Mỹ không dám mạo hiểm đối đầu với quân Syria

06:54, 25/05/2013
|

(VnMedia) - Ngoại trưởng Australia Bob Carr mới đây đã nói với một nhóm người tị nạn Syria ở Li-băng rằng, quân đội Mỹ không muốn mạo hiểm đối đầu với quân đội Syria trong một cuộc chiến tranh kéo dài dai dẳng.

 

 Ảnh minh họa

 Quân đội Syria


Thượng nghị sĩ Carr đã có cuộc trò chuyện với những người tị nạn trong chuyến thăm đến trại của họ ở Thung lũng Bekaa của Li-băng, nằm ở khu vực biên giới với Syria .

 

Những người tị nạn đã kêu gọi ông Carr ủng hộ một chiến dịch can thiệp quân sự nhằm kết thúc cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài suốt hơn 2 năm qua ở Syria . “Tại sao thế giới bên ngoài không can thiệp vào để chấm dứt tình trạng giết chóc hiện nay ở Syria ?”, một người phụ nữ đã đặt câu hỏi như vậy.

 

Đáp lại, Ngoại trưởng Australia cho biết: “Tôi nghĩ rằng, các cường quốc lớn sợ bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh khác ở một đất nước Hồi giáo. Họ sợ điều đó”.

 

"Họ nghĩ rằng, đó sẽ là một cuộc chiến kéo dài gây hao mòn sinh lực. Tôi nghe người ta nói rằng, thậm chí lực lượng vũ trang Mỹ cũng không muốn mạo hiểm thách thức sức mạnh của quân đội Syria ".

 

Những người tị nạn cho rằng, thậm chí một cuộc chiến tranh thế giới cũng không tồi tệ bằng những gì mà họ đã trải qua ở đất nước của mình.

 

Hơn 1,5 triệu người dân Syria đã chạy ra ngoài biên giới để trốn khỏi cuộc nội chiến ác liệt hiện nay và gần một nửa triệu người chạy sang lánh nạn ở ở Li-băng. Theo ông Carr, đến cuối năm nay, có thể sẽ có tới 3,6 triệu người tị nạn từ Syria trốn sang các nước láng giềng xung quanh .

 

"Nếu không có sự can thiệp bằng cách ủng hộ cho những người chống lại Tổng thống Assad như Quân đội Syria Tự do thì các bạn sẽ phải đối mặt với tình trạng hàng triệu người, chứ không chỉ hàng nghìn người tiếp tục rời bỏ đất nước Syria", ông Carr cảnh báo.

 

Ngoại trưởng Carr cho biết, ông không ủng hộ cho hành động can thiệp quân sự nhưng rất khó để đưa ra những lập luận chống lại điều đó khi nghe các câu chuyện của những người tị nạn.

 

"Thế giới đang đối mặt với một thảm họa ở Syria và tôi nghĩ chúng ta đang đến gần tới điểm mà các nước sẽ phải nghĩ rằng, bất cứ thứ gì cũng tốt hơn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở đây. Tôi cho rằng, trách nhiệm là ở chúng ta - những người không muốn tham gia vào một chiến dịch quân sự”.

 

Mặc dù phương Tây do Mỹ dẫn đầu rất muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng các nước này đến giờ vẫn chần chừ, nấn ná không muốn can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến ở Syria . Có nhiều lý do để phương Tây không muốn cung cấp sự giúp đỡ mang tính quyết định cho phe nổi dậy Syria . Một trong những lý do đó là phương Tây e ngại trước các thành phần khủng bố cực đoan được cho là đang trà trộn trong nội bộ phe nổi dậy. Ngoài ra, các cường quốc trên thực tế cũng e ngại sức mạnh của quân đội trung thành với Tổng thống Assad.


Kiệt Linh - (theo abcnews)

Ý kiến bạn đọc