(VnMedia) - Mỹ gần đây đã phát đi một thông điệp rõ ràng với Trung Quốc rằng, đừng tiếp tục quấy rối Nhật Bản trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư.
Trung Quốc gần đây thường đưa một số lượng tàu thuyền lớn đến uy hiếp Nhật Bản ở vùng tranh chấp. |
“Mỹ phản đối bất kỳ hành động đơn phương mang tính ép buộc, doạ dẫm nào nhằm tìm cách phá vỡ sự kiểm soát về hành chính của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ông Chuck Hagel đã nói như vậy với người đồng cấp Nhật Bản Itsunori onodera tại một cuộc họp báo ở Tokyo diễn ra hồi đầu tuần này.
“Mỹ không áp dụng lập trường về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku nhưng chúng tôi công nhận quần đảo đó đang nằm trong quyền kiểm soát của Nhật Bản và vì thế nó thuộc phạm vi điều chỉnh trong hiệp ước an ninh chung của chúng tôi”, ông Hagel nói thêm.
Những phát biểu đầy mạnh mẽ nói trên của ông chủ Lầu Năm Góc được đưa ra sau khi chính phủ Nhật Bản kêu gọi Washington hãy lên tiếng ủng hộ Tokyo thay vì đưa ra một lập trường trung lập trong vấn đề tranh chấp ở biển Hoa Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản onodera được cho là đã trực tiếp đề nghị Mỹ tái khẳng định sự hậu thuẫn của cường quốc này dành cho Nhật Bản trong cuộc đấu tranh bảo vệ quần đảo Senkaku theo Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.
Tại cuộc gặp với người đồng cấp Hagel, Bộ trưởng onodera đã giải thích lập trường của nước này trong vấn đề Senkaku như sau: “Quần đảo đó rõ ràng là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản xét cả trên các chứng cứ lịch sử lẫn theo luật quốc tế. Tokyo quyết bảo vệ vùng đất, vùng biển và vùng trời của mình”.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Mỹ, Nhật có cuộc gặp gỡ trực tiếp kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thành lập chính quyền hồi tháng 12 năm ngoái.
Trung Quốc đáp trả
Ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra lời cảnh báo Trung Quốc về vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thì Trung Quốc ngày lập tức cũng có câu trả lời đầy cứng rắn.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ – ông Cui Tiankai cảnh báo, Washington “không nên nhấc hòn đá cho Nhật Bản chỉ để nó rơi vào chân của chính mình”.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc tại Mỹ mới đây, ông Cui đã đổ lỗi: “chính Nhật Bản đã châm ngòi và làm leo thang căng thẳng ở quần đảo Điếu Ngư hiện nay và cũng chính Nhật Bản có những hành động đơn phương mang tính doạ dẫm, ép buộc”.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đã trở nên căng thẳng kể từ sau khi Nhật Bản quyết định “quốc hữu hoá” quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9 năm ngoái.
Đại sứ Trung Quốc tuyên bố đầy thách thức rằng: "Trung Quốc không bao giờ công nhận chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư. Và phía Trung Quốc đã liên tục nhắc lại lập trường này với Mỹ”.
Ông Cui bày tỏ hy vọng, Washington sẽ không hy sinh lợi ích lâu dài để đổi lấy những nhu cầu ngắn hạn trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư.
Một học giả người Australian có tên là Hugh White mới đây đã viết một bài bình luận về khả năng bùng nổ chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong vòng một năm nữa và cách mà người Mỹ bị lôi vào cuộc chiến này.
“Đừng quá ngạc nhiên nếu Mỹ và Nhật Bản có chiến tranh với Trung Quốc vào năm tới vì nhóm đảo không có người sinh sống đó”, ông White đã viết như vậy trong bài báo được đăng trên tờ Sydney Morning Herald.
Lời dự đoán của ông White dù hơi cực đoan nhưng có thể trở thành sự thật. Nhật Bản và Mỹ có ràng buộc với nhau trong một hiệp ước an ninh chung.
Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku. Đây là khu vực được cho là giàu tài nguyên và có những tuyến đường biển quan trọng. Tokyo hiện đang nắm quyền kiếm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng Bắc Kinh không chấp nhận điều này và đang tìm cách phá vỡ sự nguyên trạng ở đây.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ với một loạt nước láng giềng nhưng cuộc tranh chấp giữa nước này với Nhật Bản là điểm nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây xung đột nhất. Trong suốt nhiều tháng qua, người ta liên tục chứng kiến lực lượng quân đội Trung Quốc chơi trò dọa dẫm với Nhật Bản ở khu vực này. Hàng loạt những cuộc “vờn đuổi” nguy hiểm giữa tàu thuyền, máy bay hai nước đã xảy ra.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc