được cho là nước đã lên tiếng cảnh báo Mỹ về khả năng Nga bán các hệ thống tên lửa đất đối không tối tân cho Syria bất chấp áp lực từ phương Tây đòi Moscow không được tiến hành bước đi này.
Theo tin từ Thời báo Phố Wall, các quan chức Mỹ xác nhận, họ đang phân tích những báo cáo của Israel về khả năng Nga bán S-300 cho Syria.
Theo Israel, chính phủ của Tổng thống Assad đã nỗ lực từ nhiều năm nay nhằm tìm cách có được trong tay các khẩu đội tên lửa S-300 hiện đại của Nga – thứ vũ khí có thể đánh chặn cả máy bay lẫn tên lửa dẫn đường
Các nước phương Tây liên tục kêu gọi Nga không bán S-300 cho Syria với lý do một hợp đồng như vậy có thể khiến cho sự can thiệp của cộng đồng quốc tế vào cuộc nội chiến ở đất nước Syria thêm phần phức tạp.
Tờ Thời báo Phố Wall cho biết, thông tin mà Israel cung cấp cho Washington cho thấy, Syria đang trả dần từng khoản tiền cho một hợp đồng được ký kết năm 2010 để mua 4 khẩu đội tên lửa S-300 của Nga với giá lên tới 900 triệu USD.
Theo tờ báo của Mỹ, hợp đồng mua S-300 của Syria bao gồm 6 bệ phóng và 144 tên lửa, mỗi cái có tầm bắn khoảng 200km. Chuyến hàng đầu tiên được cho là sẽ có mặt tại Syria trong 3 tháng tới.
Israel hôm nay đã lên tiếng đề nghị Nga không bán các hệ thống phòng không tối tân S-300 cho Syria. “Chúng tôi phản đối việc Nga bán S-300 cho Syria và người Mỹ cũng vậy”, một quan chức Israel cho biết.
Hiện cả Moscow và Damascus chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận gì về các thông tin đưa ra ở trên.
Syria được cho là đã sở hữu trong tay một trong những mạng lưới phòng không mạnh nhất trong khu vực với rất nhiều tên lửa đất đối không tạo thành nhiều lớp bảo vệ chồng lên nhau ở các khu vực quan trọng cùng với hàng ngàn súng phòng không có khả năng tham gia vào các cuộc tấn công máy bay bay ở tầm thấp.
Nếu được cấp thêm S-300 – hệ thống tên lửa tối tân cực mạnh được nhiều nước thèm muốn, thì lực lượng phòng không của Syria sẽ như “hổ mọc thêm cánh”. S-300 được đánh giá là hệ thống vũ khí chứa đựng công nghệ đánh chặn máy bay hàng đầu thế giới.
Sở dĩ Israel lo ngại về viễn cảnh Syria có S-300 trong tay là vì nước này vừa có một loạt trận không kích vào thủ đô Damascus với lý do là để phá hủy số vũ khí mà chính quyền ông Assad đang định chuyển cho nhóm chiến binh Hezbollah ở Li-băng.
Trong các cuộc tấn công trên, Israel không vấp phải bất kỳ đòn trả đũa nào từ phía Syria. Sự xuất hiện dày đặc của máy bay chiến đấu Israel ở không phận Li-băng chứng tỏ đội máy bay này đã tránh được các hệ thống phòng không của Syria bằng cách phóng một loạt tên lửa tầm xa từ khu vực biên giới nhằm vào các mục tiêu đã định.
Nếu Syria có S-300 thì Israel cần phải dè chừng khi tiếp tục có ý định thực hiện các cuộc không kích nhằm vào Syria.
Bản thân Nga cũng không hài lòng trước việc Israel tấn công vào Syria. Moscow cho rằng, đó có thể là một bước dạo đầu để phương Tây phát động một chiến dịch can thiệp quân sự nhằm vào Syria.
Cuộc khủng hoảng ở Syria chứng kiến mâu thuẫn sâu sắc giữa hai phe cường quốc với một bên là Nga-Trung và bên kia là Mỹ và phương Tây. Trong khi phương Tây muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad thì Moscow đã công khai phản đối nỗ lực này. Nga tuyên bố sẽ không để Syria biến thành Libya thứ hai.
Cả Nga và Mỹ đều “tố” nhau có mục đích, ý đồ riêng trong vấn đề Syria. Washington cho rằng, Nga muốn bảo vệ chính quyền Syria để giữ “căn cứ” duy nhất của họ còn lại ở khu vực Trung Đông. Đáp lại, Moscow cáo buộc, Mỹ đang muốn phá đổ chính quyền của Tổng thống Assad để dựng lên một chính quyền mới phục vụ lợi ích cho họ.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc